Nâng cao kỹ năng canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ qua Nhịp cầu nhà nông

16:35, 09/04/2025

Thông qua Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông, bà con nông dân được các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp chia sẻ kiến thức về sản xuất, canh tác và ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; đồng thời giải đáp những vướng mắc, khó khăn, gửi những đề đạt, kiến nghị tới các nhà quản lý.

Ngày 9/4, Sở NN&MT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Mê Linh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã trên địa bàn huyện Mê Linh, cùng các nhà cố vấn là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp như: Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng-Tổng thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Năm-Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội sản xuất & kinh doanh thuốc thú y; TS. Ngô Vĩnh Viễn- nguyên Viện trưởng viện Bảo vệ Thực vật; TS. Cao Văn Chí- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & phát triển cây có múi; ông Đoàn Đức Dân- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi… cho bà con nông dân, từ đó giúp người dân nâng cao kiến thức, làm chủ khoa học kỹ thuật để giúp tăng năng suất, kỹ thuật canh tác.

Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật. Ngoài việc giải đáp về kỹ thuật sản xuất, chương trình còn giúp người dân hiểu rõ chính sách của nhà nước, Thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn…

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh, thời gian qua, huyện đã thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, Thành phố và huyện. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từng bước được nâng cao; hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt; gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh quy mô vừa và lớn, ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện cũng đã duy trì và phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định quy mô từ 20ha trở lên như: Sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Liên Mạc, Tam Đồng, Tự Lập, Thanh Lâm; cây ăn quả (chuối) tại xã Hoàng Kim, Chu Phan; hoa hồng chất lượng cao tại xã Văn Khê, Mê Linh; rau các loại tại xã Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê.

Vùng trồng hoa ly của huyện Mê Linh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Về sản xuất lúa, tuy diện tích lúa có xu hướng giảm dần nhưng cơ cấu giống tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Lúa thuần năng suất cao (Thiên Ưu 8, TBR225…) và các giống lúa chất lượng (Đài thơm 8, J02, HDT10…) chiếm khoảng 70%. Lúa thuần truyền thống (Khang dân, Q5) chiếm khoảng 15%. Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất được người sản xuất quan tâm.

Một số vùng sản xuất nông dân đã dần chuyển dịch từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp (đậu tương, ngô tẻ…) sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Ngô thu bắp non, cây rau, hoa hồng thế, hoa trồng chậu, hoa thảm, hoa ly…; sử dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất như: Giống mới, hệ thống nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc thực hiện sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từng bước được nâng cao, bà con nông dân đã giảm sử dụng phân bón, hoá chất trong trồng trọt, chăn nuôi. các trang trại, gia trại chăn nuôi xa khu dân cư có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas, sử dụng các chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường chăn nuôi. Các vùng sản xuất rau, quả đã chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ (các loại phân bón, chế phẩm hữu cơ), các loại thuốc sinh học, nguồn gốc sinh học, ứng dụng vi sinh vào sản xuất.

Về chăn nuôi, tại một số xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Tam Đồng bước đầu đã hình thành trên 20 trại chăn nuôi xa khu dân cư quy mô từ 800 - 1000 con lợn, trên 5.000 con gia cầm.

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học đã trao đổi, chia sẻ với bà con nông dân, các chủ trang trại… để làm sáng tỏ thêm vấn đề người sản xuất còn gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nhà nông trao đổi với nhà khoa học về kiến thức sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; kiến nghị cơ quan quản lý giải đáp vướng mắc; chủ trương, chính sách hỗ trợ nông nghiệp.

Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi - thú y, thủy sản, trồng trọt - bảo vệ thực vật.

Ban cố vấn không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của Nhà nước, thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phổ biến kỹ một số nội dung chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của HĐND thành phố Hà Nội như: Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội HĐND TP. Hà Nội khoá XVI, kỳ họp thứ 12; Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP. Hà Nội.