Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống
Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo được Thủ tướng Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ASEAN và trên thế giới.
Để tận dụng ưu thế mà xu hướng công nghệ cốt lõi này mang lại, thời gian qua, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nhiều giải pháp trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả.
Thiết bị quan trắc môi trường nhỏ gọn với tên gọi là Fi-Mi, được lắp đặt trên tuyến xe buýt tại Hà Nội, giúp thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí ở các nơi mà xe đi qua. Trung tâm điều khiển sẽ tổng hợp, phân tích dữ liệu truyền về, sau đó đưa ra cảnh báo về chất lượng không khí. Do ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo nên mức độ chính xác sẽ được cải thiện dần theo thời gian khi dữ liệu thu thập được ngày càng nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ: "Chúng tôi sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán chất lượng không khí ở những vùng mà không có xe buýt đi qua và cả dự báo chất lượng không khí trong tương lai nữa. Trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng để tối ưu hóa hoạt động của thiết bị như tự động điều chỉnh tần suất lấy mẫu của các thiết bị sao cho nó tiết kiệm năng lượng nhất mà vẫn đảm bảo được độ chính xác cao nhất".
Trong khi đó, một nhóm đang nghiên cứu và phát triển một giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập và phân tích thông tin trên mạng Internet. Sau khi liệt kê danh sách các bài báo, bài viết, bình luận trên mạng xã hội có liên quan tới từ khóa cần tra cứu, hệ thống sẽ đánh giá thông tin đó mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực. Thống kê số lượng theo thời gian, nguồn bài viết hay từng tên miền.
Thạc sĩ Đào Quang Toàn - Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã trang bị những phần mềm như này cho các đơn vị như UBND và Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương. Họ sẽ giám sát các chính sách khi mà đưa ra sẽ được phản hồi từ phía người dân, các cơ quan báo chí thông qua các bài viết ủng hộ chính sách đó hay phản đối chính sách đó, từ đó điều chỉnh chính sách ngày càng tốt hơn".
Trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong nhận diện mệt mỏi của tài xế, tránh tai nạn xảy ra, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân, chuyển văn bản thành giọng nói, trợ giúp cho những người khiếm thị hoặc chẩn đoán bệnh ung thư... Dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ ứng dụng nào của trí tuệ nhân tạo.
PGS. TS. Nguyễn Long Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến về Trí tuệ nhân tạo, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam - cho rằng: "Để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì việc đầu tiên chúng ta phải làm đó là đầu tư vào hạ tầng chia sẻ dữ liệu và hạ tầng mạng lưới tính toán. Nó là nền tảng cho các nhóm nghiên cứu cùng xây dựng những mô hình chia sẻ các công cụ về trí tuệ nhân tạo từ đó phát triển các giải pháp giải quyết các bài toán cụ thể".
Theo dự báo, sự phát triển trí tuệ nhân tạo trong tương lai sẽ tập trung vào các xu hướng xe tự lái, trợ lý ảo và gia tăng trải nghiệm trên các thiết bị di động thông minh.
Thiên Thanh (T/h)