Ví điện tử bước vào cuộc đua đường dài

Hữu Ích 00:16, 07/01/2020

Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, tỷ lệ tiếp cận internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao trong khu vực đô thị, thu nhập bình quân đầu người tăng ổn định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển ví điện tử.

“Quá tải” ví 

Vào tuần lễ cuối tháng 8 vừa qua, Grab công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và hậu cần (logistics). Khoản đầu tư này tiếp nối sự tăng trưởng mạnh mẽ của Grab trong nửa đầu năm 2019 trên cả ba lĩnh vực kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử. Trước đó, giữa tháng 7, Go-Viet - ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam đã đưa ra thông báo tuyển dụng nhân sự quản lý và phát triển kinh doanh cho Go-Pay Việt Nam. Còn vào đầu năm nay, VINID (một công ty con trực thuộc Vingroup) cũng đã mua cổ phần People Care, nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử MonPay, để thuận tiện cho khách giao dịch khi sử dụng VINID.

Chưa rõ Go-Pay có hình thành bằng cách mua cổ phần của ví điện tử nào trên thị trường như Grab mua ví điện tử Moca hay VINID mua ví điện tử MonPay, tuy nhiên điều này cho thấy ví điện tử đang là thị trường “béo bở”, nhiều tiềm năng để phát triển. Tính đến đầu năm 2019, thị trường đã có khoảng 23 ví điện tử như: Momo, Payoo, Moca, Airpay, Samsung Pay, ZaloPay,ViettelPay... Đầu năm 2019, một trong những ứng dụng ví điện tử phổ biến của Việt Nam là MoMo công bố trong năm 2018 họ đã tiếp cận được tới gần 10 triệu người dùng cùng với khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Đây là con số gây bất ngờ lớn khi mới cuối tháng 12/2017, MoMo còn công bố số lượng người dùng của mình là hơn 5 triệu khách hàng.

Không thể phủ nhận tính tiện lợi của ví điện tử, nhưng bên cạnh sự thuận tiện, người sử dụng đã bắt đầu “ngạt thở” khi phải “mang” quá nhiều ví trên máy điện thoại. Chị Lê Thu Thanh (sống tại Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) là một người sành sỏi dùng ví điện tử cho biết, mỗi ví điện tử có những phương thức khuyến mại riêng, sử dụng thanh toán các dịch vụ khác nhau nên muốn tận dụng tối đa thì phải cài nhiều app. “Trong điện thoại của bà hiện cài 3 app ví điện tử gồm Moca để sử dụng dịch vụ xe công nghệ Grab, đặt thức ăn; ví MoMo để xem phim và trả tiền điện, bảo hiểm, mua đồ... Tôi mới tải thêm ZaloPay để trả tiền điện vì tiền điện hay báo qua Zalo nên thuận lợi hơn”, chị Thanh lấy ví dụ. Từ thực tiễn sử dụng ví điện tử, chị Thanh trăn trở: “Nếu một ví có thể sử dụng cho tất cả các dịch vụ thì tiện biết mấy”.


Cần hướng tới kinh tế chia sẻ

Việc tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để thanh toán được gần như mọi thứ trong đời sống thông qua một chiếc điện thoại di động là điều mà các ví điện tử tại Việt Nam chưa làm được. Nhìn sang Trung Quốc với 2 ví điện tử là Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent chúng ta có thể thấy rõ được điều này. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Alipay và WeChat là 2 ví điện tử phổ biến nhất với lượng người dùng khổng lồ. Trong khi Alipay nắm giữ 500 triệu tài khoản sử dụng và giữ 54% thị phần ví điện tử trong nước thì con số này của Wechat Pay là 900 triệu và 40% thị phần (thị phần tính theo doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử). Cần phải biết rằng, chỉ cần cài đặt 2 ứng dụng này là người dùng tại Trung Quốc có thể thanh toán mọi thứ, từ các loại hóa đơn, ăn uống, viện phí, mua sắm, du lịch... bằng chiếc điện thoại di động.

Việc thanh toán qua ví điện tử tại Trung Quốc phổ biến đến mức, tại các chợ hay các các cửa hàng nhỏ người bán cũng để mã QR code lên bàn, treo trên tường hoặc đeo trước ngực. Người mua chỉ cần mở điện thoại, thao tác vài bước đơn giản, quét QR code là có thể sở hữu món đồ mình cần. Thậm chí, khi sang nước ngoài thì người dân Trung Quốc cũng có thể dùng 2 loại ứng dụng này để thanh toán các dịch vụ mua sắm tại một số quốc gia. Cùng với đó, Alipay và Wechat lại thuộc các ông lớn sở hữu 2 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Al- ibaba và Taobao. Điều này có nghĩa người dùng các ví điện tử này có thể mua sắm và thanh toán cực dễ dàng với bất kỳ nhu cầu nào của mình.

Nếu nhìn lại tại Việt Nam, thì chúng ta có tới hơn 20 loại ví điện tử nhưng chưa có một đơn vị nào đủ sức chiếm giữ một phần lớn thị phần và đưa ra một hệ sinh thái đa dạng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho người dùng. Những loại ví điện tử tên tuổi như Momo, Zalo Pay, Airpay... tuy phát triển rất mạnh để phục vụ một lượng lớn người dùng nhưng các dịch vụ vẫn chủ yếu là thanh toán hóa đơn, chuyển tiền... Việc mỗi loại ứng dụng ví điện tử Việt Nam hiện nay chưa có một hệ sinh thái đủ lớn để phục vụ người dùng cũng đến từ việc lượng người sử dụng tài khoản ngân hàng ở Việt Nam còn chưa cao. Hiện các đơn vị bán lẻ hay các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam khi phát triển thường chỉ liên kết với một hoặc một vài ví điện tử nào đó.

Điều này có nghĩa muốn sử dụng được nhiều tiện ích và thanh toán được nhiều thứ qua ví điện tử thì người dùng phải cài rất nhiều ứng dụng. Thậm chí có nhiều đơn vị còn không muốn liên kết với các ví điện tử bởi họ cho rằng chúng không tiện lợi và cũng không chặt chẽ như thẻ ngân hàng.

Việc “mạnh ai nấy chạy” của thị trường ví điện tử hiện nay không khác nhiều so với thị trường ATM cách đây gần 20 năm. Thẻ ATM của ngân hàng nào sử dụng máy ATM, POS của ngân hàng đó, dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí và trong nhiều trường hợp, gây bất tiện cho khách hàng khi sử dụng. Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), thừa nhận sẽ dẫn đến tình trạng tốn kém đầu tư của công ty mà nhiều khi người dùng ít cũng không hiệu quả, chưa kể người dùng không quản lý được tiền bạc nếu mỗi lần mở ví phải bỏ tiền vào để chi tiêu. Ở nước ngoài, một ví điện tử phổ thông có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nối kết với nhiều nhà cung cấp, nhiều người bán hàng. Vấn đề ở đây các đơn vị cung cấp ví cần kết nối với nhiều dịch vụ, hàng hóa chứ không theo kiểu độc quyền dịch vụ nào để buộc khách hàng phải mở ví thanh toán.

Minh Hà