Vì sao chưa mở rộng cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến ra toàn quốc?
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ (VPCP) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa thực hiện triển khai trên toàn quốc DVCTT mức độ 4 đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe.
Trước đó, việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4 được Bộ GTVT triển khai thí điểm cùng với Bộ Y tế và Bộ Công an tại TP. Hà Nội và Hà Nam từ ngày 1/7/2020. Việc cấp đổi bằng lái xe trực tuyến nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 phê duyệt Danh mục dịch vụ công (DVC) tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia năm 2020, trong đó có hạng mục “Đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp (cấp độ 4)” thuộc nhóm DVC thiết yếu, có số lượng đối tượng thực hiện cao. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ đổi bằng lái xe trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trong quý II/2020. Dự án thí điểm đã được thực hiện tại Hà Nội và Hà Nam từ ngày 1/7/2020.
Sở GTVT Hà Nội đã nâng cấp, điều chỉnh cơ sở hạ tầng, đường truyền và phần mềm phù hợp để tiến hành thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4.
Đối giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Ảnh chụp màn hình)
Theo trình tự thực hiện, người dân sẽ nộp hồ sơ đề nghị đổi Giấy phép lái xe đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT qua Cổng DVC quốc gia. Hồ sơ bao gồm Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe theo mẫu quy định; giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định; bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân (CCCD) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng.
Quá trình nộp và giải quyết trực tuyến là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, với mức lệ phí 135.000 đồng/lần. Người dân nộp hồ sơ qua hệ thống DVCTT phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định.
Việc triển khai thí điểm cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng DVCQG tại Hà Nội, Hà Nam từ ngày 1/7/2020 sẽ làm cơ sở tổng kết, đánh giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ triển khai toàn quốc trong năm 2021.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, số lượng người dân tham gia đăng ký, hoàn thiện hồ sơ và đổi giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia còn thấp. Tính đến hết tháng 4/2021, số hồ sơ cấp, đổi thành công trên Cổng DVC quốc gia chỉ có 10 hồ sơ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người dân chưa ứng dụng cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến, trong đó có việc hoàn trả tiền còn khó khăn. Cụ thể là khi sử dụng DVCTT, công dân phải thanh toán trực tiếp lệ phí đổi giấy phép lái xe vào kho bạc, qua chức năng thanh toán của hệ thống DVCTT. Trong trường hợp đăng ký không thành công do hồ sơ chưa hợp lệ, việc hoàn trả lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian.
Người dân vẫn chưa mặn mà với việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4.
Ngoài ra, việc đăng ký cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến cũng yêu cầu người dân phải có số CMND hoặc CCCD cùng với số điện thoại chính chủ. Để đăng ký cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, người dân cũng phải thực hiện khá nhiều thao tác, như truy cập vào cổng DVC, sau đó đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động. Người dân sẽ phải tra cứu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tra cứu dữ liệu sức khỏe….
Bên cạnh đó, khâu kết nối dữ liệu trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến chưa được hiệu quả. Để thực hiện DVCTT cấp độ 4 đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe, Bộ GTVT phải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khỏe, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn thí điểm chỉ có 3 bệnh viện tại Hà Nội và 8 bệnh viện, trung tâm y tế tại Hà Nam kết nối để kiểm tra khám sức khỏe và tích hợp mã khám sức khỏe điện tử trên cổng DVC Quốc gia.
Chính vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị chưa áp dụng trên toàn quốc việc cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến cấp độ 4, mà sẽ tiếp tục triển khai thí điểm DVC trên cổng DVC trong năm 2021. Để khắc phục tình trạng hồ sơ cấp, đổi thấp, các đơn vị thực hiện sẽ mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khỏe tốt hơn nữa tại Hà Nội và Hà Nam. Bộ Y tế cũng sẽ mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khỏe tại Hà Nội và Hà Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đổi giấy phép lái xe.
Minh Thùy (T/h)