Vì sao chưa phân cấp xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cho địa phương
Bộ KH&CN cho rằng việc phân cấp cho địa phương trong thủ tục xử lý đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Triển lãm trưng bày các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hội nghị Quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2024 - Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Bắc Kạn đã gửi kiến nghị Bộ KH&CN xem xét quy định phân cấp cho địa phương về công tác đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp văn bằng, giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá của cử tri tỉnh Bắc Kạn, hiện nay việc nộp hồ sơ, thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ thời gian còn kéo dài so với quy định.
Trả lời về vấn đề này, Bộ KH&CN cho biết, quyền sở hữu công nghiệp là quyền độc quyền và có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, để bảo đảm sự thống nhất, không bị chồng lấn quyền, đòi hỏi quá trình xem xét, thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp phải do một cơ quan thực hiện tập trung theo một quy trình chung.
Quá trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng là một quá trình đặc thù. Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm các bước: Tiếp nhận đơn - Thẩm định hình thức - Công bố đơn - Thẩm định nội dung - Cấp văn bằng bảo hộ; đăng bạ và công bố.
Luật cũng quy định việc thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện.
Theo đó, để cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) phải đánh giá các đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ do pháp luật quy định trên cơ sở so sánh, đối chiếu với nguồn thông tin công khai và/hoặc với các đối tượng sở hữu công nghiệp trong các đơn đăng ký đã nộp/văn bằng bảo hộ đã cấp trước đó. Cơ sở dữ liệu về các đối tượng sở hữu công nghiệp là thống nhất và duy nhất.
Do vậy, nếu phân chia công việc xử lý một đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thành nhiều công đoạn cho cả cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương sẽ khiến quy trình thẩm định bị gián đoạn, không thống nhất, ảnh hưởng đến kết quả thầm định và đặc biệt là tác động trực tiếp đến thời hạn xử lý đơn.
Cũng theo Bộ KH&CN, thực tiễn thế giới, ngay cả những nước phát triển, kể cả các thể chế liên bang đều chỉ có duy nhất một cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia và cũng chưa từng áp dụng việc phân cấp xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến các địa phương do tính đặc thù trong quản lý của lĩnh vực này.
Do yêu cầu tra cứu thông tin để đánh giá khả năng bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp phần lớn phải dựa vào cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc và được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống phần mềm quản trị đơn.
Nếu việc xử lý đơn nhãn hiệu được được phân cấp cho các địa phương thì đòi hỏi có sự đồng bộ toàn diện cơ sở dữ liệu quản trị đơn đối với tất cả các địa phương được phân cấp. Trong khi đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng địa phương cũng như vận hành, kết nối dữ liệu giữa các địa phương đòi hỏi phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin rất tốn kém.
Trong khi hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý hiện nay được xây dựng và vận hành, quản trị với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trong nhiều năm. Hệ thống này chứa dữ liệu liên quan đến tất cả các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đã được nộp và công bố vào Cục và các văn bằng bảo hộ đã được cấp.
Bên cạnh đó, thẩm định nội dung là khâu quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Để có thể thẩm định và đánh giá khả năng bảo hộ một đối tượng sở hữu công nghiệp, ví dụ nhãn hiệu, thẩm định viên cần được đào tạo chuyên sâu để nắm vững quy định pháp luật về nhãn hiệu (Luật, Nghị định, Thông tư và Quy chế thẩm định đơn nhãn hiệu) và có kỹ năng xác lập quyền tương ứng. Thông thường, cần ít nhất 2 năm để một thẩm định viên nhãn hiệu có được các kiến thức và kỹ năng chuyên sâu đó.
Như vậy, nếu phân cấp cho địa phương xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu thì cũng đòi hỏi đầu tư về thời gian, kinh phí, nhân lực để đào tạo thẩm định viên địa phương.
Do đó, việc phân cấp này cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng về tính hiệu quả so với việc đầu tư nguồn lực (nhân lực, cơ sở hạ tầng...) để nâng cao năng lực thẩm định đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy công tác xử lý đơn sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó có các dự án về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin; xây dựng và hoàn thiện các quy chế thẩm định đơn đăng ký xác lập quyền; tăng cường đào tạo chuyên môn cho thẩm định viên...
Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức mới, theo đó dự kiến sẽ thành lập bộ phận thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu ở TPHCM để tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.