Vì sao máy Android chậm nâng cấp phần mềm, thậm chí không thể
Mỗi năm, Google tung ra một số phiên bản mới của Android với nhiều tính năng mới và cải thiện về hiệu suất. Tuy nhiên, hầu hết thiết bị Android trên thị trường không bao giờ cập nhật được phiên bản mới.
Những người dùng Android thường thất vọng nhận ra smartphone của họ không hề cập nhật được – tệ hơn, nó còn chạy phần mềm cũ từ khi họ mua máy. Trang How to Geek đã có bài viết phân tích sâu về việc vì sao các smartphone Android không thể nâng cấp phần mềm hoặc được nâng cấp rất chậm, và so sánh với cơ chế nâng cấp phần mềm của iPhone và Windows Phone cũng như cách chọn mua các mẫu smartphone Android nào để được nâng cấp ngay lên phiên bản Android mới nhất.
Hiểu về hệ sinh thái Android
Không như hệ sinh thái của Apple, chỉ tung ra một mẫu iPhone cho mỗi thế hệ điều hành. Android lại là môi trường mở hơn và lộn xộn hơn. Bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sản xuất smartphone, hay tablet, và đưa Android vào đó, rồi công bố ra thị trường. Trong khi Apple chỉ có 6 thế hệ iPhone ra đời từ năm 2007, Android đã có trên 800 mẫu điện thoại khác nhau được ra mắt trong khoảng thời gian này.
Vì sao bạn không thể nâng cấp điện thoại Android
Để Android chạy trên phần cứng riêng, các nhà sản xuất thiết bị phải viết mã sao cho Android chạy trên phần cứng của riêng họ. Google không chỉ tung ra phiên bản Android mới chạy trên tất cả các thiết bị - mà các nhà sản xuất phải cập nhật thiết bị của họ để chạy trên phiên bản Android mới hơn.
Các nhà sản xuất smartphone Android còn bị vướng bởi các nhà mạng, những hãng có thể hoãn cập nhật phần mềm mới trên mạng lưới của họ. Trong khi Apple có “cơ” để vượt qua nhà mạng và tung ra các phiên bản hệ điều hành mới, nhưng Android thì không thể.
Một số phiên bản Android mới còn yêu cầu phần cứng phải nâng cấp. Điều này khiến các phiên bản Android mới không chạy được trên các thiết bị cũ – thực ra nó cũng giống với các máy iPhone và Windows Phone, khi hệ điều hành mới đôi khi không hỗ trợ cho các thiết bị cũ hơn.
Với một phiên bản Android mới ra, các OEM phải chỉnh sửa phần mềm tuỳ biến của họ để tương thích với phiên bản mới nhất. Trong một số trường hợp, phần mềm tuỳ biến không tương thích. Chẳng hạn, Samsung không bao giờ cập nhật mẫu Galaxy S đầu tiên lên Android 4.0 – Samsung nói chiếc điện thoại này không có đủ RAM để chạy TouchWiz và Android 4.0 cùng lúc. Trong khi nhiều người mong muốn Samsung bỏ TouchWiz trên Galaxy S, Samsugn lại từ chối. Vì thế, người dùng Galaxy S vẫn dùng Android 2.3 hoặc phiên bản ROM cho cộng đồng phát triển là CyanogenMod.
Các OEM Android và nhà mạng thường không muốn nâng cấp thiết bị sau khi chúng đã được bán ra. Với số lượng lớn các smartphone Android được tung ra, không có động lực nào để họ mất thời gian nâng cấp mẫu cũ hơn khi chúng đã được thay thế bằng mẫu máy mới hơn. Ngoài ra, OEM và nhà mạng cũng muốn khách hàng mua thiết bị mới hơn.
Cơ chế nâng cấp iPhone và Windows Phone
Trong khi chúng ta khó chịu với việc nâng cấp của Android, cũng cần xem cách Apple và Microsoft xử lý vấn đề này như thế nào.
Các fan của Apple thường khẳng định Apple nâng cấp các mẫu iPhone cũ lên phiên bản mới nhất của iOS. Điều này là đúng, nhưng không phải “ngon lành” như chúng ta tưởng tượng. Các phiên bản iOS mới đến với các mẫu iPhone và iPad cũ hơn, nhiều tính năng bị bỏ rơi. Chẳng hạn, iPhone 3GS chạy được iOS6, nhưng nó thiếu tính năng định hướng, Siri, nhắc nhở theo địa lý, FaceTime, AirPlay, điểm truy cập Wi-Fi cá nhân và nhiều tính năng quan trọng khác. Người dùng iPhone cũng phàn nàn các phiên bản iOS mới nặng hơn và khiến mẫu iPhone cũ chạy chậm. Apple cũng thực sự không hỗ trợ cho các mẫu iPhone cũ. Nghĩa là, dù Apple có vẻ làm tốt hơn chuyện nâng cấp iPhone, song các mẫu iPhone cũ hơn vẫn không chạy được phần mềm mới nhất – như các mẫu điện thoại Android cũ hơn.
Tình huống với Windows Phone còn tệ hơn. Với việc Windows Mobile 6 lên Windows Phone 7, không một thiết bị nào được nâng cấp. Microsoft đã phải ra một trang web “Where’s My Phone Update?”, nhằm cho phép người dùng theo dõi khi nào phiên bản Windows Phone mới nhất ra và để nhà mạng không trì hoãn việc nâng cấp, hiện nay trang này cũng đã bị đóng cửa.
Nâng cấp qua cộng đồng phát triển Android
Android là nguồn mở, vì thế người dùng Android có thể lấy mã nguồn của nó và đưa vào hệ điều hành riêng của họ - tức là ROM tuỳ chỉnh– cho smartphone của họ. Nếu bạn có một thiết bị Android phổ biến, có thể những người dùng Android khác đang phát triển và tạo ROM tuỳ chỉnh cho nó. Bản ROM tuỳ chỉnh không được hỗ trợ chính thức và cần nhiều thủ thuật để cài đặt hơn nên người dùng Android thông thường khó có thể dùng bản ROM tuỳ chỉnh, song nhiều người dùng Android am hiểu công nghệ sẽ thích ROM tuỳ chỉnh.
ROM tuỳ chỉnh cho phép người dùng Android mua phần cứng mà họ thích – như mua Galaxy S3 hay HTC One X – và cài đặt hệ điều hành Android tuỳ chỉnh trên đó, gỡ bỏ các tuỳ chỉnh phần mềm của nhà sản xuất và cập nhật hệ điều hành lên phiên bản mới nhất. Các mẫu Android phổ biến thường làm được việc này.
Những thiết bị Android sẽ được nâng cấp chính thức
Nếu bạn không muốn “động chạm” gì vào smartphone của mình và muốn nó nâng cấp tự động, hãy xem xét mua đúng mẫu smartphone làm được điều này.
Ngoài ra, các mẫu điện thoại cao cấp, “chủ lực” của các nhà sản xuất cũng thường nhận được cập nhật, dù muộn hơn. Nếu bạn mua HTC One X hay Samsung Galaxy S3, bạn có thể đảm bảo sẽ nhận được một số cập nhật – dù thường chậm hơn mấy tháng sau khi các thiết bị Nexus đã cập nhật, và thậm chí có khi còn sau cả khi cộng động Android đã ra bản ROM tuỳ chỉnh cho thiết bị của bạn.
Những mẫu smartphone Android cấp thấp sẽ không bao giờ được cập nhật. Phần cứng của các mẫu thiết bị cấp thấp này đã lỗi thời và nhà sản xuất sẽ không tiếp tục hỗ trợ chúng. Nỗ lực mới nhất của Google nhằm đẩy nhanh tiến độ nâng cấp của Android là chọn ra một số nhà sản xuất máy Android để được tiếp cận đến các phiên bản Android mới hơn trước khi họ tung nó ra thị trường. Các OEM Android sẽ có cơ hội tiến hành nâng cấp trước thời hạn, song điều này có giúp gì cho tiến độ nâng cấp Android hay không vẫn còn phải xem xét.
Trần Thị Huyền