Viễn cảnh tồi tệ mà giáo sư Stephen Hawking tiên đoán đã xảy ra?

11:52, 19/09/2015

Hồi tháng 2/2015, một phụ nữ Hàn Quốc đang nằm ngủ trên sàn nhà thì bị robot hút bụi ‘ăn tóc’, khiến bà phải gọi cứu thương.

robots

Đó có lẽ không phải là viễn cảnh tồi tệ mà giáo sư Stephen Hawking đã nhắc đến - khi mà trí thông minh nhân tạo ‘đánh dấu sự chấm dứt của nhân loại’ - tuy nhiên trường hợp này cũng cho chúng ta thấy những mối nguy hiểm khó lường khi sử dụng robot trong nhà.

Có nhiều ví dụ tiêu cực về trí thông minh nhân tạo, tuy nhiên thường thì đó là các trường hợp liên quan đến các vụ lừa gạt thay vì đe doạ đến cơ thể con người.

Các chương trình độc hại do tội phạm thiết kế đang lan tràn trên các trang mạng xã hội cũng như những nơi khác trên Internet.

Ứng dụng hẹn hò trên điện thoại Tinder là một ví dụ. Ứng dụng này thường xuyên được hệ thống máy tính tự động đưa xâm nhập vào điện thoại của người dùng, ngụy trang là người thật để gạt nạn nhân mở webcam hoặc tiết lộ thông tin thẻ tín dụng.

Vậy, làm sao để chúng ta bảo vệ mình trước những trò lừa gạt này?

Một khi đã đưa người máy vào nhà, bạn cần biết nên đặt sự kỳ vọng của mình ở đâu.

Phim ảnh và công nghệ tiếp thị có thể làm chúng ta nghĩ mình có thể tương tác một cách sâu sắc với robot, nhưng chúng ta vẫn còn phải đợi rất lâu robot mới có khả năng giao tiếp xã hội như hình ảnh mà người ta dựng lên cho chúng.

Xét lỗ hổng giữa sự kỳ vọng và thực tế, chúng ta cần tránh bị lừa phỉnh giống truyện ‘Phù thuỷ xứ OZ’, khi những người sử dụng tin là robot đang hoạt động tự động, trong khi thực ra chúng đang bị người khác điều khiển từ xa.

Việc đánh giá sai nguồn gốc của hành động có thể gây tác hại nghiêm trọng nếu người sử dụng cảm thấy thoải mái với một thiết bị vô tri vô giác, đến nỗi họ tiết lộ những thông tin bí mật với chúng, những thông tin mà họ sẽ thường không nói ra với người khác.

Ví dụ như dịch vụ ‘Bạn trai vô hình’. Chỉ cần đăng kí một khoản phí, hàng tháng, những tin nhắn và các mẩu thư thoại lãng mạn sẽ được gửi đến điện thoại của bạn từ một người tình nguỵ tạo.

Công ty cung cấp dịch vụ ban đầu muốn mọi tin nhắn trên được thực hiện một cách tự động hoàn toàn, nhưng công nghệ ngày nay lại không đủ tinh vi đến vậy, cho nên trên thực tế, chúng được gửi đi bởi các nhân viên công ty.

Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng hiểu cách hệ thống này vận hành, và nhờ những sự cường điệu về trí thông minh nhân tạo cũng như những trường hợp robot tự động khiến người khác nghĩ rằng chúng là người thật, và một số người ngỡ rằng rằng họ đang đối thoại với máy tính.

Thông điệp ở đây khá rõ ràng: Trong lúc robot ngày càng kết nối chặt chẽ hơn với internet và có thể đáp lại con người, bạn cần phải rất cảnh giác rằng mình đang nói chuyện với ai.

Chúng ta cũng cần suy nghĩ thấu đáo về việc thông tin được lưu trữ và chia sẻ ra sao. Một số thiết bị ghi hình được thiết kế với mục đích giải trí, nhưng dễ bị sửa đổi để sử dụng cho mục đích xấu.

Ví dụ như Nixie là loại camera đeo trên tay và có thể phóng ra từ cổ tay bạn để chụp hình những cảnh xung quanh bạn. Không khó để tưởng tượng ra loại camera này có thể bị lạm dụng vào những mục đích nào.

Hầu hết chúng ta đều giữ kín các bí mật của mình trước sự hiện diện của thiết bị ghi hình.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta quá quen với sự hiện diện của các robot trong nhà, có khả năng phản hồi trước mọi tâm sự hay yêu cầu từ chúng ta? Chúng ta sẽ dễ mất cảnh giác và đối đãi với chúng như những thành viên trong gia đình.

Nếu công nghệ ở thời chúng ta có thể ghi lại và xử lý các cuộc hội thoại, hình ảnh cũng như sự di chuyển chứ chưa nói đến nghe lén những bí mật của chúng ta - điều gì sẽ xảy ra với những thông tin đó? Chúng sẽ được lưu trữ ở đâu và ai sẽ có thể truy cập?

Nếu hồ sơ cho thấy thói quen sử dụng internet của chúng ta được thu thập thì những thông tin này sẽ đáng giá ngàn vàng với các công ty quảng cáo.

Nếu chúng ta quen tin tưởng vào robot và sự hiện diện của chúng trong đời sống hàng ngày, thì những ngôn từ và việc làm của chúng ta có thể dễ dàng bị phơi trần.
Vậy cách tốt nhất để chào đón robot đến nhà, tại chốn công cộng và đời sống xã hội của chúng ta là gì?

Chúng ta nên lạc quan một cách thận trọng rằng những cỗ máy thông minh này một ngày nào đó sẽ trở thành những người bạn đồng hành thông minh, nhưng vẫn phải ý thức được rằng chúng ta cần xác định những giới hạn nghiêm khắc đối với những robot có khả năng lừa phỉnh và lợi dụng mình.

Chúng ta có lẽ nên nghĩ ra cách để mở rộng thẩm quyền của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, hoặc xây dựng các chính sách về robot.

Sự trỗi dậy của robot có thể yêu cầu một cơ quan chịu trách nhiệm đưa robot hội nhập xã hội. Cơ quan này sẽ là nơi mà bạn cần liên lạc nếu robot của bạn phạm tội, đánh cắp thẻ tín dụng của bạn, hay… định ăn tóc của bạn.