Viễn thông thiếu triết lý mở cửa thị trường
Chiều ngày 13/6/2009, tiếp tục kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Viễn thông. Đây là một dự án luật được đánh giá là chuyên ngành, khó nhưng lại có tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội bởi các dịch vụ viễn thông ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu.
Điều nổi bật tại các cuộc thảo luận tổ là những ghi nhận của đại biểu Quốc hội về đóng góp của ngành viễn thông vào sự phát triển của đất nước. Có đại biểu đã nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong buổi trả lời chất vấn sáng nay, nói Bưu chính viễn thông, cụ thể là VNPT và Viettel đã đóng góp rất lớn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM
Tuy nhiên, bên cạnh đó các đại biểu cũng chỉ ra những điểm còn bất cập trong quản lý nhà nước đối với một ngành có tốc độ phát triển chóng mặt này. Và đó cũng là lý do về sự cần thiết Quốc hội phải ban hành Luật Viễn thông.
Một trong những điểm quan trọng của dự thảo luật Viễn thông là thị trường viễn thông sẽ được “mở” hoàn toàn, cho phép tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng mạng lưới viễn thông.
Song theo ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.HCM, phải xem viễn thông là một lĩnh vực đặc thù, cách quản lý, mở cửa thị trường viễn thông như thế nào đều có điều kiện. Đây cũng là một thực tế diễn ra ở nhiều nước phát triển.
Ông Lịch cho hay ông có nghiên cứu về lĩnh vực viễn thông và nhận thấy ở tất cả các nước, lĩnh vực viễn thông là lĩnh vực đi từ nhà nước độc quyền sang cạnh tranh một phần và khác các lĩnh vực khác là viễn thông không cạnh tranh hoàn toàn. Ngay Singapore cũng mới bắt đầu tự do hóa viễn thông từ năm 2000 bởi đây là vấn đề liên quan đến thương quyền của nhà nước chứ không phải là vấn đề kinh doanh bình thường.
Ông nói đây là một nguyên lý và chiếu vào Việt Nam thì mặc dù lĩnh vực viễn thông có cạnh tranh, giá cước giảm mạnh nhưng thực chất vẫn không có triết lý mở cửa thị trường.
“Chúng ta mở ra rất nhiều nhưng không có một nguyên lý về phương diện tổ chức thị trường. Và đi tới chỗ ai thấy cái gì lợi là làm, cái gì không có lợi là kệ. Đây là một đặc điểm của thị trường viễn thông Việt Nam”, ông Trần Du Lịch nói. “VNPT làm được, mở cho quân đội làm, mở công an làm, địa phương này, địa phương kia… nó không có một cái nguyên lý nào cả. Tôi nghĩ, luật lần này phải thiết lập một trật tự trên một triết lý kinh doanh rõ ràng”.
Theo ông Lịch, ngành viễn thông là ngành đầu tiên ở Việt Nam đi tắt đón đầu từ năm 1990, khi cả thế giới sử dụng công nghệ analog thì ngành viễn thông bắt đầu đầu tư kỹ thuật số và cực kỳ thành công. Nếu không như vậy thì ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam không thể phát triển như ngày nay được.
Hiện Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin cho nên muốn vậy, theo ông Lịch, Nhà nước phải quy định sử dụng kỹ thuật hiện đại trong đầu tư cho lĩnh vực này “chứ không phải có mấy đồng bạc cũng đi làm viễn thông được”, ông Lịch nói.
Ông Lịch khẳng định, việc ban hành Luật Viễn thông là cần thiết nhưng nếu Luật không xác định rõ nguyên lý tổ chức thị trường thì những vấn đề như dùng chung cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên viễn thông hiệu quả… không thể giải quyết được như mong muốn.
Theo ICT news