Viễn thông Việt Nam bao nhiêu mạng là đủ?

01:00, 15/10/2012

Trong bối cảnh, Beeline rời bỏ thị trường Việt Nam và bán lại cổ phần, thương hiệu SFone đang mò mẫm tìm lối đi  mới, các đại gia MobiFone và VinaPhone bận bịu  tái cấu trúc. Trong khi  đó, Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Quy hoạch Viễn thông đến năm 2020, hướng tới mục tiêu đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Vậy, để đảm bảo các mục tiêu trên, thị trường viễn thông cần bao nhiêu doanh nghiệp tham gia để cạnh tranh lành mạnh mà vẫn cung cấp được chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng?

 

Xu hướng chung của thế giới


Ở mỗi một quốc gia phát triển như Châu Âu có khoảng từ 3 – 5 doanh nghiệp tham gia phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ. Ở Châu Á như Nhật Bản có 3 – 4 doanh nghiệp, Hàn Quốc có 4 doanh nghiệp và Trung Quốc có 3 doanh nghiệp. Tại Hoa Kỳ, với thị trường cạnh tranh đặc thù nên có số lượng doanh nghiệp viễn thông khá đông. Bên cạnh đó, những quốc gia có hệ thống viễn thông chưa phát triển mạnh như Bangladesh có từ 7- 8 doanh nghiệp.


Tại Việt Nam, trong lĩnh vực cố định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 10 Doanh nghiệp gồm truyền dẫn phát sóng và phát thanh truyền hình. Lĩnh vực di động, trước đây Việt Nam có 7 doanh nghiệp nhưng hiện tại con số này đang thu nhỏ dần. Sở dĩ có sự việc trên là do, giai đoạn đầu phát triển, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường đông. Tuy nhiên, sau một vài năm, các doanh nghiệp sáp nhập lại với nhau  hoặc có những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã rời bỏ thị trường. Theo các chuyên gia của Bộ TT &TT, các doanh nghiệp rời bỏ thị trường hoặc mua bán, sáp nhập lại với nhau là việc tất yếu của phát triển. Khi phát triển ở một mức độ, Doanh nghiệp nào mạnh thì tiếp tục hoạt động kinh doanh, còn Doanh nghiệp nào không có khả năng hoặc chưa tận dụng hết năng lực kinh doanh thì ắt sẽ phải rời bỏ thị trường.


Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường viễn thông di động của Việt Nam đã bão hòa. Khi được hỏi về vấn đề này, Ông Phạm Hồng Hải – Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT & TT) - cho rằng thị trường thời điểm này đã bão hòa là chưa chính xác, vì nhu cầu sử dụng dịch vụ vẫn ngày càng gia tăng trong đại bộ phận dân cư. Giá cước dịch vụ di động của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước khác dù chất lượng dịch vụ tương đương. Đây là bước phát triển tiếp theo của thị trường, đòi hỏi môi trường quản lý tốt hơn, môi trường pháp lý hoàn thiện hơn để duy trì cạnh tranh lành mạnh.


Tại sao chỉ là 3-4 doanh nghiệp?


Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch Viễn thông đến năm 2020, hướng tới mục tiêu đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo tính cạnh tranh.


Trên thị trường dịch vụ viễn thông, di động được đánh giá là quan trọng nhất vì tổng doanh thu của mảng này chiếm hơn 90% doanh thu toàn thị trường. Để hình thành thị trường có từ 3 – 4 doanh nghiệp tương đương nhau thì các doanh nghiệp qui mô nhỏ khác cần tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mạng truyền dẫn…  Theo quan điểm của các chuyên gia, một thị trường cạnh tranh lành mạnh không nhất thiết phải có quá nhiều nhà cung ứng. Quan trọng là tạo được áp lực cạnh tranh thì thị trường vẫn phát triển. Nếu không cạnh tranh thì không thể mang lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.


Bài học này trên thế giới đã có nhiều mô hình khác nhau. Điển hình như trường hợp của Bangladesh, có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cho hơn 140 triệu dân, nhưng trong 2 năm (2009 – 2010), cả 7 doanh nghiệp này đều thua lỗ và tháo chạy khỏi thị trường. Vậy làm thế nào để cạnh tranh hợp lý, ở mức độ để tiếp tục phát triển. Trong nhiều cuộc trao đổi liên quan đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ về qui hoạch thị trường viễn thông, có nhiều câu hỏi được đặt ra bao nhiêu doanh nghiệp là vừa, chỉ hai doanh nghiệp cũng có thể cạnh tranh. Về lý thuyết thì càng nhiều doanh nghiệp thì tính cạnh tranh càng khốc liệt, nhưng cạnh tranh thế nào để phát triển bền vững thì cần phải cân nhắc. Ở các quốc gia phát triển vẫn duy trì cạnh tranh nhưng song hành với đó là có những luật lệ rõ ràng, chặt chẽ. Ví dụ như ở Pháp có 3 doanh nghiệp (dân số 60 triệu), khi Chính phủ Pháp quyết định cấp phép thêm 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, các thành viên trong Chính phủ Pháp đã đưa vấn đề lên Hội đồng Châu Âu để xem xét và họ đã đi đến quyết định dừng lại ở con số 3 doanh nghiệp, để tránh tạo ra sự cạnh tranh quá mức cho thị trường.


Con số 3 – 4 doanh nghiệp là phụ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia. Tuy nhiên, dù là con số nào đi chăng nữa đối với thị trường Việt Nam phải đảm bảo thị trường phát triển cạnh tranh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

 

D.T.D