Viện Ứng dụng công nghệ phải “chạy” mô hình mới trong 6 tháng cuối năm 2025
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Viện Ứng dụng công nghệ bứt phá, vươn lên, làm đầu mối kết nối, thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Ngày 2/7/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi thăm trụ sở của Viện Ứng dụng công nghệ (NACENTECH) tại Hà Nội và làm việc trực tiếp và trực tuyến với các cán bộ của Viện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tìm hiểu các sản phẩm công nghệ được Viện Ứng dụng công nghệ nghiên cứu, sản xuất.
Một số kết quả nổi bật
Viện Ứng dụng công nghệ được thành lập năm 1984, là đơn vị sự nghiệp KH&CN trực thuộc Bộ KH&CN, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiếp thu, giải mã công nghệ, thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ, đổi mới công nghệ, triển khai ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ mới, trong các lĩnh vực công nghệ laser quang điện tử, vi điện tử, công nghệ thông tin - điều khiển tự động, nông nghiệp - sinh học - chế biến, vật liệu mới, môi trường.
Tại buổi làm việc, ông Hoàng Ngọc Nhân, Viện trưởng đã báo cáo một số kết quả nổi bật của Viện.
Viện trưởng Hoàng Ngọc Nhân báo cáo một số kết quả nổi bật trong hoạt động của Viện.
Theo đó, nhiều công nghệ, sản phẩm của đề tài được Viện áp dụng vào thực tiễn như: Nghiên cứu phương pháp bốc bay có hỗ trợ bằng nguồn Ion (ứng dụng cho mạ quang học, tăng độ nhạy cho kính ngắm ngày đêm), mạ chi tiết cho an ninh quốc phòng; gia công quang học; Tích hợp, sản xuất camera hồng ngoại, máy ngắm ngày đêm ứng dụng cho an ninh quốc phòng; Xuồng composite cho tuần tra hải đảo; Áo giáp chống đạn cho Tổng cục cảnh sát; Laser ứng dụng cho y tế, công nghiệp; Làm chủ tích hợp hệ thống ứng dụng robot gia công kim loại với độ chính xác cao sử dụng nguồn laser fiber.
Viện đã làm chủ công nghệ nhận dạng 3D ứng dụng trong việc nhận dạng, số hóa tại hiện trường và cổ vật…
Đặc biệt, Viện đã thực hiện nhiệm vụ cấp nhà nước nghiên cứu về chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt. Đây là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên có hệ thống ở Việt Nam về công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết (VCO) từ dừa tươi theo phương pháp ly tâm không sử dụng nhiệt độ cao, đạt năng suất 5 triệu lít VCO/giờ, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới (GEA - Đức).
Kết quả nghiên cứu đã được áp dụng thành công tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới. Doanh thu doanh nghiệp (DN) tăng từ 132 tỷ đồng (2013) lên 1.200 tỷ đồng (năm 2019).
Nắm bắt thời cơ
Định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn buổi làm việc có những góp ý định hướng để Viện phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là tập trung vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam.
Là người trực tiếp phụ trách Viện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cũng nhất trí cao với định hướng của Bộ trưởng là Viện cần vượt ra ngoài vòng an toàn, tập trung cho ĐMST - lĩnh vực Bộ KH&CN dẫn dắt, kết nối DN công nghệ với các tổ chức, DN đang cần đến công nghệ để ứng dụng để các DN, tổ chức có thể đóng góp phát triển đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Minh: Viện Ứng dụng công nghệ cần vượt ra ngoài vòng an toàn, tập trung cho ĐMST.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT cho biết, Viện Ứng dụng công nghệ có thể là đầu mối giới thiệu các sản phẩm Make in Viet Nam ra nước ngoài và cho rằng ĐMST sẽ là không gian phát triển lớn hơn cho Viện.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (CĐS) Quốc gia cho biết nhu cầu ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội còn rất nhiều, theo đó, đây là một thị trường để Viện chuyển giao, tư vấn công nghệ… cho xã hội.
“Nhu cầu CĐS đang rất lớn, nhất là thời buổi ứng dụng AI rộng khắp nên cần nhiều người say mê vào cuộc”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.
Cơ hội của Viện khi đất nước chuyển mình
Trước các trao đổi của các cán bộ, lãnh đạo của Viện, các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, buổi làm việc của Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ hôm nay chỉ bàn về mô hình phát triển của Viện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viện Ứng dụng công nghệ cần nghiên cứu chuyển đổi thành Viện Ứng dụng công nghệ quốc gia, tập trung cho nhiệm vụ ĐMST mà Bộ đang dẫn dắt quốc gia.
Bộ KH&CN hiện nay có các nhiệm vụ mũi nhọn là dẫn dắt quốc gia về KHCN, ĐMST và CĐS.
“Bộ KH&CN hiện nay có đôi cánh, một bên là phát triển công nghệ, công nghệ cao, công nghệ chiến lược và một bên phải hình thành hệ sinh thái ĐMST Việt Nam để KHCN bay lên. ĐMST phải bao gồm cả phần CĐS. CĐS là một phần trọng tâm công tác của Bộ”.
Bộ trưởng cho rằng Viện Ứng dụng công nghệ không nên lưỡng lự, loay hoay, “đắm đuối” chỉ tập trung nghiên cứu một số công nghệ, sản phẩm, có phần nào trùng lắp với công việc nghiên cứu của Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST). Viện cần thoát ra để không bị nhỏ đi.
Theo đó, Viện Ứng dụng công nghệ cần nghiên cứu chuyển đổi thành Viện Ứng dụng công nghệ quốc gia, tập trung cho nhiệm vụ ĐMST mà Bộ đang dẫn dắt quốc gia.
Thực hiện nhiệm vụ này, Viện cần nghiên cứu trở thành đơn vị đầu mối “chăm sóc”, kết nối 1.000 DN công nghệ với cả triệu DN và các tổ chức ngoài xã hội đang cần tìm kiếm các công nghệ để ứng dụng, trong đó có các công việc đã được ghi trong vị trí, chức năng của Viện như giải mã công nghệ, hoàn thiện, cải tiến công nghệ, đưa công nghệ thành sản phẩm…
Viện cũng có thể làm đầu mối kết nối DN công nghệ Việt Nam với các nước hoặc hỗ trợ DN các nước kết nối với DN, tổ chức của Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm lời giải cho Viện là nghiên cứu việc công ty hoá các trung tâm thuộc Viện, cho “sống riêng” để các đơn vị tự chủ, phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh, hiệu quả hơn, từ đó có thể đóng góp cho đất nước phát triển.
Theo Bộ trưởng, Viettel đã từng trải qua câu chuyện tương tự khi để các công ty con “ra sống riêng” để tự “lăn lộn, trưởng thành” và thực tiễn đã chứng minh các công ty con đã phát triển mạnh mẽ.
Bộ trưởng cũng cho rằng tổ chức, con người lưỡng lự giữa các lựa chọn sẽ khó bứt phá. 10 năm phát triển đầu tiên của Viện đã rất thành công và có những người thành danh. Sau đó, Viện đã định hướng sang chuyển đổi nhưng thời gian 21 năm qua Viện vẫn dường như lưỡng lự theo định hướng này.
Những sản phẩm Viện làm tốt nhưng so với mặt bằng xã hội thì chưa bứt phá vì giờ đây có nhiều viện, trường, nhiều công nghệ.
“Thay vì là một viện nghiên cứu công nghệ giống như hàng trăm, hàng ngàn Viện, các tổ chức KHCN ở Việt Nam khác thì Viện vươn lên trên để kết nối hàng nghìn, vạn DN, địa phương, tổ chức thì tạo nên hệ sinh thái để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, mới thực sự là đưa KHCN vào thực tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết đất nước đang có những chuyển mình rất mạnh mẽ, đó là các tỉnh, thành được sáp nhập, mô hình chính quyền 3 cấp chuyển thành 2 cấp. Đây là sự chuyển mình lớn có thể nói chưa từng có trong lịch sử. Nhìn vào câu chuyện đất nước để thấy câu chuyện của Viện.
“Viện cần thực hiện nghiêm túc, triệt để quyết định mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Viện cách đây 21 năm là chuyển Viện phát triển công nghệ quốc gia thành Viện ứng dụng công nghệ và ĐMST quốc gia”.
Bộ trưởng chia sẻ: “Tổ chức, con người trở nên vĩ đại không phải do trời sinh mà là do được làm việc vĩ đại và vì thế trở thành vĩ đại. Cứ làm rồi thì ngộ ra, làm sẽ trở nên xuất sắc như Việt Nam làm tên lửa khi chưa có tổng công trình sư. Làm rồi thì ngộ ra và sáng ra từng ngày. Làm và ngấm, ngấm thì nhớ, nhớ thì ngộ”.
Thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm
Một định hướng nữa cũng được Bộ trưởng nhắc đến là Viện cần "chuyển mình" theo hướng đóng góp cho việc thương mại hoá công nghệ, sản phẩm. Luật KHCN (Sửa đổi) và ĐMST đã đưa khái niệm mô hình trung gian công nghệ để thúc đẩy thương mại hoá nghiên cứu KHCN.
Mô hình trung gian công nghệ thành công nhất là Israel. Đơn vị làm thương mại hoá KHCN của Israel có thể được chi trả tới 20%. Chính phủ Israel đã phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu ra được mô hình này để thương mại hoá được sản phẩm, đóng góp thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Bộ trưởng cũng đánh giá thị trường chuyển giao công nghệ ở địa phương nên vai trò của Viện ở địa phương là rất quan trọng. Địa phương thường “đói” nên cần. Sức mạnh của Viện là ở đây.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ chụp ảnh với tập thể Viện.
ĐMST phải đi vào toàn dân
Luật KHCN (sửa đổi) & ĐMST vừa được Quốc hội thông qua đã có một tuyên ngôn là KHCN và ĐMST Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… tức là hướng tới kết quả cuối cùng.
Theo Bộ trưởng, “KHCN chỉ liên quan đến các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nhưng ĐMST là toàn dân. Một học sinh cũng có thể ĐMST như dùng công cụ số để học tập tốt hơn. ĐMST đi vào toàn dân thì đất nước mới phát triển”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ĐMST đi vào toàn dân thì đất nước mới phát triển.
Bộ trưởng chia sẻ, Trung Quốc phát triển được là chủ yếu là do ĐMST. Là quốc gia có hơn 1 tỷ dân nhưng Trung Quốc xếp hạng về ĐMST lúc nào cũng đứng thứ 10 - 11 về ĐMST. Trung Quốc giàu có lên cũng nhờ ĐMST vì tập trung vào ĐMST, chứ không phải KHCN. Nhiều giải pháp xuất sắc của thế giới là từ Trung Quốc. Trung Quốc giàu hơn là nhờ ĐMST và từ ĐMST lại chi cho KHCN. Đấy là trọng tâm quốc gia.
Bộ KH&CN phụ trách ĐMST thì phải đi đầu, dẫn dắt nên hiện Bộ đang làm việc với một số trường đại học, địa phương để thúc đẩy, thành lập trung tâm ĐMST nhưng Viện Ứng dụng công nghệ phải là đơn vị đi đầu, dẫn dắt. Hiện nay là thời điểm chín muồi cho Viện trở thành đầu mối, trung tâm ĐMST. Các tỉnh muốn có trung tâm ĐMST, Viện phải chuyển đổi thành mô hình này để các địa phương có thể học hỏi (copy).
“Cuộc đời con người được làm những việc lớn là hạnh phúc và đừng sợ những việc chưa ai làm. Con người biết nhiều thì hạn chế”.
Bộ trưởng cũng chia sẻ cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để đóng góp đất nước phát triển. Đất nước muốn phát triển nhờ KHCN thì người làm KHCN phải giàu có lên.
“Làm công nghệ giờ đây phải có lương hàng chục triệu thì may ra làm được. Làm kinh doanh hiện nay đã được mức đó. Theo đó, Viện cần xây dựng đường hướng mới rõ ràng, không lưỡng lự. Nếu không Viện sẽ nhỏ đi”.
Cuối cùng, Bộ trưởng yêu cầu Viện không chần chừ, trong 6 ngày tới phải hình thành được mô hình phát triển mới của Viện và “chạy” mô hình mới trong 6 tháng cuối năm 2025.
"Đơn vị, tổ chức, con người trở nên vĩ đại thông qua qua công việc chúng ta làm”, Bộ trưởng khẳng định./.