Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ giải pháp mới trong phát triển nông nghiệp

14:25, 09/11/2021

Ngành nông nghiệp Nhật Bản đang hiện đại hóa rất nhanh, áp dụng mạnh mẽ công nghệ IT và AI vào thực tiễn sản xuất, mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam.

Ngày 5/11, Hội nghị Nông nghiệp Việt Nam - vùng Kyushu, Nhật Bản lần thứ nhất diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Thống đốc tỉnh Kumamoto Ikuo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đại học Kyushu Giáo sư Nakao Miki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cùng đại biểu từ các trường đại học nông nghiệp và doanh nghiệp của hai nước.

Các đại biểu hai nước trao đổi thông tin về nhu cầu, dự án 'giống' để kết nối và phát triển nông nghiệp hai bên. Ảnh: Hoàng Giang.

Các đại biểu hai nước trao đổi thông tin về nhu cầu, dự án “giống” để kết nối và phát triển nông nghiệp hai bên.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định mối quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển sâu rộng và hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, nông nghiệp vùng Kyushu có vị trí quan trọng đối với Nhật Bản. Nơi đây có nhiều trường đại học nổi tiếng về nông nghiệp như Đại học Kyushu, Kumamoto, Miyazaki, Kagoshima,… Riêng Đại học Kyushu hiện có gần 50 học viên cao học và nghiên cứu sinh nông nghiệp đến từ Việt Nam.

Điều này đã phần nào nói lên tầm quan trọng, uy tín, sức hút và quan hệ hợp tác về nông nghiệp giữa hai nước tại vùng đất này. Vì vậy, Thứ trưởng đánh giá cao ý tưởng và quyết tâm của Đại học Kyushu và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka khi tổ chức thành công Hội thảo nông nghiệp Việt Nam - Kyushu, Nhật Bản bất chấp các khó khăn hiện tại.

PGS. Hamanaka Daisuke, đại diện Đại học Kagoshima, đã chia sẻ trong buổi Hội thảo trực tuyến về hệ thống “Ngân hàng tươi mới - Fresh Bank” đang triển khai rất tích cực tại Nhật Bản. Đây là hệ thống container chứa các nông sản tươi sống, là một giải pháp mới cho các công ty vận chuyển để cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.

Hệ thống này nổi bật với ba tính năng chính: Các thùng lạnh được trang bị thiết bị có khả năng tạo ra điện trường bên trong giúp nông sản được chứa bên trong đạt độ tươi sống tốt nhất. Ngân hàng tươi mới có thể đồng thời đóng vai trò là thùng chứa lạnh và thùng chứa khô, có cùng khối lượng và trọng lượng tải như một container lạnh thông thường. Đặc biệt, hệ thống đảm bảo quá trình làm việc an toàn, yên tâm cho con người sử dụng.

Hệ thống đã được thử nghiệm và cho kết quả khả quan, thể hiện hiệu quả bảo quản nông sản đảm bảo lâu dài, gợi mở việc thay đổi phương thức vận chuyển tiết kiệm chi phí, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao. Với những lợi thế trên, ông Hamanaka mong rằng sẽ có thể mở rộng thị trường sang các nước trong thời gian tới.

Ông Ota Kohei, đại diện Viện Nghiên cứu Nông nghiệp - Đại học Kyushu, chia sẻ về nghiên cứu công nghệ tế bào gốc đối với cá saba. Ảnh: Hoàng Giang.

Ông Ota Kohei, đại diện Viện Nghiên cứu Nông nghiệp - Đại học Kyushu, chia sẻ về nghiên cứu công nghệ tế bào gốc đối với cá saba.

Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Ota Kohei, đại diện Viện Nghiên cứu Nông nghiệp - Đại học Kyushu, đã có bài chia sẻ về mô hình nghiên cứu nuôi trồng cá saba thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam.

Nghiên cứu cho thấy cá saba có đặc tính giảm độ tươi nhanh và dễ nhiễm ấu trùng hoặc giun, do đó Trung tâm đổi mới an toàn sinh học thủy sản (ABRIC, thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp - Đại học Kyushu) trong quá trình nuôi đã tiến hành lựa chọn trứng và duy trì vòng tuần hoàn nuôi trồng để đảm bảo người tiêu dùng sẽ không bị nhiễm phải các ấu trùng độc hại.

Nghiên cứu cá saba tập trung vào hai hướng gồm cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất nhằm phát triển nghề cá trong khu vực, đồng thời đảm bảo nguồn cung protein động vật bền vững. ABRIC đã triển khai đưa vào thiết bị ICT cho cá ăn từ xa, sử dụng côn trùng làm nguồn thức ăn mới, tạo lập hệ thống kiểm soát sinh sản.

Đặc biệt, ABRIC đã kết hợp nghiên cứu di truyền gien cho cá, chỉnh sửa bộ gien. Ông Ota Kohei cho biết cá saba có tập tính ăn thịt đồng loạt (cá lớn nuốt cá bé), nên nếu giảm được đặc tính này sẽ cải thiện năng suất chung của lứa cá.

Ô nhiễm môi trường đang là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi gien ở các loài vật. Chỉnh sửa bộ gien sẽ góp phần to lớn vào việc điều khiển sự phát triển dòng đời, cải thiện giá trị gia tăng. Các kĩ thuật liên quan đến tế bào gốc tạo cơ hội cho việc đảm bảo năng suất và cải thiện chất lượng vật nuôi, có tiềm năng ứng dụng thực tế trong tương lai, dự kiến phát triển thêm được nhiều kĩ thuật cho cả các đối tượng khác như hoa quả hay các loại nông sản khác.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, ông Ota Kohei nhấn mạnh rằng việc công nghệ chỉnh sửa gien cải thiện đặc tính có lợi, giảm tải đặc tính có hại hoàn toàn được chấp nhận, nhưng trực tiếp biến đổi gien của loài vật được coi là hành vi cấm. Đồng thời, để thực hiện chỉnh sửa gien cần có nghiên cứu kĩ lưỡng nhằm tránh được các rủi ro.

Trong tương lai chỉnh sửa gien sẽ là một công nghệ đón nhận rất nhiều sự quan tâm từ các bạn bè quốc tế. Công nghệ này có thể được thử nghiệm lên tôm nhưng cần thử nghiệm và nghiên cứu thêm.   

Về phía Việt Nam, TS. Mai Văn Tài, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (RIA1), cũng đã đề cập đến sự hợp tác song phương giữa RIA1 và vùng Kyushu với mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững.

Ông mong rằng hai bên sẽ thiết lập các dự án nâng cao năng lực trong nghiên cứu và đào tạo, phát triển các dự án đi vào cụ thể các lĩnh vực, và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh của hai trường có cơ hội giao lưu trao đổi học hỏi lẫn nhau.

Ông cũng khẳng định các thế mạnh và tiềm năng đôi bên trong phát triển sản xuất, quan trắc môi trường và những nỗ lực về mảng công nghệ thông tin ngành thủy sản (xây dựng cơ sở dữ liệu Bigdata, quản lý chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc).

Các đại biểu mong rằng sự hợp tác của hai nước sẽ ngày càng sâu đậm và lâu dài. Ảnh: Hoàng Giang.

Các đại biểu mong rằng sự hợp tác của hai nước sẽ ngày càng sâu đậm và lâu dài.

Nông nghiệp Nhật Bản nói chung và Kyushu nói riêng được đánh giá đi đầu về tiến bộ và đầu tư khoa học công nghệ. Ngành nông nghiệp đang được cơ giới hóa và hiện đại hóa rất nhanh, thể hiện trong việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (IT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn sản xuất nuôi trồng, thu thập thông tin một cách đa chiều, giúp nông dân nhanh chóng nắm bắt tình huống và đưa ra giải pháp phù hợp, đảm bảo năng suất cây trồng vật nuôi.

Những công nghệ tiên tiến này hoàn toàn áp dụng được cho các nông sản Việt Nam, tuy nhiên việc triển khai có thể gặp nhiều hạn chế do chi phí đầu tư ban đầu cao.

Thông qua Hội thảo, hai bên đều tin rằng sự hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và vùng Kyushu - Nhật Bản sẽ mở ra những cơ hội mới trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hai nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang không ngừng nỗ lực cập nhật các công nghệ tiên tiến để thích ứng với biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 trong tình hình “bình thường mới”, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm.

Ông Vũ Bình, Tổng Lãnh sự quán Việt nam tại Fukuoka, mong rằng sự hợp tác của hai nước sẽ ngày càng sâu đậm và lâu dài, phát huy tiềm năng và thế mạnh hai bên trong công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất nuôi trồng, hướng tới nông nghiệp bền vững.

Nhân dịp Hội thảo nông nghiệp trực tuyến Việt Nam - Kyushu (Nhật Bản), Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã nêu một số đề nghị:

Một là, hai bên tiếp tục có những kết nối, đặt hàng cụ thể cho những cuộc hợp tác thiết thực trên cơ sở tiềm năng, lợi thế vốn có của từng bên, cả về hợp tác khoa học và kinh doanh - thương mại.

Hai là, đôi bên xem xét xây dựng một cơ chế trao đổi định kỳ trong khuôn khổ hoạt động này (2 - 3 năm/lần), trước mắt là nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa hai nước (1973-2023).

Ba là, Việt Nam mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Chính phủ Nhật Bản, các cơ quan hữu quan và các tổ chức của cả hai bên để lan tỏa kết quả Hội thảo, coi đây là một sáng kiến góp phần thúc để hợp tác nông nghiệp và quan hệ hai nước.

Theo/nongnghiep.vn