Thời điểm mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông được cấp giấy phép triển khai dịch vụ 3G đã quá gần. Lác đác vài ba dịch vụ của một số doanh nghiệp đã được cung cấp tới người dùng: như SMS Locator (MobiFone), Say2send ( VinaPhone),…
Tuy nhiên, ứng dụng và giải pháp mới cho điện thoại di động trên nền tảng 3G vẫn là nhu cầu không chỉ cho nhà phân phối, mà ngay cả với người dùng đầu cuối. Cuối tháng 7/2009, tại Hà Nội, Juniper Networks tổ chức Hội thảo giới thiệu nội dung này tới các doanh nghiệp cung cấp điện thoại di động Việt Nam. Phóng viên XHTT đã có những trao đổi nhanh với ông Brendan Leitch, Giám đốc Phụ trách Marketing của Juniper Networks, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về vấn đề này.
PV: Đánh giá của ông về thị trường cung cấp dịch vụ 3G trên thế giới? Và một vài liên hệ với thị trường Việt Nam?
Ông Brendan Leitch: Hiện nay, mạng 3G ngày càng phổ biến. Xuất phát điểm là từ Nhật Bản, rồi sau đó 3G phát triển rộng ở các nước khác như Singapore, Trung Quốc… Với sự ra đời của công nghệ 3G, các dịch vụ cho Mobile cũng ngày càng phát triển. Khi mà các thiết bị đầu cuối ngày càng thông minh hơn, với sự xuất hiện của các tên tuổi như iPhone, RIM BlackBerry, HTC…, thì việc phát triển các ứng dụng tương thích với nó, chạy trên nền tảng công nghệ mới - 3G là cần thiết, và không có gì là khó hiểu.
Nếu như trước kia, chỉ với 2G, người dùng đã có thể dễ dàng tải xuống logo, hình ảnh… cho điện thoại di động của mình, thì nay, với 3G, thậm chí là 4G, thì người dùng có thể thoải mái lướt web, xem phim trực tuyến, và chia sẻ tài nguyên. Trên thế giới hiện nay, 3G đang phát triển mạnh ở nhiều nước, không kể đến các nước phát triển thuộc khối châu Âu, khu vực châu Á cũng có không ít những điển hình như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…
Công tác tại Việt Nam chưa lâu, nên tôi chưa có nhiều thời gian để tìm hiểu về thị trường 3G ở nơi đây. Tuy nhiên, tôi thấy thị trường thông tin di động, viễn thông và CNTT ở Việt Nam khá phát triển, và người dùng, mà phần lớn là giới trẻ có vẻ rất quan tâm đến các dịch vụ, ứng dụng mới cho điện thoại di động. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để 3G sớm phát triển tại Việt Nam.
PV: Khảo sát của Juniper Networks về tâm lý, nhu cầu khách hàng, người dùng về các dịch vụ cao cấp: 3G, Wimax, di động băng rộng…, và kết quả thu được?
Ông Brendan Leitch: Rất khó để có thể khảo sát đầy đủ và có những kết quả sát thực tế nhất. Với mỗi thị trường thì có cách phát triển khác nhau và chưa có một minh chứng cụ thể nào để khẳng định rằng các dịch vụ mà họ đưa ra có thành công thực sự hay không.
Ở mỗi nước, do nhu cầu và thị hiếu người dùng khác nhau, nên các nhà cung cấp dịch vụ không thể tung ra ồ ạt các dịch vụ, mà họ chỉ đưa ra cứ mỗi đợt, khoảng 50 dịch vụ để thử. Nếu dịch vụ nào đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người dùng, phát triển tốt, thì họ tiếp tục phát triển và cung cấp ra thị trường. Tôi nghĩ, Việt Nam muốn phát triển tốt các dịch vụ trên nền tảng 3G, thì cũng sẽ phải có các phép thử như các nước đi trước mà thôi.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3G hiện nay? Tiềm năng phát triển của dịch vụ 3G tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Brendan Leitch: Đối với các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ 3G, thì vấn đề không phải là cạnh tranh về công nghệ, về băng thông, hay thiết bị đầu cuối, mà là cạnh tranh ở các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng chạy trên nền tảng 3G. Ví dụ, ở Trung Quốc, có hơn 600 triệu thuê bao điện thoại di động, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ 3G chỉ cung cấp các ứng dụng và dịch vụ giá trị gia tăng cho 50 triệu thuê bao thuộc hạng VIP nhất.
Các nhà cung cấp dịch vụ căn cứ vào: các loại hình dịch vụ và các ứng dụng mà khách hàng cần, thiết bị đầu cuối mà khách hàng sử dụng, mức phí mà khách hàng sẵn sàng chi trả, để từ đó cung cấp những ứng dụng, dịch vụ phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Trong cuộc khảo sát mới đây về thị trường cung cấp các dịch vụ 3G của Juniper Networks, thì 75% doanh thu từ các nước như Nhật Bản, Singapore… là từ các dịch vụ dữ liệu. Các nhà khai thác, cung cấp dịch vụ 3G đã có chỉ số ARPU rất tốt (Average Revenue Per User - Lợi nhuận bình quân tính trên một người dùng): Nhật Bản là hơn 90 USD/người, Singapore là 60 USD/ người, Trung Quốc và Hàn Quốc từ 40-50 USD/người, Việt Nam từ 10-15 USD/người, và thấp nhất là Ấn Độ 5-7 USD/người. |
Như tôi đã nói ở trên, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển 3G. Khi mà đời sống ngày càng nâng cao, các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ xuất hiện nhiều hơn, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng với những sự chuẩn bị, đầu tư cần thiết và có chiều sâu về hạ tầng công nghệ; người dùng ngày càng thông minh hơn…, thì việc 3G sớm phát triển ở Việt Nam là điều nằm trong tầm tay.
PV: Thách thức lớn nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ 3G là gì, thưa ông?
Ông Brendan Leitch: Theo tôi, có 2 thách thức lớn nhất đối với bất cứ nhà cung cấp dịch vụ 3G nào trên thế giới. Đó là: đường truyền và bảo mật. Riêng về bảo mật, nếu như trước kia, khi các ứng dụng cho điện thoại chạy trên nền tảng 2G và GSM, thì các nhà cung cấp không phải lo gì về bảo mật cả, và họ cũng chưa có nhận thức về vấn đề này, nhưng với 3G, vấn đề bảo mật lại rất quan trọng. Đây là vấn đề mà các nhà cung cấp dịch vụ cần đặc biệt lưu tâm. Theo điều tra của Juniper Networks, thì các trung tâm dữ liệu phục vụ cho 3G được khảo sát, thường nhận 12 triệu kết nối từ các thuê bao cùng lúc, nên cần phải có nền tảng công nghệ thật mạnh, nhất là về bảo mật.
PV: Ông vui lòng chia sẻ một vài kinh nghiệm đối với thị trường và nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực, đặc biệt là với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam?
Ông Brendan Leitch: Tôi chỉ có thể đưa ra môt vài gợi ý. Các nhà cung cấp dịch vụ cần đầu tư một cách có hệ thống, phát triển tập trung. Và khi mà các nhà cung cấp dịch vụ chưa thực sự mạnh về nội dung, thì đừng chần chừ, hãy bắt tay ngay với đối tác có nội dung tốt, cùng nhau phát triển và chia sẻ lợi nhuận.