Việt Nam cần quyết liệt trong cuộc “cách mạng” mang tên Chính phủ điện tử

19:11, 16/07/2021

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam đã liên tục tăng từ năm 2014 - 2020. Đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (năm 2016) sau đó lên thứ hạng 88 (năm 2018) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 86/193 quốc gia trong năm 2020, đứng thứ 6/11 trong khu vực ASEAN về chỉ số phát triển CPĐT.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) của Việt Nam năm 2020 đạt 0.6667 điểm, thuộc vào nhóm các nước ở mức cao. Chỉ số CPĐT được đánh giá từ 3 chỉ số thành phần - Hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index), Nguồn nhân lực (Human Capital Index), Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index) gồm các mức - Rất cao: >0.75; Cao: từ 0.5 - 0.75; Trung bình: từ 0.25 - 0.5; Thấp: <0.25. So sánh các chỉ số thành phần với xếp hạng CPĐT năm 2018, chỉ số Việt Nam tăng mạnh nhất là Chỉ số Hạ tầng viễn thông từ thứ 100 lên 69; chỉ số Nguồn nhân lực tăng 3 bậc từ thứ 120 lên 117; trong khi đó Chỉ số Dịch vụ trực tuyến bị giảm 22 bậc, từ thứ 59 xuống 81. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn “dậm chân” tại vị trí thứ 6 như năm 2018 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và có sự thăng hạng mạnh của một số nước như Campuchia từ vị trí 145 lên vị trí 124; Indonesia từ vị trí 107 lên vị trí 88; Thái Lan từ 73 lên vị trí 57; Myanmar từ vị trí 157 lên vị trí 146.

Nghị quyết 17 trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử

Vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế năm 2021, Hội Tin học Việt Nam và Vụ Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) 2020.

Kết quả đánh giá, xếp hạng Vietnam ICT Index được coi là đánh giá uy tín, chất lượng và đầy đủ nhất trên cả nước, làm cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông và chính quyền các địa phương, các bộ ngành đưa ra các quyết sách phù hợp, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thúc đẩy để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và ngành công nghiệp công nghệ thông tin.

Ngoài ra, Bảng xếp hạng được công bố để Việt Nam nhìn lại những gì chúng ta đã và đang làm được nhằm đánh giá, đối chiếu với phát triển Chính phủ điện tử trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Tháng 3 năm 2019, Chính phủ đã ra Nghị quyết 17/NQ-CP về “một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến 2025” để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Từng bước hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử là yêu cầu cấp thiết.

Nghị quyết 17/NQ-CP đặt mục tiêu hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025.

Đi cùng với khó khăn luôn là những thách thức mà CMCN 4.0 đã đặt ra. Theo bảng xếp hạng CPĐT năm 2020, Việt Nam có sự phát triển hơn so với năm 2014, 2018. Mặc dù có sự "thăng hạng" thế nhưng, số liệu cho thấy năm 2020 Việt Nam vẫn chỉ tăng 2 bậc với vị trí thứ 86/193 quốc gia và vẫn dừng chân tại vị trí thứ 6 khối ASEAN. Trong khi đó, vào năm 2012 xếp hạng CPĐT Việt Nam đã từng đạt vị trí thứ 83 trên thế giới và xếp thứ 4 tại ASEAN.

Mục tiêu của Chính phủ “đặt lên” Chính phủ điện tử vào năm 2025 đó chính là vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng tại ASEAN. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang cố thoát khỏi “cái bẫy” do chính mình đặt ra, chúng ta đang trong vòng luẩn quẩn của thứ hạng trung bình, thì các nước khác cũng đang phấn đấu để nổi bật hơn. Chúng ta tiến 1 bước, các nước khác cũng vậy. Liệu Việt Nam có “nhảy bật” vươn lên so với các nước trong khối ASEAN hay không? Nguyên nhân do đâu khiến công cuộc xây dựng CPĐT ở nước ta luôn chỉ "dậm chân tại chỗ"? Và câu chuyện "bao giờ cho đến ngày xưa?". Trước tiên phải kể đến Dịch vụ công trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển CPĐT khi lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Dịch vụ công trực tuyến được cung cấp đến người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.

Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam đã tăng 33 bậc so với xếp hạng của Liên Hợp quốc kể từ năm 2012 (92/193 quốc gia) đến năm 2018 (59/193 quốc gia) và với các nước ASEAN Việt Nam cũng đã đứng vị trí thứ 4 (tăng 3 bậc) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến năm 2020 Việt Nam đã thụt giảm 22 bậc (81/193 quốc gia) tại bảng xếp hạng của Liên Hợp quốc và xếp vị trí thứ 6 trong ASEAN.

Mặc dù có tăng về số lượng dịch vụ nhưng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp (Báo cáo CPĐT số liệu đầu 2019: mức độ 3 khoảng 10%; mức độ 4 khoảng 2%, theo Vietnam ICT Index 2020 số liệu đầu 2020: mức độ 3 khoảng 56-57%; mức độ 4 khoảng 25-27%). Nhất là ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ...

Sở dĩ Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của Việt Nam bị tụt hạng, điểm tuyệt đối giảm từ 0,7361 năm 2018 xuống 0,6529 năm 2020, xếp hạng giảm từ 59 năm 2018 xuống 81 năm 2020 vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, cách thức khảo sát, đánh giá Chỉ số này của Liên Hợp Quốc thay đổi so với năm 2018. Trên bình diện tổng thể, Chỉ số Dịch vụ trực tuyến trung bình của cả thế giới năm 2020 cũng giảm so với năm 2018.

Thứ hai, mốc chốt thời gian lấy số liệu đến tháng 9/2019, nên nhiều nỗ lực của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2020, chưa được ghi nhận trong kết quả xếp hạng lần này.

Trước thực tế trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, đặt mục tiêu cải thiện thứ bậc của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc từ 10-15 bậc. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều phối đẩy mạnh thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Những nỗ lực này của Việt Nam dự kiến sẽ có tác động mạnh đến Bảng xếp hạng CPĐT lần tới dự kiến công bố vào năm 2022.

Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến CPĐT tại Việt Nam chưa thực sự có vị trí cao trong xếp hạng là do sự phát triển của hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin.

Hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực

Các chỉ số về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ có tác động đến xếp hạng Chính phủ điện tử, chỉ số Hạ tầng viễn thông của Việt Nam liên tục giảm trong 3 kỳ báo cáo gần nhất (từ năm 2014), nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới (xếp hạng 100/193 quốc gia). Năm 2020, Hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã có sự "khởi sắc" vươn mạnh lên vị trí 69/193 quốc gia. Tuy nhiên, tại ASEAN thì từ năm 2016 đến nay Việt Nam vẫn chỉ "dậm chân tại chỗ" ở vị trí thứ 5 cho thấy các quốc gia quanh ta cũng đã chú trọng vào phát triển hạ tầng viễn thông, trong khi đó vào năm 2014, Việt Nam đã vươn lên vị trí TOP 3 trong khu vực.

Không chỉ có vậy, chúng ta vẫn luôn tự hào về đức tính của người Việt luôn cần cù, chịu khó, thông minh và sáng tạo, thế nhưng, những con số trên bảng xếp hạng về Hạ tầng nhân lực Việt Nam luôn "bền vững" với vị trí thứ 7 so với khu vực và ngay cả trên thế giới, vị trí của chúng ta cũng luôn nằm ở mức trung bình.

Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI) năm 2020 của Việt Nam là 0,6779. Mức điểm này thấp hơn so với mức trung bình thế giới, khu vực Châu Á, khu vực Đông Nam Á.

Một trong những nguyên nhân Việt Nam có vị trí thấp về chỉ số nguồn nhân lực là do chúng ta chưa có số liệu công bố thống kê về nguồn nhân lực sát và phù hợp với chuẩn thế giới (còn thiếu như: Expected years of schooling, Mean years of schooling), điều này đáng để các cơ quan có liên quan như Giáo dục và Đào tạo cùng Lao động – xã hội cần quan tâm để Việt Nam sớm có các số liệu thống kê theo chuẩn mực quốc tế.  

Mặc dù vậy, so với kết quả chỉ số Nguồn nhân lực năm 2018, Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ vị trí 120 lên vị trí 117 vào năm 2020.

Nhân lực làm việc trong ngành CNTT trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây đã tăng gần gấp 3 lần, với tốc độ tăng trưởng 13%-18%/năm. Nhu cầu nhân lực ngành CNTT tăng 56% trong năm 2019 (tăng xấp xỉ 5 lần so với nhu cầu năm 2015), dự báo sẽ gây thiếu hụt khoảng 190.000 người vào năm 2021.

Trong khi đó, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong công tác đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực này như: Chương trình đào tạo lạc hậu, không theo kịp với thực tiễn phát triển khoa học và công nghệ, lý thuyết không gắn với thực hành, dẫn đến chất lượng nhân lực tốt nghiệp các ngành CNTT, viễn thông chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công việc; Đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy các ngành CNTT và viễn thông còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng;....

Giải pháp phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam

Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT và đã đem lại một số kết quả nhất định. Dù vậy, việc triển khai CPĐT vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thực sự quyết liệt.

Trước đó, vào năm 2014, Hội Tin học Việt Nam đã có kiến nghị về mô hình triển khai DVCTT cho chính phủ. Cụ thể, Hội Tin học đề xuất cho Chính phủ đó là Xây dựng Cổng DVCTT quốc gia theo mô hình như Singapore, Cộng hoà Pháp đang áp dụng. Cổng này sẽ là cổng thành phần của Cổng TTĐT Chính phủ và do Cổng TTĐT Chính phủ quản lý, vận hành. Cổng DVCTT quốc gia phải được xây dựng sao cho tận dụng (khai thác được tối đa CSDL quốc gia về thủ tục hành chính).

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thế giới đang rất quan tâm, nhưng Việt Nam thì lại “thờ ơ” với mô hình DVCTT. Ngày 9/12/2019 với nỗ lực của Chính phủ Cổng dịch vụ công Quốc gia đã khai trương và đi vào hoạt động hiệu quả mang lại nhiều hy vọng cho xếp hạng CPĐT của Việt Nam vào năm 2022 trong kỳ xếp hạng CPĐT tiếp theo.

Mặc dù mang lại hiệu quả cao, nhưng việc ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ xây dựng CPĐT chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử và các văn bản quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán. Các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai nhất là cơ chế ưu đãi về thuế trong đó có thuế chuyển nhượng vốn của chủ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng CPĐT hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu. Ở một số nơi, các cán bộ, công chức vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật có tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm...

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT chậm được triển khai; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được triển khai còn thiếu sự kết nối, chia sẻ.

Chính bởi vậy, Chính phủ đã thúc đẩy quyết liệt triển khai xây dựng các CSDL quốc gia về đăng ký kinh doanh, CSDL quốc gia về thủ tục hành chính. Đang triển khai các CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về bảo hiểm, CSDL quốc gia về tài chính. Các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng CSDL chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình...

Đồng thời, cần triển khai các giải pháp công nghệ tập trung vào phát triển nền tảng công nghệ CPĐT. Tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Ngoài ra, cần ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Các Bộ, Ngành, địa phương không tự làm, tự lập những cơ sở dữ liệu riêng biệt, không kết nối, chia sẻ. Nhanh chóng xây dựng và tích hợp DVCTT mức độ 3, 4 của các đơn vị lên Cổng DVCQG.

Cải thiện việc cung cấp DVCTT của 6 lĩnh vực trọng điểm: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Pháp luật xã hội là các chỉ tiêu rất được quan tâm trong xếp hạng Báo cáo CPĐT.

Triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, DN trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi dịch vụ công.

Cùng với đó cần triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ.

Tăng cường tham gia, giám sát, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ. Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ phát triển CPĐT.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ qua Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (QĐ749/QĐ-TTg ngày 6/3/2020) và mới đây là Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2023 hướng đến năm 2030 (QĐ 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021) và sự cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng Viễn thông cũng như công bố đầy đủ các thống kê về hạ tầng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế hy vọng xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hiệp quốc vào năm 2022 sẽ có những bước nhảy vọt và cải thiện mạnh thứ hạng của Việt Nam và quay lại Top đầu với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Các mục tiêu về phát triển Chính phủ điện tử

Tháng 3/2019: Nghị quyết 17/NQ-CP về “một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát

triển CPĐT giai đoạn 2019 -2020, định hướng đến 2025”:

- Đến hết năm 2020, Việt Nam tăng từ 10 đến 15 bậc, nằm trong nhóm 5 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

- Đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Ngày 1/1/2020: Nghị quyết 02/NQ-CP về “tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020”:

- Năm 2020 phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng  Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc.

Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 6/3/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia:

- Năm 2025: Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

- Năm 2030: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 6/3/2020 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2023 hướng đến năm 2030

-  Tầm nhìn đến 2030: Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

-  Mục tiêu 2025: Xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo đánh giá của Liên Hợp Quốc có sự thay đổi đột phá.

Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm:

a) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể.

b) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử.

c) Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở.

 

Hà Dung