Việt Nam đã giương lên “chiếc nỏ thần công nghệ”
Trải qua nhiều thời kỳ đổi mới, chúng ta đã xác định công nghệ là mấu chốt của mọi lĩnh vực, là “chiếc nỏ thần” có sức công phá, sáng tạo không giới hạn.
Diễn đàn quốc gia “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, vừa tổ chức thành công, một lần nữa khẳng định vị thế của khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Trước đó, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh vấn đề làm chủ công nghệ và chú trọng nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Nghị quyết 57 là kim chỉ nam, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo tham quan triển lãm công nghệ, hoạt động bên lề của Diễn đàn “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Tổng Bí thư về làm chủ công nghệ số và cuộc cách mạng chuyển đổi số, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI đã tập trung làm rõ các vấn đề này.
Việt Nam phải chế tạo ra “chiếc nỏ thần” để tự bảo vệ, phát triển và vươn ra thế giới
Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những vấn đề như tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu,… là những khát vọng chính đáng, là câu hỏi trăn trở hàng ngàn năm của các vị lãnh tụ.
Trải qua nhiều thời kỳ đổi mới, chúng ta đã xác định công nghệ là mấu chốt của mọi lĩnh vực, là “chiếc nỏ thần” có sức công phá, sáng tạo không giới hạn. Cuộc cách mạng số - cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.
Việt Nam xác định, công nghệ là "chiếc nỏ thần" giúp bảo vệ, phát triển và đưa đất nước vươn ra thế giới (Ảnh minh họa: Internet)
Công nghệ có thể giải những bài toán khó một cách hiệu quả. Với những vấn đề của mình, Việt Nam chính là thị trường để hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ trong nước vươn ra toàn cầu, và giải những bài toán toàn cầu.
Bàn về trí tuệ, sáng tạo Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh, “Make in Viet Nam” là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
“Make in Viet Nam” là một khẩu hiệu hành động, là tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.
“Make in Viet Nam” không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.
“Make in Viet Nam” đã được 5 năm. Năm năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet)
Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số trên 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tính theo đầu người cao nhất trong số các nước đang phát triển.
“Make in Viet Nam” đồng thời là trách nhiệm của chúng ta với tư các một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Đó là, ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Bởi vậy, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà về “Make in Viet Nam” phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo sản phẩm, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước dành 15% ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và công nghệ chiến lược.
Được biết, năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD, tăng trung bình trên 30% mỗi năm. Mục tiêu đến năm 2035, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ lên tới 100 tỷ USD, vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là, xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Đây thực sự là mục tiêu rất cao, nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam.
"Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá.
Chúng ta kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.