Việt Nam “ngược chiều cơn khát" nhân lực công nghệ tại Đông Nam Á
Mỗi năm, Việt Nam đang bổ sung khoảng 50.000 sinh viên cho lĩnh vực công nghệ thông tin, con số này hiện tương đương với tổng lượng nhân sự mới gia nhập thị trường công nghệ của nhiều quốc gia trong khu vực cộng lại…
Ảnh minh hoạ.
Mới đây, tờ Nikkei Asia đã phản ánh tình trạng thiếu hụt lao động công nghệ tại Malaysia, một trong những trung tâm công nghệ năng động bậc nhất Đông Nam Á. Các doanh nghiệp tại đây bày tỏ lo ngại về sự khan hiếm nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, đáng chú ý hơn, tỷ lệ sinh viên lựa chọn các ngành học thuộc nhóm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đang có xu hướng giảm mạnh.
Malaysia đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sinh viên đăng ký vào các lĩnh vực STEM lên 60%, tuy nhiên, con số này đã liên tục duy trì dưới mức 50% suốt từ năm 2000 đến nay.
Singapore, một trung tâm công nghệ hàng đầu, hiện được xếp hạng thứ hai toàn cầu về bảo vệ sở hữu trí tuệ, đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều công ty hàng đầu thế giới đặt trụ sở. Song cũng "chung cảnh" với Malaysia.
Theo ông Đặng Văn Tú, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn CMC, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại thị trường quốc tế, để giải quyết vấn đề này, nhiều công ty tại Singapore đã tìm đến Việt Nam nhằm thiết lập quan hệ hợp tác và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một thị trường khác cũng không nằm ngoài “cơn khát” là Thái Lan. Với tổng lượng sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin mỗi năm là khoảng 18.000 đến 20.000 người, “Tuy nhiên theo nghiên cứu của chúng tôi, hàng năm chỉ có khoảng 3.500 đến 4.000 trong số sinh viên tốt nghiệp trên tham gia vào ngành công nghiệp công nghệ thông tin”, vị giám đốc này cho biết.
Trong khi đó, ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ, với trung bình 50.000 sinh viên tốt nghiệp gia nhập thị trường mỗi năm. Nguồn nhân lực dồi dào, cùng với trình độ chuyên môn ngày càng được khẳng định, đã giúp các kỹ sư công nghệ Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước mà còn vươn xa, chinh phục những tiêu chuẩn quốc tế khắt khe để mở rộng sang các thị trường toàn cầu.
Chủ tịch kiêm nhà đồng sáng lập FPT, ông Trương Gia Bình, từng nhấn mạnh: “Giá trị lớn nhất của Việt Nam chính là nguồn nhân lực”. Việt Nam ngày càng thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu nhờ vào những thành tựu vượt trội, đặc biệt trong lĩnh vực toán học. Ông cho rằng: “Người ta ghi nhận Việt Nam là một dân tộc thích học toán và học toán, và đấy là những điều vượt trội của Việt Nam”.
Chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, trong một lần trao đổi với VnEconomy, cũng cho rằng: "Người Việt Nam vốn dĩ học rất giỏi toán và đây là lợi thế quan trọng để người Việt tiếp cận với công nghệ cao”.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thẳng thắn, số lượng nhân lực công nghệ của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng dân số, trong khi tiềm năng từ lĩnh vực công nghệ là rất lớn đối với Việt Nam. Nhiều nghiên cứu dự báo rằng, nếu giữ nguyên tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực hiện tại, Việt Nam có thể cũng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt "lao động công nghệ" trong tương lai.
Dù vậy, trong năm đến mười năm tới đây, với những chính sách thúc đẩy phát triển tài năng công nghệ từ Chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực cao như bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo, quy mô nhân sự trong lĩnh vực công nghệ được nhiều chuyên gia dự báo không chỉ tăng về chất mà còn cả về lượng.
Một ví dụ điển hình là Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đã được Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/9/2024. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư từ ngân sách để xây dựng các phòng thí nghiệm bán dẫn cho 18 trường đại học, tạo cơ hội đào tạo chuyên sâu cho sinh viên. Bên cạnh đó, 1.300 giảng viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp sẽ được huấn luyện chuyên môn nhằm nâng cao năng lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Thậm chí, để thu hút lực lượng lao động trẻ và các tài năng tham gia phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ Tài chính còn đang lấy ý kiến cho dự thảo đề xuất quy định về giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao làm việc tại các doanh nghiệp, dự án lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao.