Việt Nam đã sản xuất thử nghiệm lô vaccine Covid-19 Sputnik-V đầu tiên
Ngày 21/7, truyền thông nhà nước Nga dẫn thông báo của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) về việc Việt Nam đã sản xuất lô vaccine Covid-19 Sputnik-V thử nghiệm đầu tiên do Nga nghiên cứu phát triển. Công ty đối tác VABIOTECH bên phía Việt Nam đã xác nhận thông tin này.
Các mẫu của lô vaccine thử nghiệm này sẽ được vận chuyển về Trung tâm Gamaleya tại Nga để kiểm tra chất lượng, Reuters dẫn tuyên bố chung ngày 21/7 của RDIF và Vabiotech.
“RDIF và Vabiotech đang tích cực hợp tác trong quá trình chuyển giao công nghệ để người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận Sputnik V hơn”, CEO của RDIF nói, theo TASS.
“Chúng tôi rất vinh hạnh được hợp tác với RDIF để đưa Sputnik V tới Việt Nam nhằm chống lại đại dịch. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác giữa RDIF và Vabiotech sẽ giúp cung cấp vaccine ngừa Covid-19 chất lượng và hợp giá tiền cho Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác”, Chủ tịch Vabiotech Đỗ Tuấn Đạt cho biết.
Trước đó, ngày 28/6, Vabiotech cho biết công ty này đã chính thức tiếp nhận lô bán thành phẩm vaccine Sputnik và sẵn sàng cho hoạt động gia công, đóng ống, đóng gói vaccine tại Việt Nam. Nếu những lô vaccine đầu tiên đáp ứng được kiểm định chất lượng, Vabiotech sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng để chính thức trở thành đơn vị gia công, đóng ống vaccine Sputnik V với quy mô lớn tại Việt Nam.
Vaccine Sputnik V do Nga phát triển.
Vaccine Sputnik V của Nga là loại vaccine ngừa Covid-19 tiêm 2 liều.
Bộ Y tế đã phê chuẩn vaccine Covid-19 Sputnik-V của Nga vào ngày 23/3 vừa qua.
Vaccine Sputmik V được cấp phép khẩn cấp mà chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ 3, một giai đoạn hết sức quan trọng trong việc cấp phép vaccine. Tuy nhiên, nhà chức trách Nga tuyên bố, các thử nghiệm cho thấy, vaccine Sputnik V có hiệu quả lên đến 91,6% và không có biến chứng nặng sau khi tiêm.
"Chúng tôi đã so sánh phản ứng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine và phản ứng miễn dịch của những người mắc bệnh. Kết quả cho thấy, kháng thể ở những người được tiêm vaccine cao hơn ở những người mắc bệnh", bà Inna Dolzhikova - Nhà nghiên cứu Viện Gamaleya, Nga nói.
Hồng Ngọc (T/h)