Việt Nam góp mặt 6 doanh nghiệp trong Top 50 công ty bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á năm 2020
6 doanh nghiệp Việt Nam lọt danh sách Top 50 công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ khu vực Đông Nam Á 2020 gồm Thế Giới Di Động, Saigon Co.op, FPT Corp, Masan Corp, Pico SJC và Cao Phong LTD.
Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu Euromonitor International, Việt Nam có 6 doanh nghiệp lọt danh sách Top 50 công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ khu vực Đông Nam Á 2020. Cụ thể gồm: Thế Giới Di Động, Saigon Co.op, FPT Corp, Masan Corp, Pico SJC và Cao Phong LTD.
Trong đó, chỉ duy nhất Thế Giới Di Động lọt Top 100 công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2020. Thế Giới Di Động ghi nhận tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đạt 4.474 triệu USD, tăng khoảng 2% so với năm 2019 (đạt 4.387 triệu USD), xếp vị trí 70 trong bảng xếp hạng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng khu vực Đông Nam Á.
Còn Saigon Co.op ghi nhận GMV đạt 1.576 triệu USD, tăng khoảng 3,5% so với năm 2019 (đạt 1.522 triệu USD), xếp vị trí 20 trong bảng khu vực Đông Nam Á. FPT ghi nhận GMV đạt 912 triệu USD, tăng khoảng 2,35% so với năm 2019 (đạt 891 triệu USD), xếp vị trí 24.
Việt Nam có 6 doanh nghiệp lọt danh sách Top 50 công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ khu vực Đông Nam Á 2020.
Masan, Pico và Cao Phong, ba công ty có GMV lần lượt đạt 853 triệu USD (vị trí 30), 497 triệu USD (vị trí 44) và 454 triệu USD (vị trí 49).
Theo nhận định từ Euromonitor International, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, Việt Nam đã quản lý tốt sự lây lan và tác động của dịch COVID-19. Trong những ngày giãn cách xã hội toàn quốc, tất cả cửa hàng đều phải đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng bán lẻ tạp hóa.
Tuy nhiên, sự sụt giảm của du lịch dẫn đến doanh số bán lẻ ở một số kênh như quần áo, giày dép và làm đẹp giảm mạnh. COVID-19 cũng tác động đến nền kinh tế Việt Nam về mặt tài chính. Người tiêu dùng do dự khi chi tiêu cho các sản phẩm không phải hàng tạp hóa và chủ yếu mua nhu yếu phẩm, điều này khiến hầu hết các kênh hàng tạp hóa ghi nhận mức tăng trưởng nhanh vào năm 2020.
Các nhà bán lẻ cũng tìm cách tăng cường chiến lược đa kênh để nâng cao hình ảnh thương hiệu của họ. Đơn cử như Chương trình "Ủng hộ nông sản Việt" là sự hợp tác giữa Saigon Co.op và Công ty thanh toán di động Momo để giúp nông dân bán vải Việt Nam thông qua nền tảng ví điện tử Momo.
Doanh số thương mại điện tử (TMĐT) cũng được thúc đẩy nhờ yếu tố tiện lợi và nguy cơ lây truyền virus thấp hơn. Tại Việt Nam, các chương trình khuyến mãi trực tuyến, chẳng hạn như Black Friday, 11/11 hoặc 10/10 rất phổ biến, các đơn vị TMĐT cũng giới thiệu các nền tảng phát trực tiếp để tăng lưu lượng truy cập trang web và sự tham gia của người tiêu dùng.
Trong tương lai, ngành bán lẻ ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng giá trị trước đại dịch. Nhiều người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiêu cho các mặt hàng không phải hàng tạp hóa nếu có triển vọng kinh tế tích cực.
Doanh số bán lẻ theo cửa hàng được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu TMĐT sẽ được hỗ trợ bởi người tiêu dùng quay trở lại công việc bình thường của họ và đánh giá sự tiện lợi tiết kiệm thời gian và công sức khi mua sản phẩm thông qua ứng dụng hoặc trang web TMĐT.
Báo cáo của Euromonitor International cũng cho biết Tokopedia (Indonesia) và SEA group (Singapore) trở thành một trong trong số các công ty bán lẻ hàng đầu ở Đông Nam Á. Hai công ty có GMV lần lượt là 11.683 triệu USD, đứng hạng đầu trong bảng xếp hạng Đông Nam Á, và 8.739 USD, đứng hạng ba.
Phương Mai (t/h)