Việt Nam sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ chế biến sâu đất hiếm
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam.
Đây là một trong nhiều giải pháp nhằm tận dụng tiềm năng đất hiếm được Bộ Khoa học và Công nghệ nêu tại công văn số 192 do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ký hôm 19/1. Công văn này trả lời kiến nghị của cử tri đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cử tri TP HCM đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm đầu tư cho lĩnh vực công nghệ điện tử, sản xuất chất bán dẫn từ đất hiếm vì "Việt Nam đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, đây là một tiềm lực lớn về kinh tế".
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Hoàng Phong
Việt Nam đã xây dựng chính sách phát triển sản phẩm vi mạch, chất bán dẫn. Trong đó, nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định "phát triển công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo" trong phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Đối với nguồn tài nguyên đất hiếm, Việt Nam được cho là có trữ lượng thứ hai thế giới. Các cơ chế, chính sách về thăm dò, khai thác, chế biến sâu đất hiếm có trong các cơ chế chính sách về địa chất, khoáng sản, như Nghị quyết TƯ số 10 ban hành tháng 2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, tổng trữ lượng đất hiếm trên thế giới khoảng 120 triệu tấn ,trong đó Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (khoảng 44 triệu tấn). Trữ lượng đất hiếm lớn nhưng việc khai thác, chế biến và sử dụng hiện nay của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, theo Bộ Khoa học và Công nghệ. Đến nay Việt Nam chưa có nhà máy chế biến quặng đất hiếm thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (với hàm lượng tổng oxit đất hiếm phải đạt tối thiểu gần 95%)
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thông qua triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trong nước chủ yếu dừng ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được các doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng vào thực tế sản xuất quy mô lớn gắn với việc khai thác quặng đất hiếm từ các mỏ được cấp phép. Việc chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn cũng gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi quy mô đầu tư lớn, các nước giữ bí mật, hạn chế chuyển giao công nghệ.
17 loại đất hiếm đã được Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam phân tách. Ảnh: Gia Chính
Theo đó, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất chất bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm tại Việt Nam. Khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện, trường liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm.
Triển khai hiệu quả các chương trình nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia đã phê duyệt. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm. Đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến công nghệ sản xuất chất bán dẫn từ nguồn đất hiếm trong nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ quy mô lớn, gắn với dự án đầu tư của doanh nghiệp khai thác, chế biến sâu đất hiếm đủ điều kiện làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất điện tử, chất bán dẫn trong và ngoài nước.
Hợp tác với các nước chuyển giao công nghệ bán dẫn, khai thác và chế biến sâu đất hiếm, ưu tiên các quốc gia có công nghệ lõi, sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam.
Trước đó tại hội nghị tổng kết năm 2023, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định trong năm 2024, ngành khoa học công nghệ tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là năm "tăng tốc, bứt phá" thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung các bộ luật: Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Khoa học và công nghệ; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử. 4 nghị định sẽ được sửa đổi bổ sung, tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ.a
Theo Báo Điện tử VnExpress
(https://vnexpress.net/viet-nam-se-thuc-day-chuyen-giao-cong-nghe-che-bien-sau-dat-hiem-4709394.html)