Việt Nam và Vương quốc Anh hợp tác lĩnh vực khí hậu, chuyển dịch năng lượng và thị trường carbon

10:21, 26/10/2024

Việc ký kết Bản ghi nhớ là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh ở lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, với các nội dung chính về chuyển dịch năng lượng công bằng, bảo tồn đa dạng sinh học, thị trường carbon...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa tiếp và làm việc với bà Catherine West, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh, đồng thời hai bên ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực môi trường và khí hậu.

Ông Thành cho rằng bản ghi nhớ sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững, trong khi Vương quốc Anh chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật. Bản ghi nhớ cũng góp phần vào mục tiêu toàn cầu về phát thải ròng bằng 0 và thực hiện các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris và Mục tiêu Phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh, ký kết Bản ghi nhớ trong lĩnh vực môi trường và khí hậu.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là sự đồng hành của Vương quốc Anh trên hành trình thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bàn về việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), ông Thành đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Vương quốc Anh trong vai trò đồng chủ trì JETP và khoản tài trợ 1,5 triệu bảng Anh cho Ban Thư ký JETP của Chính phủ Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bền vững.

Sau hội nghị COP28, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã cùng các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện Khung giám sát, đánh giá; phân công thực hiện hành động chính sách và đề xuất dự án ưu tiên thực hiện JETP từ năm 2024 và đang xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương triển khai các dự án ưu tiên theo đúng quy định hiện hành, phù hợp với lợi ích và an ninh quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nhanh quá trình chuyển Ban thư ký JETP từ Bộ Tài nguyên và Môi trường sang Bộ Công Thương.

Theo ông Thành, thời gian tới bước sang giai đoạn thực hiện JETP, giữa Việt Nam và các đối tác cần có các dự án thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và nếu cần thiết có thể sửa các quy định pháp luật để việc triển khai các dự án thuận lợi, đáp ứng mong đợi của các đối tác phát triển cũng như của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, bà Catherine West nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Việt- Anh trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, dự báo và phòng ngừa thiên tai. Trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa hai bên, bà Catherine West đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long và nuôi trồng thủy hải sản.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Việt Nam có nền kinh tế mở, rất quan tâm đến phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đây là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi quyết tâm chuyển dịch nền nông nghiệp có sức chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đối với ngành thủy sản, Việt Nam đang cố gắng để giảm bớt đánh bắt tự nhiên, chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhiều hơn. Thứ trưởng đề nghị Vương quốc Anh quan tâm nhiều hơn đến các lĩnh vực này.

Bà Catherine West khẳng định, Vương quốc Anh tiếp tục là đối tác tin cậy đồng hành cùng Việt Nam phát triển xanh. Dư địa hợp tác giữa hai bên rộng mở, dựa trên nền tảng hợp tác trước đó như hỗ trợ Việt Nam gia nhập JETP, phát triển năng lượng sạch, tài chính xanh, chuyển đổi số trong các lĩnh vực giao thông và năng lượng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam còn phối hợp với Vương quốc Anh để bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Vương quốc Anh cũng hỗ trợ Việt Nam qua các sáng kiến liên quan đến năng lượng carbon thấp, bảo vệ động vật hoang dã, và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua việc tái chế và giảm thiểu chất thải. Những hoạt động này góp phần nâng cao năng lực quốc gia của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.