Việt Nam - EU đẩy mạnh hợp tác trong hành trình kiến tạo tương lai xanh
Trong khôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024), Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết EU sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đem đến các khoản đầu tư chất lượng, hướng đến xây dựng khu vực trung hòa carbon vào nằm 2050…
Sáng 21/10 tại TP.HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024).
Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Cùng các đại diện phía châu Âu như: ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC); ông Ville Tavio, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan; bà Inga Ziliene, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Cộng hòa Lithuania;…
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, Ủy ban châu Âu cùng với các đại biểu cắt băng khai mạc Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 - Ảnh EuroCham.
Đẩy mạnh hợp tác trong phát triển bền vững
Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Margaritis Schinas, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), khẳng định: “Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác này. EU là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam với số vốn FDI hơn 28 tỷ USD vào năm ngoái”.
Tuy nhiên, với những biến động trên thế giới, Việt Nam và EU đứng trước nhiều thách thức. Sử dụng một câu tục ngữ Việt Nam, “Cái khó ló cái khôn” với ý nghĩa rằng nghịch cảnh tạo ra sự sáng tạo, ông Margaritis Schinas nhấn mạnh: “Thời điểm chuyển đổi xanh đầy thử thách, nhưng chính trong những lúc như thế, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho thế hệ mai sau”.
EU cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc đem đến các khoản đầu tư chất lượng, hướng đến xây dựng khu vực trung hòa carbon vào nằm 2050. |
Đồng thời, ông Margaritis Schinas cho rằng đến năm 2050, châu Âu nỗ lực cùng Việt Nam trở thành khu vực trung hòa carbon. “Chúng tôi không thể thực hiện điều đó một mình, mà cần phải có các đồng minh, đối tác hỗ trợ như Việt Nam”, Chủ tịch EC chia sẻ.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những ví dụ về câu chuyện hợp tác bền vững cũng như hướng đến các mục tiêu bền vững toàn cầu của châu Âu. Sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu mang đến giá trị phát triển xanh cũng như trung hoà carbon.
Trước đó, trong buổi tiếp Phó chủ tịch EC trong khuôn khổ GEFE 2024, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh EU là một trong những đối tác thương mại, đầu tư và ODA quan trọng hàng đầu của Việt Nam, còn Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khuôn khổ hợp tác đầy đủ với EU.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sau 4 năm thực thi, đã tạo động lực mới cho sự tăng trưởng thương mại đáng kể giữa Việt Nam và EU cũng như củng cố tăng trưởng đầu tư của EU vào Việt Nam. Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng hợp tác đầu tư giữa chúng ta với tiềm năng lớn chưa được khai thác sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực”, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Đồng thời, Phó thủ tướng đề nghị EU duy trì nguồn vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam giai đoạn 2024 - 2027, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng tái tạo, phát triển thị trường tín chỉ carbon, thực hiện CBAM, thủy sản bền vững, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng chiến lược...; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận Chương trình Horizon Europe về đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai bên đã và đang quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu; những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét và được đặc biệt quan tâm. Điều này đóng góp quan trọng cho sự phát triển một cách ổn định, bền vững của cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và EU.
TP.HCM giữ vững vai trò tiên phong
Riêng với TP.HCM, một trong những địa phương đi đầu về thu hút FDI, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Thành phố cũng đang tái cơ cấu mạnh mẽ để theo đuổi phát triển xanh, thực hiện mục tiêu giảm phát thải vào năm 2030.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, phát biểu tại Diễn đàn.
TP.HCM với dân số trên 10 triệu dân, đóng góp 16% GDP và trên 26% thu ngân sách quốc gia, là địa phương thu hút FDI lớn nhất tại Việt Nam. “Tuy nhiên, Thành phố đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, có phát thải cao, đang thách thức mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm”, ông Mãi nhìn nhận.
Vì vậy, TP.HCM đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, tiến hành chuyển đổi công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thành phố cũng là địa phương tiên phong thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26, trước mắt, tập trung thực hiện mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết Thành phố đang xây dựng chính sách chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp và một số ngành như xây dựng, sản xuất, thương mại-tiêu dùng.
Đồng thời, tìm kiếm nguồn vốn để phát triển hạ tầng xanh (nhất là hạ tầng năng lượng, cấp nước) cũng như hỗ trợ cho các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát - xử lý nước thải, rác thải, khí thải. Kỳ vọng GEFE 2024 sẽ giúp có thêm thông tin, kinh nghiệm để thúc đẩy tăng trưởng xanh và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Dưới góc độ nghiệp châu Âu tham dự triển lãm, GS. TS. Andreas Kaplan - Hiệu Trưởng Kuehne Logistics University (KLU) cho biết với tư cách là đối tác giáo dục đây là một cơ hội tuyệt vời để nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM.