Vĩnh Phúc cần chú trọng bồi dưỡng, ủng hộ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung

10:40, 07/11/2021

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng mong muốn Vĩnh Phúc cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, ủng hộ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ngày 6/11, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có buổi làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng dự có đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận và đánh giá cao kết quả của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì bảo đảm sản xuất - kinh doanh nhất là tại khu công nghiệp của tỉnh; là một trong 5 địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh; Vĩnh Phúc là địa phương giàu ý tưởng sáng tạo, có sự đồng thuận cao, nhất là trong thực hiện "mục tiêu kép". Những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực thể hiện sự nhất quán trong tận dụng lợi thế, xác định chương trình hành động, nguồn lực để thực hiện nhằm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định cuộc sống người dân, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư...

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu phải ủng hộ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, ban hành nghị quyết kèm theo cũng như mạnh dạn thực hiện thí điểm.

Đồng tình với những đề án mà Vĩnh Phúc triển khai đặc biệt là đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đề án tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý tỉnh cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ nhất là về lập trường, bản lĩnh, khuyến khích cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thích ứng với tình hình mới.

Khẳng định Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện để Vĩnh Phúc nâng cao chất lượng cán bộ đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu, để sớm hoàn thành mục tiêu là trường chính trị chuẩn, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc cần nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật đặc biệt là trình độ của giảng viên cũng như khắc phục tình trạng lười, ngại học lý luận chính trị của học viên.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Tỉnh đã thực hiện một loạt các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp qua đó, tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế và trong nước tin tưởng, lựa chọn như một điểm đến an toàn, tin cậy.

Kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng chống dịch là tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 tăng 14,21%, cao thứ 3 toàn quốc, tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây. 9 tháng năm 2021, tăng trưởng đạt 9,62% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 4 cả nước đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. 

Quang cảnh buổi làm việc 

Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, sản xuất toàn ngành công nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng với mức tăng 10,68% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng, toàn tỉnh đã thu hút được 80 dự án trong đó, 32 dự án DDI (20 dự án cấp mới, 12 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 16.365 tỷ đồng, tăng 110,29%; 54 dự án FDI (29 dự án cấp mới, 25 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 994 triệu USD, tăng 122,73% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến ngày 31/10 (không tính hoàn thuế) đạt 27.694 tỷ đồng, đạt 90% dự toán, tăng 26% so với cùng kỳ.

Thực hiện Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã tập trung cụ thể hoá các bước trong quy trình thực hiện các nội dung đổi mới, sáng tạo, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả các nội dung đổi mới, sáng tạo; hướng xử lý đối với cơ quan, đơn vị, các cá nhân sau khi có kết quả thực hiện các nội dung đổi mới, sáng tạo. Tuy nhiên, dự báo sẽ phát sinh những vướng mắc như: việc những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung bị kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn ám ảnh khiến cán bộ không dám sáng tạo vì sợ sai, sợ trách nhiệm; chưa có hành lang pháp lý để khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách cũng như chưa có hướng dẫn, tiêu chí cụ thể làm cơ sở để đề xuất, khen thưởng, miễn giảm trách nhiệm hay xử lý kỷ luật...

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Vĩnh Phúc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Xây dựng trường chính trị tỉnh theo hướng đồng bộ, hệ thống, khoa học, chuẩn mực, có thể chế đồng bộ; có đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn, đủ phẩm chất, năng lực, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nâng lên; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chất lượng, hiệu quả đóng góp tích cực trong hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương; môi trường văn hoá trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu; cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính đồng bộ, hiện đại. Xây dựng trường chính trị chuẩn vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để tương xứng với vị trí, vai trò, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Bí thư xác định, phấn đấu hoàn thành trường chính trị chuẩn mức 1 vào năm 2023 và đạt chuẩn mức 2 vào năm 2027.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thực hiện đột phá công tác đào tạo, bồi dưỡng, trong đó ngoài những nội dung đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên sẽ tập trung đào tạo phấn đấu 100% cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có ít nhất 02 bằng đại học hoặc có trình độ chuyên môn từ thạc sỹ trở lên; 80% cán bộ lãnh đạo quản lý dưới 50 tuổi, 100% cán bộ là đạo quản lý dưới 40 tuổi có trình độ thạc sỹ trở lên. 100% các chức danh chủ chốt cấp xã có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; mở 10 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh, cấp huyện, 04 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ lãnh đạo...

Theo/dangcongsan.vn