Chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

09:30, 15/07/2021

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, việc hạn chế tập trung đông người để phòng tránh dịch bệnh đã kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo để thích ứng với đại dịch đã được triển khai mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả tích cực. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các trường phổ thông… đã dần chuyển đổi số, từ dạy học tập trung sang dạy học trực tuyến, số hóa bài giảng và tài liệu học tập, sử dụng công nghệ số để quản lý người học, quản lý chất lượng đào tạo. Tuy nhiên trong giảng dạy lý luận chính trị thì chuyển đổi số vẫn là điều mới mẻ với nhiều cơ sở đào tạo.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chú trọng đầu tư trang thiết bị công nghệ cao phục vụ chuyển đổi số (nguồn ảnh: hcma.vn)

Sáng ngày 14/6/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng trực tuyến các lớp tập huấn giáo trình trung cấp lý luận chính trị dành cho giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ các trường Chính trị cho biết: Đây là đợt tập huấn dài ngày nhất và có quy mô lớn nhất của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từ trước đến nay. Các lớp học sẽ diễn ra từ ngày 14/6 đến 27/7/2021, với hơn 755 giảng viên từ khắp mọi miền Đất nước cùng tham dự. Để mở được lớp học quy mô lớn như vậy là nhờ học trực tuyến bằng công nghệ cầu truyền hình từ Học viện đến tất cả các trường chính trị ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường cán bộ của các bộ, ngành đoàn thể Trung ương. 

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tổ chức lớp tập huấn giáo trình mới cho hệ thống các trường chính trị theo hình thức cầu truyền hình trực tuyến là cần thiết “nhằm kịp thời cung cấp những nội dung mới trong chương trình và giáo trình Trung cấp lý luận chính trị.” - PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết.

Được biết từ năm 2020 đến đầu năm 2021 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã bắt đầu triển khai dạy học trực tuyến ở một số lớp đào tạo. Đặc biệt từ đợt bùng phát thứ tư của dịch Covid-19 tại Việt Nam vào tháng 5/2021, hình thức trực tuyến được đẩy mạnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Để triển khai đồng bộ, Học viện đã trú trọng đầu tư ngân sách cho nội dung chuyển đổi số với nhiều hạng mục như nâng cấp trang web, xây dựng thư viện số, thư viện điện tử, mua sắm trang thiết bị cầu truyền hình, lắp đặt hệ thống mạng dành riêng cho cầu truyền hình, mua bản quyền phần mềm microsoft teams, tập huấn cho giảng viên… để phục vụ cho công các dạy và học trực tuyến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Cầu truyền hình giúp mở rộng quy mô các lớp tập huấn, bồi dưỡng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nguồn ảnh: hcma.vn)

Hiện nay, tất cả các lớp đào tạo Cao cấp Lý luận chính trị, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số hiện đại, bảo mật. Cùng với đó, học viện cũng đẩy mạnh sử dụng hình thức trực tuyến trong tổ chức các hội thảo khoa học, hội nghị để đảm bảo yêu cầu vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chị Nguyễn Thị Cường, học viên lớp Thạc sĩ Chính trị học K27 cho biết: từ đầu tháng 5 đến nay do dịch Covid-19 bùng phát trở lại chúng tôi được Học viện triển khai học tập qua hình thức trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams. Sau hơn 1 tháng học trực tuyến tôi thấy hình thức này có nhiều ưu điểm như việc học tập không bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, giúp học viên giảm thiểu chi phí đi lại, ăn ở, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập, người học có thể học ở mọi nơi chỉ cần có thiết bị kết nối mạng internet.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, để đảm bảo vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trên cơ sở đề xuất của các trường chính trị. Ngày 13 tháng 5 năm 2021 Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 494-CV/HVCTQG về việc “Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các trường chính trị cấp tỉnh”, cho phép và hướng dẫn các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giảng dạy, quản lý đào tạo bằng hình thức trực tuyến. 

Thực hiện chủ trương đào tạo trực tuyến của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, BGH trường Chính trị tỉnh Lào Cai đã thống nhất cao và tổ chức triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến trong điều kiện tình hình Covid-19 vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Bam Giám hiệu đã thận trọng trong chỉ đạo, tiến hành từng bước để đảm bảo chất lượng cho giảng dạy trực tuyến vì từ trước đến nay chưa thực hiện loại hình đào tạo này.

TS Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Lào Cai cho biết: Để dạy học trực tuyến trước tiên BGH nhà trường làm tờ trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về giảng dạy trực tuyến, chỉ đạo xây dựng và ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tạo cơ sở và hành lang pháp lý để thực hiện. Nhà trường mời chuyên gia CNTT về tập huấn cho đội ngũ giảng viên trong toàn trường về làm chủ kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tuyến bởi 100% giảng viên đều chưa biết về giảng dạy trực tuyến. Sau đó BGH lựa chọn và yêu cầu 3 đồng chí giảng viên soạn giáo án và giảng thử để tổ chức rút kinh nghiệm. Khi triển khai trên quy mô toàn trường BGH yêu cầu các khoa tổ chức nghe giảng cho 100% giảng viên trong khoa với phương châm trước khi lên lớp thực giảng đã được khoa dự giảng và góp ý ít nhất một lần.

Cùng với đó, trước khi thực hiện chính thức trên lớp giáo viên chủ nhiệm được giao nhiệm vụ khảo sát điều kiện, trang thiết bị học tập của học viên và báo cáo BGH để quyết định có giảng dạy trực tuyến hay không đối với từng lớp học. Với những lớp BGH cho phép dạy học trực tuyến giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm tập huấn cho học viên, thiết kế lớp học và quán triệt quy chế dạy học trực tuyến của Trường để học viên làm quen với cách học trực tuyến.

Đây là hình thức học tập mới nên việc quản lý học viên cũng là vấn đề phải băn khoăn, trăn trở. BGH nhà trường đã quan tâm chỉ đạo sát sao vấn đề này, theo đó mỗi buổi lên lớp của giảng viên sẽ có đồng chí trong BGH, lãnh đạo phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, giáo viên chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm lớp có thể tham gia để quản lý lớp học. Với cách chỉ đạo và tổ chức thực hiện như trên, trong thời gian từ 25/5 đến nay, Trường đã tổ chức giảng dạy trực tuyến ở 15 lớp và thời gian tháng tới tiếp tục triển khai diện rộng đối với các lớp còn lại đảm bảo đủ điều kiện thực hiện. Hiện trường Chính trị tỉnh Lào Cai đang dạy học trực tuyến bằng phần mềm Microsoft Teams.

TS Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Lào Cai giảng dạy trực tuyến chương trình Trung cấp LLCT-HC.

Bên cạnh giảng dạy trực tuyến, nhiều hoạt động trong quản lý, điều hành phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cũng được trường Chính trị tỉnh Lào Cai đẩy mạnh chuyển đổi số. TS Nguyễn Thị Vân Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường trao đổi thêm: Từ năm 2018, nhà trường đã chính thức khai trương và vận hành Cổng TTĐT phục vụ hoạt động khai thác thông tin đảm bảo nhanh, kịp thời, chính xác đến cán bộ, giảng viên và học viên. Hệ thống wifi phủ sóng toàn bộ khu nhà làm việc, khu Ký túc xá giúp việc khai thác thông tin trên Internet diễn ra thuận tiện. Bên cạnh đó là hệ thống các phần mềm phục vụ nghiệp vụ kế toán, tài chính, phần mềm quản lý văn bản liên thông 4 cấp VNPT I-Office, hệ thống hòm thư công vụ, chữ ký số, hệ thống camera an ninh, máy chiếu, camera tại các phòng học được lắp đặt sử dụng… đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý học viên, bảo đảm an ninh, an toàn của cơ quan.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia nếu muốn phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh nội dung chuyển đổi số để Việt Nam bắt kịp với xu thế chung của thời đại “Xác định nội dung cốt lõi, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số”. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đề ra mục tiêu “Chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Nội dung về chuyển đổi số được nhấn mạnh trong nhiều văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, như trong Báo cáo chính trị, Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025. Vấn đề chuyển đổi số được đề cập nhiều lần, về nhiều nội dung, ở nhiều phần khác nhau trong mỗi văn kiện đại hội, liên quan đến những lĩnh vực khác nhau. Và lĩnh vực giáo dục – đào tạo, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị không thể nằm ngoài cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Trong hệ thống các trường chính trị trên cả nước, việc chuyển đổi số đã được nhiều trường chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tiêu biểu như: Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh, Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An, Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, Trường Chính trị tỉnh Hòa Bình, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang…

Lợi ích từ việc chuyển đổi số trong hệ thống các trường chính trị, các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là rất lớn giúp không chỉ tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm thời gian mà góp phần vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tuy nhiên chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị là bài toán lâu dài, đòi hỏi cấp ủy, ban lãnh đạo các cơ sở đào tạo cần quyết tâm cao, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi.

Trương Huy - Văn Kiều