Số hóa – chìa khóa thúc đẩy năng suất trong kỷ nguyên mới
Số hóa đang ngày càng được nhìn nhận như một yếu tố cốt lõi, đóng vai trò quyết định trong nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ số. Trong thời đại mà đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ là động lực phát triển then chốt, số hóa được xem là chìa khóa mở ra cơ hội để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị vượt trội.
Trong một thập kỷ qua, năng suất lao động ở nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và phần lớn châu Âu đã tăng trưởng chậm lại. Theo thống kê, năng suất của Vương quốc Anh thấp hơn 16% so với mức trung bình của nhóm G7. Một công nhân Anh trung bình tạo ra ít hơn 10% giá trị so với công nhân Ý, gần 30% so với công nhân Pháp hoặc Mỹ và kém hơn 30% so với một công nhân Đức trong cùng một giờ làm việc. Thực trạng này cho thấy nghịch lý: dù công nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ, năng suất vẫn dậm chân tại chỗ.

Số hóa được xem là yếu tố mang tính chiến lược, đóng vai trò then chốt thúc đẩy năng suất lao động thông qua việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận hành.
Năng suất được đo bằng công thức cơ bản: giá trị được tạo ra chia cho số giờ làm việc. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện năng suất bằng cách tinh gọn quy trình, loại bỏ lãng phí và tối ưu hóa hoạt động vận hành. Những sáng kiến này thường giúp làm việc hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian cho mỗi nhiệm vụ mà vẫn giữ nguyên giá trị tạo ra. Tuy nhiên, khi những cải tiến này đã đạt đến ngưỡng, hiệu quả mang lại bắt đầu giảm dần. Đó là lúc doanh nghiệp cần một cách tiếp cận mới – bền vững hơn và mang tính đột phá hơn.
Điều đáng chú ý là trong thời đại số, công nghệ có thể làm được nhiều hơn là chỉ tối ưu hóa các quy trình hiện tại. Khi được ứng dụng đúng cách, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp làm những điều trước đây không thể làm được – từ đó không chỉ giảm thời gian mà còn tăng giá trị tạo ra, tức là tập trung vào "tử số" trong phương trình năng suất.
Một ví dụ rõ ràng cho khả năng này là việc ứng dụng các giải pháp Internet of Things (IoT). Nhờ khả năng thu thập dữ liệu thời gian thực, IoT giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hoạt động sản xuất, tình trạng thiết bị, hành vi người tiêu dùng… Với các thông tin đó, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn và sáng tạo hơn trong cách tổ chức sản xuất, cung ứng, tiếp thị hay phát triển sản phẩm mới.
Không chỉ dừng lại ở việc tự động hóa, số hóa còn mở ra những khả năng kinh doanh hoàn toàn mới. Dữ liệu – khi được khai thác đúng cách trở thành “tài sản tiềm năng” vô cùng giá trị. Doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu để xây dựng các chiến lược tiếp thị cá nhân hóa, chia sẻ thông tin với chuỗi cung ứng nhằm tăng hiệu quả phối hợp, hay tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Bằng cách chuyển đổi từ phương thức thủ công sang hệ thống kỹ thuật số hiện đại, số hóa giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị lớn hơn với cùng một nguồn lực, từ đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hơn nữa, môi trường số còn tạo điều kiện cho việc kết nối và hợp tác dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới và xây dựng chuỗi giá trị theo những cách chưa từng có. Việc tích hợp các nền tảng kỹ thuật số và IoT vào hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với bối cảnh thay đổi nhanh chóng, mà còn tạo ra nguồn giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Tóm lại, trong bối cảnh mà các biện pháp cải tiến truyền thống không còn mang lại nhiều hiệu quả, số hóa chính là chìa khóa mở ra cánh cửa tăng trưởng năng suất bền vững. Đây không chỉ là cuộc đua về công nghệ mà còn là bài toán về tư duy chiến lược. Doanh nghiệp nào biết khai thác dữ liệu như một nguồn tài sản, biết ứng dụng công nghệ như đòn bẩy để tạo ra giá trị mới – doanh nghiệp đó sẽ là người dẫn đầu trong cuộc chơi năng suất của kỉ nguyên mới.