Dữ liệu vệ tinh trong giám sát thủy sản xa bờ: Cần có một cơ chế chia sẻ dữ liệu quốc gia
Trong bối cảnh nguồn lợi suy giảm, thời tiết biển ngày càng cực đoan và yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt từ thị trường quốc tế, việc quản lý và hỗ trợ khai thác xa bờ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm ngư dân hay báo cáo giấy tờ thủ công.
Câu trả lời nằm ở công nghệ dữ liệu vệ tinh nhưng đi kèm với nó, là một vấn đề lớn hơn: chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước và với người dân.
Dữ liệu vệ tinh có thể cung cấp những thông tin sống còn với nghề cá. Từ nhiệt độ mặt biển, độ trong nước, nồng độ chlorophyll-a (chỉ thị tảo phù du), dòng chảy, độ cao sóng, tốc độ gió – tất cả đều là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến phân bố đàn cá, sinh sản và di chuyển. Tại nhiều quốc gia có ngành thủy sản hiện đại, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, dữ liệu vệ tinh không chỉ dùng để cảnh báo thời tiết mà còn được tích hợp vào bản đồ ngư trường thông minh, hỗ trợ tàu cá chọn khu vực đánh bắt hiệu quả, giảm chi phí nhiên liệu, giảm đánh bắt tràn lan.
Ảnh minh họa
Ở Việt Nam, nhiều loại dữ liệu vệ tinh đã có, thậm chí khá đầy đủ. Các cơ quan như Viện Khoa học thủy lợi, Trung tâm Viễn thám quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Môi trường,… đều đang sở hữu các kho dữ liệu lớn. Nhưng vấn đề là, dữ liệu bị phân tán, không kết nối, không chia sẻ hoặc chia sẻ rất hạn chế, khiến việc xây dựng một hệ thống hỗ trợ khai thác thủy sản dựa trên công nghệ bị gián đoạn.
Một trong những bất cập lớn là chưa có cơ chế quốc gia về chia sẻ và sử dụng dữ liệu vệ tinh phục vụ khai thác biển. Dữ liệu tồn tại rải rác trong các hệ thống riêng biệt, định dạng không thống nhất, đơn vị quản lý có tâm lý giữ dữ liệu như tài sản nội bộ. Doanh nghiệp, hợp tác xã nghề cá, thậm chí cả các chi cục thủy sản địa phương đều khó tiếp cận, hoặc không biết dữ liệu đó tồn tại.
Trong khi đó, một ngư dân đi biển cần biết vùng nào có khả năng gặp luồng cá, thời tiết tại ngư trường thay đổi ra sao, khu vực nào cấm khai thác theo mùa, vùng nào dễ gặp sự cố sóng lớn. Tất cả những thông tin đó đều có thể hiển thị trên một bản đồ số tích hợp, với giao diện đơn giản, kết nối vệ tinh dẫn đường và cảnh báo thời gian thực. Nhưng nếu không có cơ chế chia sẻ dữ liệu mở, thì công nghệ vẫn sẽ chỉ nằm trên bàn làm việc của các viện nghiên cứu.
Việc xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu quốc gia về đại dương, trong đó có dữ liệu vệ tinh phục vụ thủy sản, cần được đưa vào các chính sách biển Việt Nam sắp tới. Cần có một nền tảng trung tâm tích hợp dữ liệu biển – tương tự như các hệ thống “marine data hub” của châu Âu hay Nhật Bản. Từ nền tảng này, các bản đồ số, mô hình dự báo và cảnh báo nghề cá có thể xây dựng dễ dàng, phục vụ cả quản lý nhà nước và cộng đồng ngư dân.
Không thể nói đến kinh tế biển bền vững nếu việc quản lý vẫn chỉ dựa vào báo cáo giấy và phản ánh muộn. Không thể hỗ trợ khai thác có trách nhiệm nếu không cho người dân tiếp cận dữ liệu họ cần để đi biển an toàn. Và không thể hình thành chuỗi thủy sản xanh nếu mỗi cơ quan giữ một mảnh dữ liệu mà không ai kết nối chúng thành một hệ sinh thái số.