Vĩnh Phúc đối thoại với doanh nghiệp về triển khai biện pháp cấp thiết phòng, chống dịch

21:23, 21/05/2021

Chiều 21/5, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức đối thoại trực tuyến với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất kinh doanh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Khóa XIV tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành chủ trì buổi đối thoại. Cùng dự có ông Vũ Chí Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành; một số doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp.

Trước làn sóng bùng dịch lần thứ tư từ ngày 30/4/2021 trở lại đây tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng triển khai các giải pháp ngăn chặn lây lan và kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ sở y tế trên địa bàn được vận hành lại chế độ trực chống dịch, khu cách ly tập trung được khởi động duy trì lại, tăng cường năng lực xét nghiệm cũng như tích cực tuyên truyền, kiểm tra, giám sát.

Quang cảnh buổi đối thoại.

Đáng chú ý, trước đó, ngày 6/5, UBND tỉnh đã nhanh chóng đề xuất và được HĐND họp bất thường ngày 16/5, đồng ý chi 342.174.800.000 đồng tổng mức kinh phí hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2022 cũng như hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công dân từ 18 tuổi trở lên, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên 6 tháng tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Đề xuất các giải pháp để bảo vệ thành quả trong phòng chống dịch, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp, lãnh đạo một số sở, ban, ngành cho rằng: Bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh cần cho dừng việc di chuyển cơ học số lao động từ các tỉnh vào Vĩnh Phúc, nhất là từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên về Vĩnh Phúc và ngược lại.

Cùng với đó, tạm dừng xe đưa đón công nhân từ các tỉnh vào Vĩnh Phúc và chỉ cho các xe hợp đồng đưa đón công nhân nội tỉnh hoạt động. Các công ty cần bố trí chỗ ăn ở cho các chuyên gia ở lại tỉnh hoặc làm việc online; tạm dừng tuyển lao động mới ngoại tỉnh…

Thể hiện sự nhất trí cao với các biện pháp phòng chống dịch tỉnh đã và đang triển khai, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ luôn ủng hộ và tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng chống dịch, nhất là việc tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 100% công nhân, lao động, chuyên gia trong các khu công nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, nhân dịp này, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để ổn định sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động; đi lại làm việc của các chuyên gia, người nước ngoài; lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành, nhất là với các địa phương có dịch bệnh.

Các doanh nghiệp mong muốn, Vĩnh Phúc sớm triển khai tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân; có các hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện cách lý y tế đối với các chuyên gia; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng xe đưa đón công nhân lao động ngoại tỉnh hoặc có các giải pháp hỗ trợ cụ thể giúp các doanh nghiệp khắc phục được tình trạng thiếu lao động khi tỉnh dừng việc thực hiện di chuyển lao động từ các địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các doanh nghiệp chấp hành tuyệt đối các quy định của Chính phủ, của tỉnh trong công tác phòng chống dịch; chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong công tác phòng chống dịch, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tỉnh sẽ có biện pháp cụ thể để kiểm soát việc này.

Về các nội dung cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành và ý kiến chung của các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu đối với các chuyên gia đang làm việc tại Vĩnh Phúc ở Hà Nội, doanh nghiệp phải cam kết có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong 3 ngày thì thường xuyên được di chuyển từ Hà Nội về Vĩnh Phúc. Các chuyên gia ngoài địa bàn Hà Nội đề nghị ở lại tỉnh để thực hiện việc kiểm soát dịch, tỉnh sẽ giới thiệu địa chỉ các khách sạn phù hợp nhất và có hỗ trợ giá.

Đối với lao động ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang nếu tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì dứt khoát phải ở lại trong tỉnh. Ngoài ra, các lao động ngoài vùng dịch, tỉnh sẽ bố trí chỗ ở miễn phí cho người lao động.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại buổi đối thoại.

Về lưu thông hàng hóa, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, tỉnh sẽ có các buổi làm việc cụ thể với các tỉnh, thành để tháo gỡ các vướng mắc trong việc thông quan hàng hóa. Lái xe, người đi cùng xe chở hàng phải có kết quả âm tính trong 3 ngày mới được đi vào khu công nghiệp. Các xe đi từ các khu công nghiệp phải được phun khử khuẩn, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

“Trong lúc khó khăn này, chúng ta càng phải quan tâm đến doanh nghiệp, người lao động. Tỉnh không yêu cầu doanh nghiệp nào phải ngừng tuyển lao động nhưng các doanh nghiệp cần ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ để bảo đảm an toàn công tác phòng dịch. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cung ứng nguồn lao động”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

 Minh Phương (t/h)