Vĩnh Phúc: Kế hoạch thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021- 2025
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung văn hóa trong phong trào thi đua của các ngành, các đoàn thể. Đồng thời gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tạo nên động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”giai đoạn 2021– 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc cụ thể như sau:
Mục tiêu
Đẩy mạnh thực hiện phong trào rộng khắp và đồng đều trên địa bàn toàn tỉnh, chú trọng triển khai thực hiện phong trào ở xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kế thừa những thành quả đạt được, khắc phục những thiếu sót tồn tại, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước đưa phong trào vào chiều sâu, chất lượng hiệu quả. Nâng cao chất lượng các danh hiệu: Gia đình văn hóa; Làng, Thôn, Tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Tạo ra chuyển biến cơ bản, vững chắc trong việc xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi tệ nạn xã hội và xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung văn hóa trong phong trào thi đua của các ngành, các đoàn thể. Đồng thời gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và tạo nên động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Phát triển rộng khắp đi đôi với việc nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa – văn nghệ - thể dục thể thao quần chúng, nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân trong tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025: Có 92% gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; Có 92% Thôn, Làng, Tổ dân phố được công nhận Thôn, Làng, Tổ dân phố văn hóa; Có 90% Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 100% làng, thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa đạt chuẩn; 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa đạt chuẩn.
Nhiệm vụ chủ yếu
Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục ở các cộng đồng dân cư, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… góp phần nâng cao nhận thức về: đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tình cảm yêu nước, lòng tự hào, tự cường dân tộc, nhất trí cao với đường lối chính trị của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.
Đẩy mạnh phong trào xây dựng “người tốt, việc tốt”. Tạo hạt nhân tích cực cho phong trào, góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh. Trên cơ sở 5 đức tính của con người Việt Nam được nêu trong Nghị quyết TW5 (khóa VIII), các ngành, đoàn thể tiếp tục đề ra tiêu chuẩn cụ thể, sát hợp, tiến hành xây dựng, bình xét, ghi nhận, biểu dương và khen thưởng gương “Người tốt, việc tốt” hàng năm trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa.
Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa. Tiếp tục thực hiện tốt các tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa, làm cho các tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa thấm sâu vào nếp sống hàng ngày của các gia đình, tạo nên môi trường văn hóa gia đình lành mạnh, góp phần hình thành nhân cách văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình. Tổ chức tốt việc đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Xây dựng, biểu dương các Gia đình văn hóa tiêu biểu, trở thành gương sáng và mũi nhọn trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa.
Xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng làng, thôn, tổ dân phố văn hóa. Bổ sung, nâng cao tiêu chí công nhận làng, thôn, tổ dân phố văn hóa phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát huy vai trò tự quản cộng đồng, phấn đấu giữ vững và phát triển danh hiệu Thôn, Làng, Tổ dân phố văn hóa.Thực hiện việc kiểm tra, tái công nhận danh hiệu Thôn, Làng, Tổ dân phố văn hóa hàng năm.
Đẩy mạnh phong trào xây dựng Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng nếp sống văn minh, tác phong làm việc công nghiệp.Xây dựng phong trào văn hóa – văn nghệ - thể dục thể thao. Xây dựng đội ngũ cán bộ, CNVC-LĐ gương mẫu chấp hành kỷ cương pháp luật, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh, đi đầu thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Quyết định 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11-CT/TU của Tỉnh ủy, Quyết định 02/2019/QĐ-TTg của UBND tỉnh. Đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập trung vào bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, chống khuynh hướng vụ lợi, thương mại hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế và phong trào văn hóa – văn nghệ - thể dục thể thao ở cơ sở. Phát triển mạnh mẽ các phong trào xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, phong trào văn nghệ quần chúng, phong trào câu lạc bộ, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”… ở cơ sở, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hóa.
Tiếp tục lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào thi đua yêu nước. Đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, đấu tranh chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa, tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn các chương trình phối hợp liên ngành. Các ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung và nâng cao các nội dung, tiêu chí các chương trình phối hợp liên ngành. Chú trọng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phối hợp sâu rộng, hiệu quả đến các đơn vị, lồng ghép các nội dung phối hợp vào các phong trào cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả.
Giải pháp
Giải pháp về nhận thức: Tiếp tục quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân, ở tất cả các cấp, các ngành về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cần thấy rõ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là giải pháp quan trọng hàng đầu của Nghị quyết TW5 (khóa VIII), thực chất là một cuộc vận động lớn, lâu dài, toàn diện không chỉ về xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống mà còn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào:Đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, HĐND các cấp, kế hoạch của các ngành, đoàn thể để chỉ đạo triển khai thực hiện. Đưa dự toán kinh phí chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào mục chi ngân sách thường xuyên ở các cấp.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ phong trào.
Giải pháp xây dựng lực lượng: Tổ chức tốt các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tiếp tục xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tự quản cộng đồng. Cùng với vận động rộng khắp, cần đặc biệt coi trọng vai trò nòng cốt của Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Nội Nông dân, Hội phụ Nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Người cao tuổi là lực lượng chủ yếu thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.
Giải pháp thực hiện xã hội hóa. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện xã hội hóa cần chú trọng huy động mọi nguồn lực để tham gia và đầu tư cho văn hóa.Ưu tiên đầu tư cho các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn.Đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao ở khu vực đô thị, đồng bằng có điều kiện phát triển kinh tế. Chú trọng huy động các nguồn lực đặc biệt là vận động nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa quần chúng ở cơ sở.
Giải pháp thi đua – khen thưởng. Tổ chức tốt các hình thức phát động, đăng ký và ký giao ước thi đua, kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp, các ngành, đoàn thể. Giữ vững và phát huy danh hiệu Gia đình văn hóa; Làng, Thôn, Tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua – khen thưởng. Mở rộng hình thức biểu dương và khen thưởng các Gia đình văn hóa; Làng, Thôn, Tổ dân phố văn hóa; Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giữ vững và phát huy tốt danh hiệu văn hóa nhiều năm liên tục.
Khôi Nguyên (T/h)