Vĩnh Phúc phát triển thể dục, thể thao quần chúng

12:29, 10/11/2021

Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các cuộc vận động theo từng chủ đề, từng mục đích để phát triển sâu rộng phong trào thể dục thể thao.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, mỗi người dân đã lựa chọn cho mình một môn thể thao và hình thức tập luyện thể thao thích hợp, qua đó đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng phát triển. Phong trào đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp trong các đối tượng ở các thôn, tổ dân phố. Số người thường xuyên tham gia tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng với nhiều hình thức tập luyện phong phú, đa dạng. Các môn thể thao truyền thống như Vật dân tộc, kéo co, bơi chải, cờ tướng… được nhân dân tiếp tục giữ gìn và tổ chức thi đấu thường xuyên gắn với việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Các môn thể thao phổ biến và thường xuyên được người dân tập luyện và tổ chức thi đấu là Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền. Ngoài ra thời gian gần đây người dân còn quan tâm tập luyện một số môn thể thao mới được du nhập vào Việt nam như: Yoga, Gym, Dansport, Múa bụng…

Phong trào tập luyện thể dục thể thao trong các đối tượng như: Cán bộ, Công nhân viên chức lao động được duy trì và phát triển. Thói quen luyện tập thể thao hàng ngày đã trở thành nếp sống lành mạnh và là nhu cầu của số đông cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Các cơ quan, đơn vị, các huyện thành thị luôn chú trọng đến việc xây dựng câu lạc bộ thể dục thể thao để làm nòng cốt cho hoạt động thể dục thể thao cơ sở. Ngoài ra các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các đơn vị Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các giải thi đấu cho các đối tượng công nhân viên chức và người lao động. Qua các giải thi đấu đã tạo ra phong trào TDTT góp phần nâng cao chất lượng phong trào và bổ sung vận động viên chất lượng cao cho các đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp của tỉnh.

Hệ thống thi đấu thể dục thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên từ huyện đến cơ sở với nhiều môn thể thao, đối tượng khác nhau, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng.

Hàng năm, các cấp  tổ chức nhiều giải thể thao: cấp thôn tổ chức 1-3 giải (cầu lông, bóng bàn, kéo co, thể dục dưỡng sinh); Cấp xã tổ chức 3-5 giải thể thao (bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, vật dân tộc); Cấp huyện tổ chức 6-8 giải thể thao (điền kinh, bóng đá, bóng chuyền da, vật dân tộc, bắn nỏ, cầu lông, bóng bàn, kéo co); Cấp tỉnh tổ chức từ 12-15 giải thể thao (bóng bàn, cầu lông, bóng đá, võ thuật cổ truyền, karatedo, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, kéo co, cờ tướng, điền kinh, vật dân tộc, đẩy gậy). Tham gia từ 4-5 giải thể thao phong trào do Trung ương tổ chức (người khuyết tật, bóng bàn, cầu lông gia đình, bóng chuyền hơi và cầu lông trung cao tuổi). Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết các giải thể thao từ cơ sở đến tỉnh và tham gia các giải thể thao toàn quốc, cụ thể như sau:

-  Đối với cấp thôn, tổ dân phố đã tổ chức 29.064 giải với 2.325.120 lượt VĐV tham gia (1.384 thôn, tổ dân phố tại thời điểm thực hiện Nghị quyết);

-  Đối với cấp xã, phường, thị trấn đã tổ chức 4.795 giải với 719.250 lượt VĐV tham gia (137 xã, phường, thị trấn tại thời điểm thực hiện Nghị quyết);

-  Đối với cấp huyện, thành phố đã tổ chức 441 giải với 110.250 lượt VĐV tham gia;

- Tham gia giải toàn quốc có 32 giải với 480 lượt VĐV tham gia.

Phong trào thể dục thể thao, giáo dục thể chất trong các trường học được ngành Giáo dục và đào tạo chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Thường xuyên chăm lo tới việc rèn luyện và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.Việc đầu tư các thiết bị tập luyện được quan tâm, việc tổ chức các giải thi đấu thường niên đựơc tiến hành với nhiều hình thức phong phú trong đó phải kể đến là việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng qua đó từng bước đáp ứng được nhu cầu vận động và phát triển thể chất trong học sinh sinh viên.

Vĩnh Phúc phát triển thể dục, thể thao quần chúng.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu

Chỉ tiêu về số người tập người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và số gia đình thể thao:

Đến năm 2015:

- 32% số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên. Kết quả thực hiện đạt 30,5% (đạt 93,75%);

- 25% Số gia đình thể thao đạt.Kết quả thực hiện đạt 23% (đạt 92%);

 - 65% số trường phổ thông có hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa đạt chất lượng. Kết quả thực hiện 80% (vượt 15% so với Nghị quyết);

- 7 huyện, thành phố có sân vận động và nhà tập luyện thi đấu thể dục, thể thao. Kết quả đạt 8/9 vượt 0,8% (huyện Sông Lô chưa có sân vận động);

- 50% số xã, phường, thị trấn có sân vận động. Kết quả thực hiện đạt 43,7% (đạt 87% so với nghị quyết);

- 40% số xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện thể dục, thể thao. Kết quả đạt 49,6% (Vượt 0,9%).

Đến năm 2020:

- 50% số người tập luyện thể thao thường xuyên. Kết quả đạt được 35% (đạt 70% chỉ tiêu so với nghị quyết);

- 40% gia đình thể thao. Kết quả thực hiện đạt 25% (đạt 62,5%);

- 90% trường phổ thông có hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa đạt chất lượng. Kết quả thực hiện 100% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết 10%);

- 9 huyện, thành phố có sân vận động và nhà tập luyện thi đấu thể dục thể thao. Kết quả đạt 8/9 (đạt 89%) Thành phố Vĩnh Yên chưa có sân vận động;

- 100% xã, phường, thị trấn có sân vận động. Kết quả đạt được 132/137 (đạt 96%) 03 phường: Khai Quang, Ngô Quyền, Liên Bảo của thành phố Vĩnh Yên và 02 phường: Hùng Vương, Trưng Nhị thành phố Phúc Yên chưa có sân vận động;

- 100% số xã, phường, thị trấn có nhà tập luyện thể dục thể thao. Kết quả đạt được 106/137 (đạt 77%) 26 phường, thị trấn, 05 xã Liên Châu huyện Yên Lạc; xã Tứ Yên, Như Thụy huyện Sông Lô; xã Đạo Trù huyện Tam Đảo; xã Tân Lập huyện Vĩnh Tường chưa có nhà tập luyện thể dục thể thao.

Vĩnh Phúc phát triển thể dục, thể thao quần chúng.

Đánh giá chung

Qua hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 75/2012/NQ-HĐND về phát triển thể dục thể thao quần chúng giai đoạn 2013-2020 đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, từng bước đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của nhân dân. Phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tăng theo hướng tự giác, có tổ chức, rộng khắp. Đồng thời phát hiện những tài năng thể thao để làm nhân tố cho thể thao thành tích cao của tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo sâu sát và tích cực về lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng. Việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm. Phong trào thể dục thể thao quần chúng được phát triển sâu rộng tới các địa bàn khu dân cư, với nhiều hình thức và nội dung phong phú, hệ thống thi đấu các giải thể thao quần chúng đã được hình thành và phát triển từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân, đáp ứng nhu cầu và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng đã gắn liền với  phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương và góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội ở từng địa phương, đơn vị.

Trung tâm Văn hóa, Thể dục thể thao; Nhà văn hóa thể thao; Các câu lạc bộ thể thao đã phát huy hiệu quả, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân. Thông qua tập luyện thể thao thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội.

Việc đầu tư các thiết chế thể thao và các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu từng bước được quan tâm. Công tác tuyên truyền vận động xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao bước đầu có hiệu quả giải quyết một phần nhu cầu tập luyện của nhân dân tại các khu dân cư.        

Từ thực tế thực hiện Nghị quyết cho thấy xã, thôn, làng nào xây dựng được trung tâm thể thao, nhà văn hóa thôn, các câu lạc bộ thể thao tổ chức hoạt động thường xuyên phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh đã góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế của địa phương.

 Phương Mai