Xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

12:15, 08/11/2021

Tỉnh Vĩnh Phúc có báo kết quả thực hiện Kế hoạch số 136/KH-UBND, ngày 14/8/2020 về tổng kết Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020.

Tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Về kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án

Về mục tiêu chung: Chất lượng đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp đã được quan tâm, việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ trong các KCN đã được quan tâm đầu tư, giúp CNLĐ được hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần tương xứng với những đóng góp của mình vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Có nơi sinh hoạt văn hóa; có nhà ở bằng hình thức thuê phù hợp; có nhà trẻ công lập để gửi con, phù hợp với yêu cầu công việc làm ca, kíp của NLĐ. Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; việc xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa, lối sống tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng, hiệu quả đã có những kết quả rõ nét.

Việc phát huy mọi nguồn lực của tỉnh, trong xã hội và CNLĐ để xây dựng các hệ thống thiết chế văn hoá, công trình phúc lợi,  nhà ở, nhà trẻ… phục vụ CNLĐ trong các KCN được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đầu tư. Các doanh nghiệp, các khu dân cư quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của CNLĐ; xây dựng và phát triển môi trường văn hoá ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân.

Về mục tiêu cụ thể: 90% số công nhân và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa, đạt 90% so với mục tiêu đề ra (Mục tiêu là 100%). Trên 70% số công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao (Mục tiêu là trên 70%-đạt 100%).100% KCN hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân. 80% doanh nghiệp tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống cho CNLĐ tại các doanh nghiệp, đạt 130% so với mục tiêu đề ra là 60%

Kết quả thực hiện các nội dung, giải pháp trong Đề án

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân được quan tâm lãnh đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện.Trong 3 năm LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 74 lớp, 2 hội nghị đối thoại; các hội nghị tuyên truyền; các hội thi tìm hiểu pháp luật đồng thời tổ chức tuyên truyền qua Website Công đoàn Vĩnh Phúc, bản tin Công đoàn tỉnh, chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên Đài PT-TH tỉnh, các trang mạng xã hội facebook, zalo. Cụ thể: Năm 2017, tổ chức 09 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo Tiểu đề án 3; 04 lớp tập huấn Nghị định 153/2016/NĐ-CP ngày 14/11/2016 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động và Luật BHXH; 04 lớp tập huấn tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá; 03 lớp tập huấn tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; 04 lớp tuyên truyền về ATGT; 04 lớp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, ma túy cho đội ngũ CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.Năm 2018, tổ chức 22 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo Tiểu đề án 3; 04 lớp tập huấn Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động. Chương trình Đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc với 500 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh với chủ đề “Năng suất cao hơn - Phúc lợi tốt hơn”. Năm 2019, tổ chức được 20 lớp tập huấntheo Đề án 31; Chương trình Đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh do đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chủ trì đối thoại. Tổ chức Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Sở Tư pháp tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệptrên địa bàn tỉnhthực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Từ năm 2017 đến năm 2020 đã xây dựng được 420 chuyên mục “pháp luật và đời sống”, “giới thiệu văn bản pháp luật” trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc… tập trung giới thiệu các văn bản pháp luật mới ban hành, giải đáp các nội dung pháp luật có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của cán bộ và nhân dân trong đó có nội dung phổ biến, tuyên truyền quyền lợi và các chính sách pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp như: Pháp luật về thuế, thủ tục hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, về vệ sinh an toàn lao động, môi trường... Ngoài ra còn lồng ghép tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt được những quy định của pháp luật, những văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; xây dựng tài liệu, cẩm nang tuyên truyền, xây dựng 06 buổi tọa đàm; In, phát miễn phí 05 đầu sách với số lượng gần 20.000 cuốn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn cuốn cẩm nang văn bản về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng 35 chuyên đề với hơn 102.000 cuốn tài liệu tuyên truyền phát cho các lớp tập huấn kiến thức pháp luật ở cơ sở; xây dựng, phát hành 94.300 cuốn tài liệu sinh hoạt chi bộ (2.300 cuốn/tháng) trong đó có nội dung phổ biến, tuyên truyền quyền lợi và các chính sách pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp.

Ngoài ra, hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; Báo Vĩnh Phúc tổ chức các cuộc thi:... các Hội nghị, các lớp tập huấn nhằm giúp người lao động bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, giúp cho các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ chính sách pháp luật, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư của tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức được 32 lớp tập huấn cho thanh niên công nhân với tổng số trên 2.850 lượt TNCN tham gia, phát hành trên 4.000 cuốn Bản tin thanh niên công nhân. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Tư Pháp, Hội Luật sư trẻ tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cho hơn 3.070 lượt TNCN, đặc biệt là luật giao thông; luật hôn nhân và gia đình; Tổ chức các diễn đàn, trao đổi về tư vấn, giáo dục pháp luật cho TNCN, thành lập các CLB Pháp luật trong các Chi hội khu lưu trú; Tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới các cơ sở Đoàn trong Doanh nghiệp; Tổ chức các lớp tư vấn pháp luật cho TNCN trên địa bàn, thăm tặng quà cho các gia đình thanh niên công nhân trên địa bàn;…. Qua đó,tư vấn, tuyên truyền cho thanh niên công nhân trên địa bàn tỉnh về vai trò của giai cấp công nhân nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của công dân, truyền tải các nội dung chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước của tổ chức Đoàn - Hội đến với thanh niên công nhân.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã xây dựng được cụm thiết chế văn hóa KCN Khai Quang, công trình gồm 01 nhà văn hóa Công nhân do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý; 01 Trường mầm non Hoa Hồng do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và khu nhà ở thu nhập thấp do Công ty Cổ phần Bảo Quân đầu tư với 450 căn hộ.

Xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong giai đoạn 2017-2020, trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 06 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư với quy mô là 56,7 ha, tổng số 8026 căn, sau khi đầu tư xây dựng xong sẽ đáp ứng  31.932 người. Trong đó có 02 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng là Dự án Khu nhà ở công nhân và thu nhập thấp tại phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên với tổng diện tích sàn 24.195m2 quy mô 421 căn và Dự án Khu nhà ở công nhân của Công ty TNHH Honda với tổng diện tích sàn 12.000m2, quy mô 300 căn hộ.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 dự án nhà ở có tính chất nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp; bao gồm các dự án: Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai (Công ty CP Vinaconex Xuân Mai), dự án khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo (Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn), dự án khu nhà ở thu nhập thấp (Công ty CPDVTM Trang Đạt) đã và đang triển khai đi vào sử dụng với tổng số căn là 1.416 căn nhà ở công nhân và thu nhập thấp. Ngày 01/2/2020 tại KCN Bá Thiện, UBND tỉnh và Công ty Cổ phần Phát triển kinh doanh nhà (HDTC) đã khởi công dự án khu nhà ở  Công nhân có quy mô 34,5ha với số vốn đầu tư 4.323 tỷ đồng, khi đi vào hoàn thành sẽ đáp ứng cho khoảng 20.000 CNLĐ.

Việc triển khai các thiết chế phục vụ công nhân đã được Sở Xây dựng phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh và các địa phương đề xuất thực hiện, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng trước tại các khu vực có số lượng công nhân đông thuộc các KCN đã đi vào hoạt động như thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, Lập Thạch; kết quả cụ thể:

- Địa điểm khu thiết chế văn hóa phục vụ công nhân các KCN trên địa bàn huyện Lập Thạch; quy mô 5.021 m2 tại thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch. Dự án đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý tại Thông báo số 1738/TB/TU ngày 30/5/2019; được UBND tỉnh Quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư tại Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 16/9/2019. Hiện nay, UBND tỉnh giao lại cho UBND huyện Lập Thạch là cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư. 

- Địa điểm khu thiết chế văn hóa phục vụ công nhân các KCN phía Nam trên địa bàn huyện Bình Xuyên; quy mô khoảng 1 ha tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Ngày 9/9/2019 của UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2200/QĐ-UBND về việc cho phép chuẩn bị đầu tư dự án và dự toán chuẩn bị đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh giao lại cho UBND huyện Bình Xuyên là cơ quan đề xuất chủ trương đầu tư.

- Khu thiết chế công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: Đã được Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương tại Thông báo số 866-TB/TU ngày 14/7/2017; UBND tỉnh chấp thuận phạm vi địa điểm lập dự án tại Văn bản số 6517/UBND-CN1 ngày 23/8/2017 với quy mô khoảng 4,0 ha. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đang thực hiện bước thoả thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc với quy mô đầu tư 350 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

- Địa điểm mở rộng nhà văn hóa công nhân tại KCN Khai Quang. Sở Xây dựng đã chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương mở rộng tiếp giáp liền kề tại vị trí nhà văn hóa đã xây dựng với diện tích khoảng 1,25 ha vào phần đất của KCN Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Thông báo số 2188-TB/TU ngày 20/8/2020 đồng ý chủ trương điều chỉnh QHPK A5 để mở rộng nhà văn hóa công nhân KCN Khai Quang.

- Địa điểm nhà văn hóa công nhân phục vụ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Vị trí tại khu vực đồng Cửa, phường Phúc Thắng, quy mô diện tích khoảng 1,5 ha đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tại Văn bản số 4576/UBND-CN3 ngày 17/6/2020. Hiện nay, Sở Xây dựng đang thực hiện điều chỉnh cục bộ đồ án QHCT tỷ lệ 1/500 cải tạo chỉnh trang và PTĐT khu vực số 4 thành phố Phúc Yên (từ đất ở, đất cây xanh sang đất công trình công cộng) để bố trí đất xây dựng nhà văn hóa công nhân. 

- Đối với các công trình trường mầm non, phòng khám đa khoa đều đã được xác định quy mô xây dựng trong các dự án khu nhà ở công nhân tập trung, đảm bảo nhu cầu sử dụng và tính đồng bộ về hệ thống hạ tầng. Khi các dự án nhà ở công nhân tập trung được đầu tư xây dựng sẽ thực hiện đầu tư các công trình này. Ngoài ra, theo báo cáo của Liên đoàn lao động tỉnh, hiện nay theo tính toán số lượng trường mầm non, phòng khám hiện có tại các địa phương (dự kiến sẽ xây dựng khu nhà ở công nhân tập trung) đều đảm bảo được cho số lượng công nhân khi chuyến đến sinh sống. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt chưa đề xuất xây dựng thêm các công trình này.

- Đối với các thiết chế phục vụ công nhân tại các khu vực khác sẽ được xác định cụ thể trong phạm vi quy hoạch chi tiết xây dựng khu nhà ở công nhân phục vụ các KCN trên địa bàn tỉnh hiện đang tiếp tục triển khai.

Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân lao động: Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi rộng khắpmỗi dịp “Tháng Công nhân”, “Tết Sum vầy” hàng năm, được các cấp các ngành, địa phương tích cực hưởng ứng với các cuộc thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt chuyên đề, trao đổi kỹ năng sống... từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn CNLĐ trong các KCN tham gia. Đặc biệt, một số Doanh nghiệp đã tổ chức: Ngày hội Gia đình cho CNLĐ, Ngày hội thể thao… trong CNLĐ đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo điểm nhấn trong phong trào CNLĐ. Ngày hội trở thành “chất xúc tác” quan trọng thúc đẩy phong trào văn hóa thể thao trong CNLĐ, giúp tăng cường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở khu công nghiệp, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì, thu hút đông đảo CNLĐ tham gia, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, lành mạnh và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người lao động. Chương trình “Hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát” mừng Đảng, mừng Xuân được duy trì hàng năm tại các doanh nghiệp. Các hoạt động khác như tổ chức:“Hội chợ gian hàng Việt”,Giải bóng đá nam, nữ  CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp, Liên hoan văn nghệ đã đạt được nhiều kết quả và tạo sự lan tỏa lớn trong CNLĐ,... các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đã tổ chức hàng ngàn cuộc liên hoan văn nghệ, giải thể thao, các hoạt động giao lưu, đối thoại,... nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của các đơn vị.

Sở VHTT&DL phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh, Đảng ủy khối Doanh nghiệp tổ  chức được 2 Diễn đàn với  công nhân về chủ đề  “Phòng chống bạo lực gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc” nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6 và 01 Diễn đàn “Yêu thương và chia sẻ” nhân ngày quốc tế  Hạnh phúc 20/3 cho hàng trăm lượt công nhân, công đoàn các Doanh nghiệp tham gia. Sở VHTT&DL đã chủ trì phối hợp với Liên đoàn lao động, Ban quản lý các khu công nghiệp xây dựng kế hoạch nhằm đưa các sản phẩm văn hóa vào phục vụ công nhân lao động như: Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ  thuật, chiếu phim, “hát cho công nhân nghe - nghe công nhân hát”, tổ chức các giải thể dục thể thao, tổ chức diễn đàn cho công nhân về gia đình  và phòng chống bạo lực gia đình… thu hút công nhân tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. 

Xây dựng quy chế khen thưởng doanh nghiệp “Đạt chuẩn văn hóa” của tỉnh và tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia: Ngày 16/9/2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với LĐLĐ tỉnh triển khai Hướng dẫn số 658/HDLN-SVHTTDL-LĐLĐ về tiêu chuẩn, trình tự thủ tục bình xét công nhận doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa,qua đó  Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị,  Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc, cổ vũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động phấn  đấu hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tăng cường các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể  thao, thực hiện quy chế dân chủ, góp phần đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động và sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hàng năm được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

- Năm 2017: 753/962 đơn vị được công nhận văn hóa (đạt 78,27%).

- Năm 2018: có 814/918 đơn vị được công nhận văn hóa (đạt 88,6%).

- Năm 2019: 720/847 đơn vị được công nhận văn hóa (đạt 85%).

Trong nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thay đổi nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trên các lĩnh vực về VHDN. Động viên người lao động tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; nắm vững những chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến công việc và quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.Mặt khác thường xuyên cập nhật các giá trị về truyền thống, bề dày thành tích của đơn vị nhằm tăng thêm lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với đơn vị; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, nhân điển hình và động viên khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân tiên tiến. Hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng các quy chế quản lý và điều hành hoạt động, Quy chế thi đua khen thưởng đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng…

Việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tác phong lao động công nghiệp trong công nhân: LĐLĐ tỉnh phối hợp với: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Tổ chức tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí cho đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến công nghệ, hạ giá thành sản phẩm nâng lợi ích cho doanh nghiệp, đơn vị, vận động công nhân lao động học tập nâng cao kỹ năng nghề thông qua hình thức luyện tay nghề, thi thợ giỏi.

Trong giai đoạn 2017-2020, LĐLĐ tỉnh tổ chức 04 Hội nghị tuyên truyền đẩy mạnh học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lao động, văn hóa ứng xử cho hơn 400 công nhân lao động đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổ chức 450 lớp tập huấn về chính sách, pháp luật cho hơn 90.000 lượt CNLĐ; cấp 270 tủ sách cho 270 CĐCS trong doanh nghiệp, tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho 13.300 lượt CNLĐ về An toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội; 30 lớp truyền thông về chính sách thai sản đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp,...

Tính đến nay, số CNLĐ trong các khu công nghiệp tỉnh có trình độ trung học phổ thông là: 88.167 người đạt 98%.

Trình độ chuyên môn: Đại học trở lên: 6.990 người (7,7%); Cao đẳng: 4.426 (5,0%); Trung cấp: 3.884 ( 4,3%); Sơ cấp: 2.253 (2,5%); Dạy nghề thường xuyên: 51.361 (57%). Số CNLĐ chưa qua đào tạo là: 21.217 người (23,5%).

Số CNLĐ được học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp: 77.008 người (85,6%), trình độ ngoại ngữ: 58.078 người (64,5%), tin học: 60.128 người (66,8%), thi tay nghề thợ giỏi: 71.476 (78,8%).

Hằng năm, Liên đoàn lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp trao hàng nghìn suất quà tới người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục:

Tiếp tục tổ chức quán triệt các nội dung Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp côngnhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lao động, công đoàn nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, chủ các doanh nghiệp và công nhân, người lao động về tầm quan trọng của công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lòng yêu nước; chủ nghĩa Mác-Lênin; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; truyền thống vẻ vang của quê hương,đất nước.

Triển khai có chất lượng các hoạt động truyền thông và tổ chức các hoạt động phong trào.Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về đời sống văn hóa công nhân trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và bản tin công đoàn tỉnh…

Nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoạt động văn hóa, thể thao; vậnđộng viênkhuyến khích người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao…

Đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các Khu công nghiệp:

Tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với quy hoạch ở từng Khu công nghiệp, Doanh nghiệp, nơi có đông công nhân, người lao động cư trú, đáp ứng và thu hút ngày càng cao nhu cầu hưởng của công nhân, người lao động.

Rà soát quy hoạch trong các KCN, bổ sung quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân trên địa bàn tỉnh; mở rộng Nhà văn hóa công nhân KCN Khai Quang với phương án đã được phê duyệt.

Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai dự án Trung tâm thi đấu thể dục, thể thao thuộc thiết chế của Công đoàn tại Khu công nghiệp Bá Thiện- Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tăng cường quảng bá, vận động các doanh nghiệp hạ tầng, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; khuyến khích xã hội hoá đầu tư, hoặc tiếp tục hỗ trợ trực tiếp một phần tiền thuê nhà cho công nhân.

Vận động khuyến khích các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các KCN tự xây các thiết chế văn hóa, thể thao;tăng cường trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, dụng cụ thể dục, thể thao

Tiếp tục duy trì và nhân rộng nhóm Công nhân nòng cốt trong các khu nhà trọ.

Đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa tinh thần cho công nhân:

Đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; thường xuyên duy trì sinh hoạt, hoạt động biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao vào các các dịp Lễ, Tết, ngày truyền thống của doanh nghiệp, tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho công nhân lao động.

Khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao hiện có tại các doanh nghiệp, các khu dân cư nơi có đông công nhân, lao động sinh sống như nhà văn hóa, phòng truyền thống, thư viện, phòng tập, sân thể thao..

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động liên kết, giao lưu văn nghệ, thi đấu giao hữu thể thao giữa địa phương và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Tăng cường xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa thể thao của doanh nghiệp;các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động.

Tổ chức Công đoàn phối hợp với chủ các doanh nghiệptổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao của đơn vị. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực có chuyên môn về tổ chức sự kiện, quản lý, năng khiếu văn hóa, thể thao.

Người lao động tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có cơ hội được nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các thiết chế của công đoàn.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống và môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, doanh nghiệp:

Phát triển phong trào xây dựng Gia đình công nhân văn hóa; xây dựng tác phong lao động công nghiệp trong công nhân. Vận động công nhân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua khác tại địa phương.

Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo các tiêu chí cơ bản sau:

+ Hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng năm;

+ Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp. Có quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động;

+ Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động;

+ Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng nếp sống văn hóa và môi trường văn hóa lành mạnh trong các doanh nghiệp. Tổ chức Công đoàn chủ động phối hợp vớichủ doanh nghiệp vận động người lao động thực hiện kỷ cương, dân chủ, đoàn kết, gương mẫu thực hiện các nội quy, quy chế của doanh nghiệp; không sử dụng, lưu hành sản phẩm văn hóa độc hại; thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Xây dựng môi trường doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động:

Nâng cao năng lực phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Tăng cường chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn các cấp nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung hoạt động xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong công nhân.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Chủ các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng thiết chế và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Phát huy hiệu quả thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động; tăng cường hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp với người lao động.

Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở.

Tăng cường các hoạt động công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

Phương Mai