Vĩnh Phúc thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp cộng đồng dân cư. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức và nêu cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Thực hiện công văn số 4103/BVHTTDL-VHCS ngày 04/11/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc báo cáo tổng kết công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo kết quả thực hiện năm 2020 và dự kiến nhiệm vụ công tác năm 2021, cụ thể như sau:
Đoàn kết giúp nhau “Xóa đói giảm nghèo”
Các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giảm nghèo năm 2020; trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan tổ chức ký cam kết chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2020. Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, xác minh 79 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đề xuất tham gia Chương trình “Cặp lá yêu thương” năm 2020; cấp phát quà tết cho 2.058 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,5 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục…được thực hiện tốt. 100% đối tượng bảo trợ xã hội có đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, năm 2020 toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 38.337 đối tượng với kinh phí hơn 57,3 tỷ đồng.
Thực hiện Nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật
Việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ tại các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Hầu hết các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nội quy cơ quan, quy chế văn hóa công sở phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị đều có biển hiệu ghi rõ tên phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc và tên, chức danh cán bộ, thực hiện đeo thẻ công chức, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi giao dịch, làm việc. Cán bộ, công chức, viên chức mặc trang phục công sở gọn gàng, lịch sự. Trong giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, với nhân dân, với các cơ quan, doanh nghiệp khi giải quyết công việc, thái độ, tác phong của cán bộ, công chức có sự chuyển biến rõ nét, nhận được phản ứng tích cực của người dân.
Nhìn chung, việc tổ chức cưới tại các gia đình được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, chấp hành đúng Luật Hôn nhân & Gia đình, các quy ước, hương ước làng xã, nơi cư trú, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán của địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, xã hội; Trang phục cưới của cô dâu, chú rể lịch sự, gọn gàng; ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trang phục truyền thống được sử dụng ngày càng nhiều hơn, giá trị văn hóa được đề cao thông qua việc tổ chức các đám cưới theo nghi thức truyền thống kết hợp với thực hiện nếp sống mới. Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu không còn phô trương hình thức như trước, thực hiện theo nếp sống văn minh, không đòi hỏi lễ vật cầu kỳ.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang đã có những chuyển biến cơ bản; được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa vùng, miền, dân tộc, loại bỏ được các tập tục, tập quán lạc hậu. Việc tổ chức tang lễ tại các gia đình đều có Ban lễ tang do các tổ chức Đoàn thể, mặt trận, Hội CCB… phối hợp cùng gia đình tổ chức lễ tang trang nghiêm, lành mạnh và tiết kiệm, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Việc hung táng, cải táng được triển khai theo đúng các quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới tích cực, các cấp, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn và tổ chức các lễ hội truyền thống đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn các hiện tượng xóc thẻ, bói toán, chèo kéo khách mua đồ lễ, nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục; một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Một số lễ hội có chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn như tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục. Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và mở rộng, nâng cao quy mô lễ hội, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Điển hình như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Đền Thính, Lễ hội Đúc Bụt, Lễ hội Đền Ngự Dội, Lễ hội Đình Thổ Tang, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu, Lễ hội Cướp Phết Bàn Giản… Qua đó, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, làm nên vẻ đẹp của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo.
Vĩnh Phúc thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020.
Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 11-CT/TU, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 52/2012/QĐ-UBND ngày 25/12/2012“về việc quy định cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện không uống rượu, bia trong ngày làm việc, hút thuốc lá nơi công sở”. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ký cam kết không uống rượu, bia trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa những ngày làm việc, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; không hút thuốc lá nơi công sở. Do đó tình trạng uống rượu, bia trong ngày làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhìn chung chuyển biến rõ rệt; nhất là tại các hội nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương không còn tình trạng uống rượu, bia buổi trưa.
Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 ổn định. Các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự được lực lượng chức năng chủ động triển khai, nắm chắc tình hình an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh xã hội để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết ổn định ngay từ cơ sở, không để xảy ra các vụ việc phức tạp trước, trong và sau Đại hội Đảng các cấp. Công tác bảo đảm an ninh đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra với phương châm “an ninh chủ động” không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch được và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế đến thăm làm việc tại tỉnh.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được củng cố, duy trì, phát huy tính tích cực của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Xây dựng mới 703 mô hình “4 an toàn” về an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường. Duy trì hoạt động 35 cụm liên kết về an ninh, trật tự, vùng giáp ranh.
Xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao
Về hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng khang trang, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, Hiện nay toàn tỉnh có 137/137 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa (đạt 100%), Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.367/1.384 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa, khu thể thao (đạt 98,9%), còn 17 thôn, tổ dân phố chưa xây dựng được nhà văn hóa. Trong đó có 1.296 Nhà văn hóa xây mới, chỉnh trang, mở rộng diện tích 500m2 trở lên, có sân thể thao đơn giản. Các nhà văn hóa thôn, cơ bản được xây dựng đảm bảo tiêu chí trong xây dựng NTM. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy làm phong phú đời sống vật chất tinh thần của nhân dân;
Về nâng cao mức hưởng thụ về đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân
Các đơn vị nghệ thuật của tỉnh tổ chức thành công các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch; Tết Nguyên đán, lễ hội, biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và các sự kiện của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, phục vụ các xã miền núi, nông thôn theo kế hoạch.
Năm 2020, công tác biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhân dân được đặc biệt chú trọng. Tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc và Lễ hội đường phố. Dàn dựng và biểu diễn chương trình nghệ thuật Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Tý 2020. Tổ chức dàn dựng, biểu diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Sáng mãi niềm tin theo Đảng” chào mừng Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.Dàn dựng 01 vở diễn Chèo thường niên “Chuyện ông quan mơ”; 01 hoạt cảnh “Tây Thiên vang mãi bài ca” sẵn sàng phục vụ Lễ hội Tây Thiên hàng năm; Chương trình "Lời ca đang Bác" phục vụ nhân dân và ghi hình, phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc, chào mừng 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triển khai luyện tập trích đoạn chèo “Thị Hến”, dàn dựng mới một số chương trình ca múa nhạc tổng hợp…. sẵn sàng biểu diễn phục vụ nhân dân các xã miền núi theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2020. Đăng cai tổ chức và tham gia “Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020” tại Vĩnh Phúc. Biểu diễn hơn 200 buổi diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị và biểu diễn phục vụ nhân dân các xã thuộc diện miền núi theo kế hoạch năm. Tổ chức trưng bày giới thiệu 520 bản sách có nội dung về Đảng, Bác Hồ chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 240 bản sách, báo viết về chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thu thập, lựa chọn 250 bản sách, 120 loại Báo, tạp chí xuân của Trung ương, Báo xuân của 63 tỉnh thành phố, 150 loại, báo, tạp chí, bản tin của địa phương trưng bày tại Hội Báo xuân Vĩnh Phúc 2020.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội đọc sách hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy học tập suốt đời” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp huyện Tam Dương. Tổ chức ngày hội đọc Sách với Chủ đề “Ánh sáng tri thức” chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường THCS Đồng Cương –-huyện Yên Lạc.
Thư viện cơ sở phục vụ 51.580 lượt bạn đọc; Lượt sách lưu thông là 154.740 lượt; Lập danh mục sách 31.500 bản sách thực hiện luân chuyển sách 02 đợt với 115 thư viện cơ sở.
Vĩnh Phúc thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020.
Phong trào xây dựng Gia đình văn hóa
Việc bình xét suy tôn các Gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm tạo nên khí thế thi đua trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa. Các Gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng, khẳng định trên thực tiễn mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gia đình vượt khó đi lên, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, gia đình văn hóa thực sự là “tổ ấm” của mỗi người, là môi trường văn hóa lành mạnh của xã hội góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Bên cạnh đó công tác gia đình được chú trọng đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực, có ảnh hưởng sâu, rộng đến cộng đồng và nhân dân. Cụ thể: Tổ chức thành công Lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác văn hóa - gia đình năm 2020; Tổ chức và hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Tổ chức tuyên truyền Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình và các hoạt động ngày gia đình Việt Nam 28/6. Năm 2020, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa ước đạt 92%.
Phong trào xây dựng Thôn, Tổ dân phố văn hoá
Phong trào xây dựng Thôn, Tổ dân phố văn hoá phát triển đồng đều ở các địa phương với số lượng và chất lượng ngày càng cao. Phần lớn các thôn, tổ dân phố văn hóa đều thực hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn với 21 tiêu chí công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Theo đó, đời sống kinh tế của các thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa ổn định và từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống; cơ sở hạ tầng sinh hoạt của gia đình và cộng đồng được nâng lên.Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân lành mạnh, phong phú; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chuyển biến tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn.Môi trường cảnh quan được đảm bảo, kỷ cương pháp luật được thực hiện; tình làng nghĩa xóm được củng cố, cơ sở vật chất khang trang, sạch, đẹp. Năm 2020, tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa ước đạt 92%.
Phong trào xây dựng Cơ quan, Đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt ngày càng phát triển rộng rãi, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đều gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; có môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp và an toàn. Kết quả xây dựng Đơn vị văn hóa hàng năm được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng:
Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc, cổ vũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tăng cường các hoạt động văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao, thực hiện quy chế dân chủ, góp phần đấu tranh chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, nâng cao tính tự chủ trong hoạt động và sản xuất kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Năm 2020, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ước đạt 86%.
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"
Phong trào Thể dục thể thao quần chúng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm đầu tư về mọi mặt, đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phong trào Thể dục thể thao quần chúng; phát huy sức mạnh của toàn xã hội cùng chăm lo đến công tác Thể dục thể thao, thu hút đông đảo người dân tham gia, diễn ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính và phát triển mạnh ở các môn: Thể dục dưỡng sinh, đi bộ, cầu lông, Bóng chuyền hơi... Số người thường xuyên tham gia tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng với nhiều hình thức tập luyện phong phú, đa dạng. Các môn thể thao truyền thống như: Vật dân tộc, kéo co, bơi chải, cờ tướng… được nhân dân tiếp tục giữ gìn và tổ chức thi đấu thường xuyên gắn với việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Các môn thể thao phổ biến và thường xuyên được người dân tập luyện và tổ chức thi đấu là: Bóng bàn, Cầu lông, Bóng đá, Bóng chuyền. Ngoài ra thời gian gần đây người dân còn quan tâm tập luyện một số môn thể thao mới được du nhập vào Việt nam như: Yoga, Gym, Dansport…
Tổ chức tốt Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng chống đuối nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020; Giải vô địch Bóng bàn - Cầu lông; Giải Câu lông gia đình tỉnh tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Tam Đảo; Giải Bóng đá và Bóng chuyền hơi Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh TDTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Đăng cai tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên cơ sở về Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2020, đạt kết quả.
Đăng cai 02 giải thể thao quốc gia Vô địch bóng chuyền trẻ, giải Muay toàn quốc. Phối hợp với UBND huyện Tam Đảo, công ty TNHH Hải Nam đăng cai bảng A giải bóng đá hạng 3 Quốc gia. Tham gia các giải thể thao toàn quốc, bóng bàn cầu lông gia đình, bóng chuyền hơi trung cao tuổi, đẩy gậy, kéo co đạt 1 HCV, 03 HCĐ.
Hàng năm, các cấp tổ chức nhiều giải thể thao: cấp thôn tổ chức 1- 3 giải (cầu lông, bóng bàn, kéo co, thể dục dưỡng sinh); Cấp xã tổ chức 3 - 5 giải thể thao (bóng đá, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, vật dân tộc); Cấp huyện tổ chức 6 - 8 giải thể thao (điền kinh, bóng đá, bóng chuyền da, vật dân tộc, bắn nỏ, cầu lông, bóng bàn, kéo co); Cấp tỉnh tổ chức từ 12 - 15 giải thể thao (bóng bàn, cầu lông, bóng đá, võ thuật cổ truyền, karatedo, bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, kéo co, cờ tướng, điền kinh, vật dân tộc, đẩy gậy). Tham gia từ 4 - 5 giải thể thao phong trào do Trung ương tổ chức (người khuyết tật, bóng bàn, cầu lông gia đình, bóng chuyền hơi và cầu lông trung cao tuổi).
Năm 2020, số người tập luyện thể thao thường xuyên đạt 52%; 42% gia đình thể thao; 90% trường phổ thông có hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa đạt chất lượng; Có 8/9 huyện, thành phố có sân vận động và nhà tập luyện thi đấu thể dục thể thao (đạt 89%). Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 sân bóng đá, trên 1.000 sân bóng chuyền, 50 sân quần vợt, 200 sân cầu lông, 90 phòng tập bóng bàn, 50 sân bóng đá mini, 59 bể bơi, 91 phòng bi-da, xây dựng mô hình các câu lạc bộ ở cơ sở được phát triển toàn tỉnh hiện có trên 2.000 CLB TDTT hoạt động thường xuyên và có hiệu quả thu hút hơn 5.000 thành viên tham gia. Công tác vận động tài trợ cho các đội thể thao tập luyện và thi đấu ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) được nhân dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đóng góp tích cực.
Vĩnh Phúc thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” năm 2020.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
Năm 2020, kết quả có 1.236/1.236 khu dân cư tổ chức ngày hội (đạt 100%) khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trong đó có 95% khu dân cư tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội, ngày hội đã thu hút trên 300.000 lượt cán bộ, đại biểu và các tầng lớp nhân dân tham dự, có trên 80% khu dân cư tổ chức bữa cơm thân mật. Nội dung ngày hội phong phú, hấp dẫn, thiết thực cả phần lễ, phần hội, nhiều khu dân cư còn tổ chức được các trò chơi dân gian, văn nghệ, tổ chức bữa cơm "đại đoàn kết". Đây không chỉ là dịp để mọi người được ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, bình xét danh hiệu “gia đình văn hoá”, biểu dương gương " người tốt, việc tốt", đăng ký các danh hiệu thi đua năm tới mà còn là dịp để cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể về sinh hoạt với nhân dân, gần nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, động viên phong trào ở cơ sở, phát động các hoạt động tương thân, tương ái, tập hợp đoàn kết cộng đồng góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Phong trào học tập, lao động sáng tạo
Các đề tài nghiên cứu khoa học và đề tài triển khai thực nghiệm được thực hiện theo hướng tập trung, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá. Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh kết thúc thực hiện năm 2019: Đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu 50 đề tài, đồng thời hướng dẫn hoàn thiện thủ tục đăng ký lưu giữ, công nhận kết quả, thẩm định quyết toán, hướng dẫn trình tự thủ tục xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN, thanh lý hợp đồng các nhiệm vụ KH&CN theo quy định. Hoàn thiện hồ sơ, ký kết hợp đồng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 34 nhiệm vụ KH&CN và thẩm định đối với 02 nhiệm vụ do UBND tỉnh đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh bắt đầu thực hiện từ năm 2020.
Các hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ như quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ… được chỉ đạo triển khai hiệu quả. Đã kiểm định được 51.547/53.397 (bằng 96,5%) phương tiện đo; hiệu chuẩn nhiệt và độ dài được 20/20 phương tiện; thử nghiệm 22 mẫu sản phẩm hàng hóa; kiểm định 70 máy X-quang, 66 phòng đặt máy X-quang trong y tế . Kiểm xạ trong công nghiệp 04 khu vực. Thí nghiệm 847 mẫu, tổ mẫu, vật liệu xây dựng, thí nghiệm điện trở tiếp đất được 82/82 vị trí. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị mở rộng một số chỉ tiêu thử nghiệm kim loại nặng: Asen, Thủy ngân (As, Hg)…. Duy trì tốt công tác nuôi cấy mô tế bào, lưu giữ 06 chủng vi sinh vật tại phòng thí nghiệm; xây dựng mô hình trình diễn sản xuất 200m2 dưa lê Hàn Quốc trong nhà màng cải tiến, sản xuất 30.000 bịch nấm dược liệu (Linh Chi, Vân Chi), 6.400 phôi nấm mộc nhĩ đen, 1.200 quả thể nấm Đông trùng Hạ thảo, 300 kg giống nấm cung ứng cho hộ dân; tiếp nhận, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng cỏ Alfalfa, nhân giống Susu bằng công nghệ khí canh và nuôi cấy mô, kỹ thuật nhân trồng Táo 05. Hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh chưng cho Hợp tác xã Bánh chưng Tây Thiên và sản phẩm gạo Phú Xuân cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý.
Phong trào xây dựng “Người tốt việc tốt” các điển hình tiên tiến.
Năm 2020, đã có những điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cụ thể MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đóng góp bằng nhiều hình thức như tham gia hiến đất, hiến kế, hiến công, vật tư xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nghĩa trang, nhà văn hoá thôn, các khu vui chơi giải trí, các công trình công cộng, ước tính giá trị hàng ngàn tỷ đồng và rất nhiều ngày công lao động để xây dựng các công trình nông thôn mới.
Phương Mai