Vĩnh Phúc: Tăng tốc xây dựng chính quyền số
Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả tích cực trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm
Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thông tin số và dữ liệu số; xây dựng thể chế số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự thống nhất, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền số.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Ảnh: Trà Hương.
Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng đến các thôn, tổ dân phố, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh không ngừng được hoàn thiện, tối ưu nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân, đáp ứng quy trình tiếp nhận và xử lý giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị; bảo đảm liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và kết nối với các hệ thống thông tin theo quy định của Chính phủ.
Hiện hệ thống đã hoàn thiện tính năng số hóa hồ sơ và kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; có 701 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 516 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần.
Bên cạnh đó, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh đã thiết lập, kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng thanh toán tập trung quốc gia; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC) đang được đẩy nhanh tiến độ vận hành thử nghiệm...
Đến nay, các loại văn bản, giấy tờ chỉ đạo, điều hành của tỉnh chủ yếu ban hành dưới dạng văn bản điện tử, tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản đạt trên 99%.
Để người dân thuận lợi khi tham gia các giao dịch trên môi trường mạng, Công an tỉnh đã tập trung thực hiện công tác cấp căn cước công dân gắn chip, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; thành lập bộ phận giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Nhờ đó, tỷ lệ nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến tại các huyện, thành phố (bao gồm các xã, phường, thị trấn) đạt 99,39%; cấp tỉnh (sở, ban, ngành, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) đạt 60,48%.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Năm 2024 là năm thứ 3 UBND tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với nhiều chỉ tiêu mới, khó và lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số để đánh giá người đứng đầu.
Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền số, các cấp, ngành, địa phương tăng cường vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện từng chỉ tiêu chuyển đổi số được giao, quan tâm đầu tư kinh phí hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, tổ chức ký cam kết, giao chỉ tiêu đến từng phòng, ban, đơn vị.
Công chức bộ phận một cửa xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Trà Hương.
Đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức phát huy sáng kiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, chất lượng các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số được giao.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2024 về chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng, UBND thành phố Vĩnh Yên đã chỉ đạo 100% các phòng, ban, đơn vị trực thuộc ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, xử lý công việc; sử dụng các ứng dụng phần mềm phục vụ công tác chuyên môn.
Hiện nay, 100% văn bản đến và đi của UBND thành phố (trừ văn bản mật) đều được cập nhật và xử lý qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Việc gửi nhận văn bản điện tử có chữ ký số giữa các cơ quan nhà nước được sử dụng rộng rãi giúp giảm thời gian và chi phí, nâng cao mức độ an toàn, bảo mật cho các giao dịch.
Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư thiết bị để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong chế độ hội họp, tiến tới thực hiện các cuộc họp không giấy tờ. Trong tổng số 15 nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, đến nay, Vĩnh Yên đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 13 nhiệm vụ, 1 nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện do phần mềm chưa đưa vào hoạt động chính thức, 1 nhiệm vụ đang tiếp tục được triển khai.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu “Đến năm 2025 xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực - số”, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền số; phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số.
Đồng thời quan tâm xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thông tin số và dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, công chức; thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công nghệ thông tin, an toàn thông tin phục vụ chuyển đổi số của tỉnh…
Theo https://mic.gov.vn
https://mic.gov.vn/vinh-phuc-tang-toc-xay-dung-chinh-quyen-so-1972407091421368.htm