VNDirect bị tấn công, thiệt hại của nhà đầu tư xử lý như thế nào?

11:38, 26/03/2024

Chứng khoán VNDirect cho biết hệ thống bị một tổ chức quốc tế tấn công từ 10h ngày 24/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo tạm ngắt kết nối giao dịch của VNDirect cho đến sự cố được khắc phục được hoàn toàn.

 HOSE, HNX tạm ngắt kết nối giao dịch với VNDirect

Chiều 25/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo tạm ngắt kết nối giao dịch của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đến HOSE.

Căn cứ báo cáo của VNDirect về sự cố liên quan đến hệ thống giao dịch làm gián đoạn hoạt động giao dịch của công ty chứng khoán này, và để đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch, HOSE thông báo thực hiện ngắt kết nối giao dịch của VNDirect tới sở cho đến khi khắc phục được hoàn toàn sự cố.

Các công ty chứng khoán thành viên khác vẫn kết nối và giao dịch bình thường.

HOSE cho biết, đựa trên báo cáo kết quả khắc phục của VNDirect, sở giao dịch sẽ đánh giá và xem xét thời điểm cho đơn vị này được kết nối giao dịch trở lại.

Trước đó, trưa ngày 25/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Công ty Chứng khoán VNDirect tới HNX.

HNX cho biết động thái ngắt này là nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch sau khi sở này nhận được báo cáo của VNDirect về sự cố liên quan tới hệ thống giao dịch làm gián đoạn hoạt động giao dịch.

Chi tiết hơn, HNX thông báo tạm thời ngắt kết nối giao dịch từ xa và giao dịch trực tuyến trên các thị trường giao dịch chứng khoán niêm yết, giao dịch chứng khoán đăng ký giao dịch, giao dịch chứng khoán phái sinh, giao dịch công cụ nợ và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của CTCK VNDirect tới SGDCK Hà Nội kể từ ngày 25/3 cho đến khi VNDirect khắc phục được hoàn toàn sự cố. Các thành viên khác vẫn kết nối và giao dịch bình thường.

Hệ thống chứng khoán VNDirect bị tấn công, công an đã vào cuộc

VNDirect bất ngờ gặp sự cố bị tấn công hệ thống từ sáng 24/3. Đến ngày thứ Hai 25/3, hệ thống của đơn vị vẫn chưa thể khắc phục, dẫn đến khách hàng có tài khoản tại VNDirect không thể theo dõi danh mục, thực hiện đặt lệnh mua bán cổ phiếu.

Trong thông báo phát đi sáng 25/3, VNDirect cho biết hệ thống đã bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế, dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch tạm thời không truy cập được.

"Đội ngũ công nghệ công ty đã nỗ lực hết sức để khôi phục nhưng do hạ tầng dữ liệu rất lớn nên sẽ cần thêm thời gian để kết nối", phía VNDirect giải thích.

Đại diện VNDirect cũng cho biết đang làm việc với các đối tác là các tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng như đã phối hợp xử lý cùng PA05, A05 - cơ quan ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

"Có rất nhiều cá nhân hoặc đội nhóm lợi dụng thời điểm này để tung các tin đồn bất lợi ảnh hưởng tới thị trường và VNDirect", đại diện phía công ty cho biết.

Tính đến 16h ngày 25/3, trang chủ VNDirect vẫn thông báo hệ thống đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại.

Trong thông báo mới nhất, VNDirect cho biết đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại. Toàn bộ thông tin và tài sản của Khách hàng đều được đảm bảo trạng thái an toàn, không bị ảnh hưởng. Sự cố chỉ gây ảnh hưởng đến việc giao dịch hiện tại của Quý khách hàng.

"Chúng tôi đang tiến hành kết nối lại hệ thống, do dữ liệu quá lớn nên mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì những bất tiện của quý khách hàng và rất mong nhận được sự thông cảm," VNDirect cho biết.

Trong quá khứ, ngày 6/4/2022, VNDirect cũng gặp sự cố không thể truy cập vào website, bảng giá trên cả máy tính và thiết bị di động với lý do "Tên miền đã hết hạn sử dụng".

Nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi không thể giao dịch

Việc khách hàng giao dịch tại VNDirect không thể đăng nhập vào hệ thống, đồng nghĩa với không thể theo dõi danh mục hay phát sinh bất kỳ giao dịch (mua/bán) cổ phiếu vào phiên đầu tuần. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư lỡ nhịp khi không thực hiện được các lệnh mua/bán tại sàn giao dịch VNDirect.

Nhiều nhà đầu tư còn bày tỏ lo lắng với số dư tiền đang để ở tài khoản chứng khoán và lo sợ bị lộ thông tin tài khoản cá nhân ra ngoài.

Việc để sự cố xảy ra với hệ thống chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sau này dễ diễn ra tình trạng nhà đầu tư sẽ chuyển sang các công ty chứng khoán khác nhằm đảm bảo an toàn hơn. Nguyên tắc là công ty chứng khoán cũng phải có hệ thống dự phòng nhằm trường hợp bị tấn công thì sẽ chạy song song hệ thống còn lại để đảm bảo tính liên tục giao dịch.

Thực tế, sự cố này đã trở thành đề tài bàn luận rôm rả trên các hội nhóm, diễn đàn về chứng khoán. Trong khi thông cáo của doanh nghiệp thừa nhận "chúng tôi đã có một ngày khó khăn" thì các môi giới của VNDirect cũng đang trải qua thời gian vất vả để ổn định tâm lý khách hàng.

Phía Công ty chứng khoán VNDirect có khả năng sẽ mất đi một lượng khách hàng và uy tín bị ảnh hưởng. Bởi thị trường hiện tại đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ khi các công ty chứng khoán để giành thị phần.

Đáng chú ý, không chỉ VnDirect, hai công ty liên quan khác là Bảo hiểm Bưu điện PTI và Công ty TNHH MTV quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A cũng bị tấn công. Cả PTI và IPAAM đều có liên quan tới VNDirect.

Hiện VNDirect là cổ đông lớn thứ hai tại PTI, sở hữu hơn 16 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 20% vốn cổ phần. Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị PTI cũng là Chủ tịch của VNDirect.

Thị trường chứng khoán giảm sâu trong phiên VNDirect bị đánh sập

Trong ngày gặp sự cố, cổ phiếu VND ghi nhận giảm 1,44% về 23,950 đồng/cp. Thanh khoản tăng cao đột biến. Cụ thể, khối lượng giao dịch phiên 25/3 đạt 86,3 triệu cp, toàn bộ là khớp lệnh. Khối lượng này gấp 3 lần mức bình quân phiên qua 1 quý và cao thứ hai lịch sử giao dịch mã này, chỉ thấp hơn phiên 6/7/2023 (105,9 triệu cp).

Các mã cổ phiếu chứng khoán khác như VCI và VDS đều giảm trên 3%, các mã CTS, HCM, AGR, MBS, SSI, FTS, BVS... cũng chìm sâu trong sắc đỏ.

Một trong những nguyên nhân chính kéo chỉ số xuống vùng đỏ là cổ phiếu ngân hàng giảm khá sâu. Cụ thể, CTG giảm 2,8%, STB giảm 2,53%, ACB giảm 2,31%, BID giảm 2,21%, MSB giảm 1,99%, LPB giảm 1,49%, MBB giảm 1,4%, SSB giảm 1,12%...

Sắc đỏ chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu bất động sản. Các mã giảm sâu có thể kể đến như VRE giảm 2,43%, KBC giảm 1,96%, VCG giảm 1,17%, SZC giảm 1,73%.

Theo thống kê, MSN, GVR, CTG, VCB, BID là các mã gây áp lực lớn nhất lên VN-Index trong phiên chiều. Càng về gần cuối phiên, chỉ số chung càng có diến biến trượt điểm nhiều hơn với mã giảm. Khối ngoại duy trì đà bán ròng với tổng giá trị ròng đạt 540.58 tỷ, tập trung bán VND, VHM, SHB.

Kết phiên 25/3, VN-Index giảm 13,94 điểm xuống 1.267,86 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 12,24 triệu đơn vị, tương ứng trên 29.258,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 119 mã tăng giá, 351 mã giảm giá, 71 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,87 điểm xuống 240,81 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 131 triệu đơn vị, tương ứng trên 2.924,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng giá, 93 mã giảm giá và 69 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,14 điểm lên 91,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 38 triệu đơn vị, tương ứng trên 530,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 126 mã tăng giá, 129 mã giảm giá và 94 mã đứng giá.

Theo Tạp chí Thương trường

(https://thuongtruong.com.vn/news/vndirect-bi-tan-cong-thiet-hai-cua-nha-dau-tu-xu-ly-nhu-the-nao-118729.htm)