VNR vướng phải nhiều phản đối khi nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật

17:49, 28/11/2021

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhiều bộ, ngành không ủng hộ việc nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật theo đề xuất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ: Bộ đã xem xét kiến nghị của VNR về việc xin được nhập khẩu và khai thác 37 toa xe tự hành đã qua sử dụng của Nhật Bản. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông đường sắt đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ nên việc này vượt quá thẩm quyền của Bộ.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, việc nhập khẩu những toa xe sản xuất từ năm 1979 - 1982 cũng sẽ có những ảnh hưởng, tác động đến môi trường nếu vận hành tại Việt Nam. Và việc nhập khẩu các phương tiện đã sử dụng quá lâu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nghề này trong nước.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đã xin ý kiến của các bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa họa và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường để có cơ sở báo cáo Chính phủ xem xét.

Theo đó, các bộ này đều cho rằng đề xuất nhập khẩu và khai thác toa xe tự hành DMU đã qua sử dụng của Nhật Bản là không đúng với Nghị định 65. VNR cũng chưa đánh giá một cách cụ thể, chi tiết về các nội dung như tình trạng kỹ thuật an toàn, chi phí hoán cải, hiệu quả đầu tư, kế hoạch dự kiến vận hành, công tác vận hành, bảo trì, giải pháp xử lý nếu các toa xe không đáp ứng quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Việt Nam...


Nhiều bộ, ngành không ủng hộ việc nhập 37 toa tàu cũ từ Nhật của VNR.

Các đây không lâu, ngày 18/11, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng có văn bản nêu việc nhập khẩu 37 toa xe nêu trên là không phù hợp với quy định hiện hành. Thế nhưng, với mong muốn rằng dự án này là hoạt động tượng trưng cho mối quan hệ hữu nghị Nhật Bản và Việt Nam, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn Việt Nam chấp thuận cho phép VNR nhập khẩu 37 toa xe để khai thác vận hành.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng xét về mặt luật pháp, căn cứ theo Luật Đầu tư, Luật Xuất nhập khẩu, Luật Khoa học và công nghệ thì rõ ràng việc nhập khẩu tài sản, máy móc thiết bị đã qua sử dụng phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí khắt khe, trong đó trọng tâm là phải còn 70% giá trị sử dụng.

“Nghị định 65/2018 quy định tại Điều 18, niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe chở khách không quá 40 năm, đối với toa tàu đã qua nhập khẩu thì không quá 10 năm với chở khách và 15 năm với chở hàng, như vậy xét về mặt luật pháp là không được”, ông Thịnh cho hay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng trong khoảng 10-20 năm nữa,việc chúng ta sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt hiện nay là gần như chắc chắn. Vì vậy, việc nhập 37 toa tàu này có thể xem xét.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có văn bản đề xuất gửi tới Chính phủ cho phép nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản được sản xuất từ năm 1979 - 1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao với giá 0 đồng để cải tạo, khai thác.

Đại diện lãnh đạo VNR cho biết 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979-1982 do Công ty đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác.

Cũng theo đại diện lãnh đạo VNR, những toa tàu của phía Nhật Bản chuyển giao nếu mua mới có giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng/toa, như vậy mua 37 toa sẽ tiêu tốn 1.110 tỷ đồng nhưng khi nhập khẩu 37 toa tàu cũ thì chỉ mất chi phí vận chuyển, hải quan... vào khoảng 140 tỷ đồng.

Dung Hoàng (T/h)