VPBank trình phương án chia cổ tức tỷ lệ 80% bằng cổ phiếu

11:54, 15/07/2021

HĐQT VPBank xin ý kiến cổ đông phát hành thêm hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ chia là 80%, để nâng vốn điều lệ lên từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) vừa công bố tờ trình xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021.

Cụ thể, HĐQT ngân hàng đề xuất phát hành thêm hơn 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ chia là 80%, để nâng vốn điều lệ lên từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng. 

Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý III và/hoặc quý IV năm nay.

Nếu phương án này được thông qua, VPBank sẽ trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất toàn ngành. 

Nguồn vốn sử dụng để tăng vốn đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ đầu tư, dự trữ. Tính lũy kế tới ngày 31/12/2020, nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ đầu tư phát triển của VPBank là khoảng 19.511 tỷ đồng; nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ khoảng 808 tỷ đồng.

Mục đích của việc chia cổ tức nhằm nâng cao năng lực kinh doanh và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vốn.

VPBank lấy ý kiến bằng văn bản về việc thông qua phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ 2021.

Trước khi VPBank chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức tăng vốn, ngân hàng sẽ triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP).

Theo đó, VPBank sẽ trích 15 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân nhiên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được giải tỏa dần qua các năm.

Với nguồn tiền thu được từ đợt chào bán, VPBank có kế hoạch sử dụng để bổ sung cho các hoạt động cho vay của ngân hàng.

Trong phiếu lấy ý kiến cổ đông, VPBank đề nghị cổ đông gửi lại phiếu ý kiến chậm nhất ngày  27/7/2021 tính theo dấu bưu điện hoặc thời gian nhận thư điện tử.

Liên quan đến room tín dụng, được biết, NHNH đã có văn bản chấp thuận nới room tín dụng năm 2021 của một số nhà băng, trong đó, có ngân hàng được nới từ 8,5% lên 12,1%; có ngân hàng được nới từ 10,5 lên 15%...

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các nhà băng thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Cụ thể, nhà băng được yêu cầu cấp tín dụng với khách hàng theo đúng quy địnhcủa pháp luật, chỉ đạo của NHNN về các giải pháp hoạt động tín dụng trong năm 2021.

Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Chấp hành các quy định pháp luật về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng với khách hàng, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu….

Tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán… Giảm dần tỷ trọng cho vay với bất động sản, tăng cường quản lý ro với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ.

 Phương Mai