VTV đẩy mạnh việc bảo vệ bản quyền FIFA World Cup 2022

10:28, 29/11/2022

Tính đến thời điểm này, VTV đã phát hiện và xử lý hàng trăm kênh vi phạm bản quyền liên quan đến Giải vô địch bóng đá Thế giới 2022 trên các nền tảng mạng xã hội.

Kể từ ngày khai mạc FIFA World Cup 2022, Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp để đảm bảo người dân được xem trọn vẹn giải đấu này. Bởi tình trạng vi phạm bản quyền đã diễn ra từ lâu nay, đơn cử như chỉ trong 3 ngày từ khi FIFA World Cup năm 2018 khai mạc, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền trên Internet.

Do vậy, năm nay VTV và các đơn vị liên quan đã đưa ra các giải pháp có cả công nghệ và quy định pháp luật, nhằm hạn chế tối đa những vi phạm về bản quyền trong thời gian diễn ra giải bóng đá hấp dẫn nhất này.

Trong những ngày diễn ra FIFA World Cup 2022, công việc của đội ngũ kỹ thuật của VTV là chủ động rà soát toàn bộ các vấn đề về bảo mật tín hiệu đường truyền, thực hiện mã hóa tín hiệu để đảm bảo tín hiệu phát sóng không bị phát tán ra ngoài một cách bất hợp pháp.

Đi cùng với đó là sự hỗ trợ của FIFA trong việc thực thi bảo vệ bản quyền bản quyền World Cup. Đơn cử là khi VTV báo cáo các trường hợp vi phạm, FIFA sẽ có công cụ xử lý hạ trang/kênh vi phạm trong vòng 2 phút.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam cho hay: "Chúng ta thực hiện phương án rà quét song song khi trận đấu bắt đầu. Về việc này thì phương án của FIFA cũng tương đối hoàn chỉnh. Khi trận đấu đã kết thúc rồi một loạt các trang mạng xã hội cũng sẽ đưa thông tin lên nữa, llúc đấy chúng tôi sẽ phải sử dụng hệ thống rà quét của Đài, cũng như của cục Phát thanh Truyền hình để rà quét và xử lý tiếp các vi phạm còn tồn tại".

Hiện nay, hành lang pháp lý hỗ trợ bảo vệ bàn quyền trên môi trường Internet ngày càng hoàn thiện. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, trong đó có một nội dung rất mới liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị trung gian thứ 3, trong đó vai trò của các nhà mạng cũng được nâng lên.

"Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ gửi thông báo các hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet thì các đơn vị trung gian phải có trách nhiệm tháo gỡ, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa khả năng để những người khác truy cập vào các đường truyền đó", Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty Luật Bross & Partners cho biết.

Bà Phạm Thị Kinh Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay: "Nay đã có cơ chế để đưa ra đề xuất trực tiếp từ chủ thể quyền, tạo điều kiện cho chủ thể quyền phối hợp cùng các ASP để xử lý vấn đề bản quyền trên môi trường số. Nếu các ASP đã nhận được các khiếu nại, khiếu kiện này, các phản ánh này những vẫn cố tình không gỡ bỏ mà không có lý do hợp lý thì họ sẽ phải có trách nhiệm liên quan".

Tính đến thời điểm này, VTV đã phát hiện và xử lý hàng trăm kênh vi phạm bản quyền liên quan đến Giải vô địch bóng đá Thế giới 2022 trên các nền tảng mạng xã hội.

Bên cạnh các biện pháp về kĩ thuật, khán giả cùng đồng hành trong việc bảo vệ bản quyền World Cup bằng cách theo dõi các trận đấu trên các kênh sóng và nền tảng số chính thức của VTV. Có như vậy chúng ta mới có một mùa World Cup trọn vẹn, cũng như bảo vệ hình ảnh của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

 Thùy Chi (T/h)