Vụ Bưu chính báo cáo kết quả thi hành Luật Bưu chính

16:25, 23/03/2024

Mới đây, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Bưu chính. Tại hội nghị, Vụ Bưu chính đã báo cáo kết quả thi hành Luật Bưu chính với nhiều điểm đáng chú ý.

Trong báo cáo kết thi hành Luật Bưu chính, Vụ Bưu chính chỉ rõ những hướng dẫn thi hành luật chú trọng vào những điểm đáng chú ý như sau:

Luật Bưu chính số 41/2009/QH12 bao gồm 09 chương và 46 điều, để thi hành luật một cách có hiệu quả và toàn diện thì Chính phủ đã ban hành 5 nghị định và riêng Thủ tướng đã có 4 quyết định liên quan. Để hiệu quả và thực tiễn cao nhất còn có 28 thông tư từ Bộ TT&TT cùng 2 thông tư liên tịch. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ và các cơ quan ban ngành, đặc biệt ngành TT&TT đã tạo ra những kết quả ban đầu vô cùng ấn tượng, qua những con số là minh chứng hùng hồn cho khát vọng và nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp và ngành.

Kết quả thực hiện Luật Bưu chính - Nguồn: Vụ Bưu chính.

Một số vấn đề đặt ra cho ngành bưu chính

Một số vấn đề nổi cộm của ngành được chỉ ra, trong đó nhấn mạnh sự chồng chéo giữa dịch vụ bưu chính với vận tải hàng hóa, điều này dẫn tới câu hỏi là làm thế nào để phân định dịch vụ bưu chính và dịch vụ vận tải hàng hóa (do 02 bộ khác nhau quản lý). Hiện nay, tiêu chí phân biệt giữa hai dịch vụ này (nếu cần phân biệt) là câu hỏi mà chúng ta hiện chưa có câu trả lời.

Trong khi đó, phạm vi cấp giấy phép bưu chính thì hiện nay, Bộ TT&TT cấp giấy phép bưu chính cho dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng lên đến 02kg. Mặc dù, tỷ trọng sản lượng gói kiện hàng hóa trong tổng sản lượng bưu gửi là trên 90%. Như vậy, có cấp GPBC cho doanh nghiệp chuyển phát gói, kiện hàng hóa như chuyển phát thư hay không?

Bên cạnh đó, điều kiện cấp giấy phép có cần cụ thể, chi tiết hơn hay không? Hiện nay, điều kiện cấp GPBC không có các tiêu chí định lượng (về tài chính, nhân sự, hạ tầng, hệ thống kỹ thuật...).

Nhiều vấn đề còn chưa cụ thể ở góc độ này, như về điều kiện tài chính, ký quỹ cần thiết là bao nhiêu? trong đó tại yêu cầu về nhân sự thì chưa có cụ thể tối thiểu là như thế nào, trình độ chuyên môn ra sao, đào tạo theo hướng gì, lộ trình gì cũng như phần hạ tầng. Về điều này thì luật chưa quy định rõ, yêu cầu về số lượng bưu cục, cơ sở khai thác, điểm phục vụ, xe ôtô, xe máy...

Trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính thì vẫn chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện, cách thức kiểm tra, xử lý về an toàn, an ninh bưu chính. Cần thiết bổ sung quy định về an toàn, an ninh bưu chính.

Ngoài ra, bổ sung yêu cầu đối với hệ thống CNTT của doanh nghiệp bưu chính phải lưu trữ dữ liệu thế nào (ở đâu, bao lâu, mức độ khả dụng thế nào...).  Trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính thì chất lượng dịch vụ bưu chính ngoài công ích do doanh nghiệp bưu chính tự công bố, áp dụng dẫn tới việc theo dõi giám sát và đánh giá không được đầy đủ. 

Quản lý các doanh nghiệp bưu chính mô hình kinh doanh mới đã đặt ra rất nhiều thách thức, rất ít doanh nghiệp bưu chính tự thực hiện toàn bộ quy trình (4 công đoạn: chấp nhận, khai thác, vận chuyển, phát). Hầu hết các doanh nghiệp chỉ thực hiện một số công đoạn, có doanh nghiệp còn không tự thực hiện công đoạn nào, mà họ đi thuê, hợp tác với các doanh nghiệp khác để cung ứng tất cả công đoạn. Mặc dù bản chất là DN không tự thực hiện công đoạn nào nhưng vẫn chịu trách nhiệm toàn trình đối với dịch vụ bưu chính cung ứng cho khách hàng thì có được coi là doanh nghiệp bưu chính hay không? Nếu có thì cần thêm điều kiện gì để quản lý loại hình doanh nghiệp này không. 

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

https://dientuungdung.vn/vu-buu-chinh-bao-cao-ket-qua-thi-hanh-luat-buu-chinh