“Working Men” người Mông và hành trình 5.800 Km xuyên Himalaya
Sau những thông tin về chàng “Running Men” Vũ Xuân Tiến tạm lắng, mấy hôm nay, báo giới lại có dịp nhắc đến chàng trai người Mông Vừ Già Pó với hành trình lưu lạc khoảng 5.800 Km xuyên qua dãy Himalaya, rất xứng với biệt danh “Woking Men” (tên do báo đặt). Quả là một câu chuyện hy hữu.
Báo Pakistan viết về người lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc sang Pakistan
Dawn, một trong hai nhật báo tiếng Anh lâu đời và phổ biến nhất Pakistan, vào ngày 4/4 đã thuật lại chuyến lưu lạc kỳ lạ của một người đàn ông dân tộc Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) tên Vừ A Pó, đi từ Việt Nam sang tận Pakistan, đồng thời cho biết phía Pakistan đang tạo điều kiện để anh này hồi hương.
Hành trình của “Working Men” Vừ Già Pó từ Việt Nam tới Pakistan
Vừ Già Pó, một người Mông bị cho là mất tích cách đây 2 năm, không hiểu bằng cách nào đã lưu lạc hơn 5.800 km, băng qua dãy Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan). Sau đó, Pó đã bị giữ lại trong một đồn cảnh sát ở thị trấn Athmuqam, thủ phủ tỉnh Neelum (Pakistan) hồi tháng 11/2013 và cảnh sát địa phương không thể xác định được nhân thân của người đàn ông 37 tuổi này, bởi trong người Pó không hề có bất kỳ loại giấy tờ tùy thân nào, hơn nữa, ngoài tiếng Mông bản địa, anh không biết bất cứ ngôn ngữ nào khác.
“Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi quê hương của anh ấy được xác định và hy vọng là anh ấy sẽ sớm được đoàn tụ với gia đình”, Chỉ huy đồn cảnh sát địa phương Athmuqam Mohammad Yasin nói với nhật báo Dawn vào hôm 3/4.
Được biết, trước khi bị giải đến đồn cảnh sát ở Athmuqam, Pó đã bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt giữ tại vùng Azad Jammu và Kashmir sát biên giới với Ấn Độ, vì cho rằng anh đã lén thâm nhập vào Pakistan từ phía bang Jamu & Kashmir (Ấn Độ). Đây vốn dĩ là vùng tranh chấp căng thẳng, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt giữa hai quốc gia Nam Á.
Sau khi thẩm tra, Lực lượng Quân báo Pakistan đã giao Pó cho cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad vào tháng 10/2013. Cơ quan này không xác định được quốc tịch của anh, mặc dù đã nhờ một số công nhân Trung Quốc và Hàn Quốc của các nhà thầu xây dựng ở Muzaffarabad giúp đỡ, nên cuối cùng đã giải anh về đồn cảnh sát Athmuqam.
Tuy nhiên, Pó chưa bao giờ bị đối xử như tội phạm, theo Dawn. Anh được phép đi lại tự do trong khuôn viên đồn cảnh sát, thậm chí còn được bố trí ở khu nhà đổ trong khuôn viên, sau lưng trụ sở đồn.
Cảnh sát Athmuqam cuối cùng cũng đã đoán ra Pó đến từ Việt Nam vì anh đã tỏ ra rất phấn khích khi một quan chức của Tổ chức Lưỡi liềm đỏ địa phương cho anh thấy quốc kỳ và tờ tiền Việt Nam trên mạng internet. Và số phận của Pó đã rẽ sang một hướng tươi đẹp hơn khi bản tin về anh do Dawn công bố vào tháng 12/2013 lọt vào sự chú ý của Đại sứ quán Việt Nam ở Islamabad, theo tờ báo Pakistan.
Trong khi đó, một nhà hoạt động xã hội ở tỉnh Neelum đã đăng tải lên internet một đoạn video dài 2 phút ghi lại cảnh Pó yêu cầu được giúp đỡ để hồi hương. “Tôi là Vừ Già Pó đến từ xã Khâu Vai. Tôi là một người lương thiện, chứ không phải ăn trộm. Tôi đã theo ông Vu và ông Phinh và đã đến Trung Quốc để kiếm sống. Tôi có một người vợ và 5 đứa con sống ở Khâu Vai. Xin hãy giúp đưa tôi về lại Việt Nam. Tôi không phải là người Trung Quốc. Tôi là người Việt Nam”, anh Pó nói trong video.
Nhưng phải mất đến 2 tháng thông tin kèm hình của Pó mới đến được quê nhà xã Khâu Vai của anh và người nhà đã nhận ra anh, theo báo Thanh Niên.
Dựa theo bản tin của Dawn, chính quyền tỉnh Neelum đã đệ trình một báo cáo lên cơ quan nội vụ của vùng Azad Jammu và Kashmir vào ngày 6/1 để xin ý kiến chỉ đạo cách giải quyết cho trường hợp của Pó, tờ báo Pakistan cho hay.
Cơ quan nội vụ của vùng Azad Jammu và Kashmir sau đó đã chuyển thông tin cho Bộ phụ trách các vấn đề về Kashmir của Pakistan để nơi này báo cáo lại với Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ “nhằm có thêm giải pháp cho trường hợp này”, Dawn dẫn lời một quan chức Pakistan.
Sau cùng, hai quan chức thuộc Đại sứ quán Việt Nam ở Pakistan đã đến đồn cảnh sát Athmuqam và tại đây họ đã hoàn tất một số thủ tục để đưa Pó đi, theo Dawn.
Tờ báo Pakistan cho biết đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam bằng email vào hôm 3/4 để hỏi về tình hình của Pó. Phía Việt Nam cho biết, Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ Pakistan đã thông báo về vụ việc và hiện chính quyền Pakistan đang cố gắng tạo điều kiện để Pó hồi hương sớm nhất.
“Tại thời điểm này, tôi chỉ có thể thông báo với bạn rằng vụ việc đang tiến triển tốt đẹp”, Dawn dẫn lời Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan Phan Ý Nhân.
Căn nguyên lưu lạc
Cách đây 2 năm, người đàn ông dân tộc Mông tên là Vừ Già Pó, sinh năm 1977, ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã rời khỏi địa phương sang Trung Quốc làm thuê.
Câu chuyện vượt biên để lao động làm thuê kiếm sống không hề xa lạ với những người dân nơi cực Bắc của tổ quốc, nhưng trường hợp mất tích bí ẩn lâu và “kỳ bí” như anh Pó là chuyện hiếm thấy.
Lạ lùng hơn, không ai có thể hình dung được một người đàn ông không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân lại có thể vượt hàng nghìn cây số xuyên qua dãy Himalaya, được coi là “nóc nhà của thế giới” và trải dài 1.500 dặm, dọc theo biên giới của các nước Nepal, Ấn Độ, Butan, Pakistan và Tây Tạng (Trung Quốc), qua những nơi nóng bỏng nhất, căng thẳng nhất về tranh chấp lãnh thổ và được bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt.
Vợ Pó là Ly Thị Lía (35 tuổi), người cùng thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai. Hai người đều có cuộc sống bất hạnh riêng; Pó bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất nhỏ, còn Lía thì mồ côi bố, mẹ Lía đã đi thêm bước nữa. Hai số phận cùng cảnh ngộ, họ đã tìm đến nhau, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Khi ấy, Lía mới 16 tuổi.
Hai vợ chồng Pó có 5 người con, con gái lớn Vừ Thị Chúa (18 tuổi) đã đi lấy chồng xa. Cô con gái kế, Vừ Thị Hờ (16 tuổi) đang ở cùng mẹ với 3 người em trai là Vừ Mí Sua và Vừ Mí Chả (12 tuổi), Vừ Mí Vư (10 tuổi).
Cách đây 2 năm 3 tháng, đúng ngày 14 tết (âm lịch) năm 2012, Vừ Già Pó cùng 5 người trong thôn Lũng Lầu rời cao nguyên đá vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, những mong kiếm được chút ít tiền gửi về cho vợ nuôi con. Cả gia đình đặt hy vọng rất nhiều vào chuyến đi này của Pó, mong ngày về sẽ được một khoản tiền kha khá. Mong muốn chính đáng của gia đình Pó là có khoản thu nhập để bữa ăn các con có thịt, nhưng từ ngày ra đi, Pó biệt tích và chưa gửi về gia đình được một đồng nào.
Thời gian trôi đi, 3/6 người vượt biên cùng Pó bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giam 3 tháng rồi trao trả tại Lạng Sơn khiến chị Lía càng thêm lo lắng. Rồi nhóm 5 người đi sau cũng đã trở về. Nhưng họ chỉ có thông tin rằng, Pó đã trốn khỏi nơi làm việc từ lâu và không ai biết Pó ở đâu.
Sốt ruột quá, Lía đã báo cáo sự việc lên UBND xã Khâu Vai để có biện pháp tìm kiếm. Chị cũng đã nhờ chính quyền xã đưa bức ảnh cho chủ một doanh nghiệp trên địa bàn là người Trung Quốc để mang về nước tìm, nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả.
Theo chị Lía, trong lúc như “ngồi trên đống lửa”, chị còn bị một số đối tượng lừa bán con bò lấy 20 triệu để đưa cho họ mang sang Trung Quốc chuộc người. Nhưng người không thấy về mà số tiền 20 triệu cũng bặt tăm luôn. Từ đó, cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn gấp bội.
Gia đình và địa phương đang trông chờ Pó trở về
Khi hay tin đã tìm được chồng, Lía đã bán một mảnh nương và một con bò khác được 20 triệu, để chồng mua vé máy bay về nước. Nhưng đối với chị, trước mắt là lo khoản tiền đón chồng từ Hà Nội trở về, vì nghe nói họ chỉ đưa về đến sân bay Nội Bài, còn chi phí từ Hà Nội về nhà thì gia đình phải tự lo liệu.
Vừ Già Pó (giữa) đang ở Pakistan.
Theo ông Thào Mí Sính - Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc, Hà Giang, huyện có trên 40km đường biên giới, giáp 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) và có rất nhiều đường mòn, nên rất khó quản lý người dân vượt biên trái phép. Thời gian gần đây, tình trạng người dân trên địa bàn trốn sang Trung Quốc làm thuê rất nhiều. Những trường hợp này (vượt biên trái phép), không được sự bảo hộ và không theo một tổ chức nào của chính quyền 2 nước. Và giữa 2 huyện giáp ranh biên giới của 2 nước cũng đã có những buổi đàm phán và thỏa thuận nhằm để cho nhân dân 2 quốc gia có giấy thông hành, đi lại như một hình thức xuất khẩu lao động hợp pháp hơn.
Sau khi có thông tin về anh Pó đã lưu lạc sang tận Pakistan, xã đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin và tìm biện pháp khả thi đưa anh về nước sớm nhất.
“Chúng tôi cũng chỉ mong đưa công dân của mình về địa bàn càng sớm càng tốt, vì hiện nay gia đình anh Pó cũng đang rất khó khăn” - ông Nông Văn Ngay, Phó Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc chia sẻ.
Thanh Trà (tổng hợp)