Xăng dầu Việt Nam - chờ đợi sự thay đổi!
Chuyện xăng, dầu thế giới biến động thất thường từ lâu không còn là chuyện “xưa nay hiếm”, nhưng giữa giá cả trong nước và thế giới luôn có sự lỗi nhịp. Nguyên nhân đã được mổ xẻ nhiều và cách khắc phục cũng đã được đưa ra, tuy nhiên, cần có độ trễ để giải pháp đi vào thực tế cũng như nhìn nhận lại khách quan hơn.
Trước diễn biến lao dốc “không phanh” của giá dầu thế giới kể từ tháng 6/2014, giá xăng trong nước buộc phải điều chỉnh giảm liên tục 12 lần trong năm 2014 (lần đầu cuối tháng 7, lần sau cùng ngày 22/12), sau 5 lần tăng từ đầu năm. Kết quả 17 lần điều chỉnh tăng/giảm, giá xăng giảm tổng cộng 6.330 đồng/lít. Mức giảm này được cho là chưa tương xứng với mức giảm thực tế thị trường thế giới. Sang tháng thứ năm của 2015, sau 2 lần giảm, 3 lần tăng, tổng cộng xăng tăng 2.550 đồng/lít so với cuối 2014. Vẫn câu nói quen thuộc của cơ quan quản lý nhà nước: giá xăng đáng lẽ phải tăng cao hơn, tương ứng với giá thế giới… Liệu sự thật có phải như vậy?.
“Lệch pha” bởi độc quyền
Sau khi lập đỉnh 9 tháng vào ngày 19/6 ở mức 116 USD/thùng trên sàn Singapore, dầu thô ngọt nhẹ (WTI – loại dầu có chất lượng cao và được dùng làm dầu chuẩn để tính giá các loại dầu thô khác trên thế giới.) bắt đầu đi vào vùng “rơi tự do” và đến cuối tháng, đà giảm đã rõ nét hơn (114 USD/thùng). Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội xăng dầu Việt nam, giá xăng Platts Singapore (loại xăng chủ yếu được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam) theo phương thức FOB, kể từ sau thời điểm này có phiên giảm đáng kể, từ 126,22 USD/thùng (0,79 USD hay 16.865 đồng/lít) ngày 1/7 xuống 121,13 USD/thùng (0,76 USD tương đương 16.146 đồng/lít) ngày 14/7. Như vậy, giá xăng thế giới có biến chuyển rõ rệt, theo sát diễn biến dầu sau hơn 25 ngày dầu giảm giá, còn ở Việt Nam, con số đó là 39 ngày (28/7 đợt đầu tiên) và mức giảm (330 đồng/lít, tương đương 1,28% so với mức 4,26% của xăng Platts tại Singapore) cũng không tương ứng tỷ lệ. Nguyên nhân dẫn đến sự “lệch pha” đó là gì?
Có hai vấn đề cốt lõi là giá cơ sở - căn cứ để xác định giá bán lẻ xăng dầu – còn điểm bất hợp lý và vẫn phải “gánh” quá nhiều thuế, phí; quyền nhập khẩu xăng dầu chỉ nằm trong tay số ít doanh nghiệp đầu mối do phải có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được điều kiện do cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, tạo điều kiện cho một thị trường thiếu cạnh tranh…
Yếu tố nhiều người dân còn chưa hiểu rõ là giá cơ sở. Giá cơ sở hình thành từ giá nhập khẩu bình quân xăng Platts trong chu kỳ quy định (theo Nghị định 83 là 15 ngày từ 1/11/2014), cộng thuế, phí, chi phí, lợi nhuận định mức cho các doanh nghiệp xăng dầu, cộng (trừ) thêm từ quỹ bình ổn nếu giá hiện hành thấp (cao) hơn giá cơ sở. Trước khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 1/11 năm trước, thay thế cho Nghị định 84/2009/NĐ-CP tồn tại suốt 5 năm, chu kỳ tính giá cơ sở là 30 ngày. Quy định như vậy bị cho là quá dài, bởi nếu có những quãng thời gian 10 hoặc 15 ngày giá xăng thế giới tăng/giảm, mà vẫn phải tính giá theo bình quân cộng thêm cả 20 hoặc 15 ngày trước đó, kết quả sẽ bị pha loãng, không sát thực tế.
Nghị định 84 cũng tạo khoảng trống thời gian lớn cho các doanh nghiệp đầu mối nhỏ, với lợi thế quy mô nhỏ gọn, hạn ngạch nhập khẩu ít, tính toán lựa chọn thời điểm khi giá thế giới thuận lợi nhất (theo xu hướng thấp hoặc cao so cho với lượng bán trung bình ngày nhất định, doanh nghiệp có lãi) để nhập hàng và ngược lại. Nói cách khác, phải biết khai thác hiệu quả hạn ngạch ít ỏi. Chuyển sang chu kỳ tính giá mới 15 ngày, doanh nghiệp sẽ có ít sự lựa chọn hơn vì khoảng thời gian lựa chọn thời điểm đã ngắn hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn đương nhiên cũng có thể lựa chọn thời điểm nhưng vì quy mô lớn, hạn ngạch nhập khẩu lớn, sẽ tiêu thụ chậm hơn doanh nghiệp nhỏ gấp nhiều lần, thời gian quay vòng vốn sẽ lâu hơn. Như thế, Nghị định 83 đã hạn chế đáng kể doanh nghiệp đầu mối nhỏ lợi dụng, giá xăng dầu trong nước cũng bám sát hơn giá thế giới so với cách tính giá theo chu kỳ 30 trước kia.
Bên cạnh đó, xăng dầu còn là mặt hàng chiến lược, thiết yếu với cuộc sống, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, an ninh quốc gia, môi trường, là nguồn tài nguyên có hạn, rất nhạy cảm trước những biến động chính trị, kinh tế nên phải gánh thêm nhiều loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (ngoài các loại thuế, phí thông thường).
Theo tính toán của chuyên gia, riêng các loại thuế phí này đã chiếm tỷ trọng trên 30% giá bán lẻ (khoảng 8.000 đồng/lít xăng). Khi giá thế giới giảm mạnh, giá xăng Việt Nam giảm “từ tốn” hơn nhiều, mà một trong những nguyên nhân là thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này chưa giảm, các chi phí liên quan khác không có cơ hội giảm theo (vì thuế nhập khẩu cũng nằm trong công thức tính của nhiều loại thuế khác như Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt …). Đến khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 35% xuống 20% vào ngày 5/5 vừa qua, thuế BVMT lại tăng 3 lần lên 3.000 đồng/lít. Chung cuộc, giá xăng vẫn tăng (Bộ Công thương tính toán là 162 đồng/lít) dù trong đợt tăng giá mới nhất, giá xăng dầu thế giới đã giảm.
Các yếu tố khác như tồn kho, sản xuất nội địa chưa được xét đến khi tính toán giá xăng, thêm một bằng chứng cho thấy người tiêu dùng nghi ngờ thông tin mặt hàng quan trọng này có sự thiếu minh bạch, cơ chế điều hành giá còn vướng mắc, là có cơ sở. Hiện chuẩn giá bán lẻ (giá cơ sở do Nhà nước quy định và ban hành) xăng RON 92 là 20.430 đồng/lít.
Yếu tố tiếp theo là thị trường xăng dầu Việt Nam tới nay vẫn chưa đủ điều kiện trở thành thị trường cạnh tranh thực sự. Ở lĩnh vực này, Petrolimex vẫn giữ vai trò chủ đạo, tập đoàn hiện đang chiếm hơn 60% tổng hạn ngạch nhập khẩu, phần còn lại thuộc về 18 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đầu mối khác trong khi về thị phần xuất bán, Petrolimex chiếm 48% sản lượng nội địa (số liệu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam). Thực trạng này khiến “ông lớn” nhà nước Petrolimex nắm quyền hạn lớn trong việc “gia giảm” giá thị trường, vốn được xây dựng trên giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước (Liên bộ Tài chính – Công Thương) ban hành. Nhà nước định ra chuẩn (giá cơ sở), “đại gia” này đi trước thay đổi giá, vậy thị trường thuộc về ai? Và do là mặt hàng quan trọng với đời sống kinh tế, xã hội, sức tiêu thụ lớn nên không tránh khỏi hiện tượng “lợi ích nhóm” trong doanh nghiệp (gian lận trong sản xuất, pha chế, tính toán giá thành…). Trong khi nhiều ngành kinh doanh khác đã mở cửa cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, hội nhập sâu rộng với bên ngoài như lương thực – thực phẩm, điện tử, dịch vụ (bán lẻ, viễn thông, du lịch)… thì việc Petrolimex (doanh nghiệp Nhà nước) chiếm thị phần chủ đạo khiến xăng dầu Việt Nam như đang vùng vẫy trong chiếc áo chật.
Một ví dụ về loại hàng hoá rất gần với xăng dầu: Gas cũng là ngành kinh doanh thuộc họ nhiên liệu, nhưng khác hẳn với xăng về cơ chế vận hành giá. Thị trường gas nội địa có sự tham gia của gần 30 doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và phân phối gas thuộc các thành phần nhà nước, tư nhân, nước ngoài. Nếu như giá xăng dầu do Nhà nước quyết định, thì giá gas lại do doanh nghiệp đăng ký với Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) mà không cần sự chấp thuận (về cơ bản vẫn phải dựa trên giá nhập khẩu và chi phí đầu vào), trừ khi quá bất hợp lý Bộ mới can thiệp. Giá bán lẻ gas khác nhau còn phụ thuộc đầu vào và thương hiệu mỗi doanh nghiệp. Với số lượng hơn 100 thương hiệu, gas là thị trường cạnh tranh thực sự và chẳng thuộc về riêng ai. Lợi ích nhóm không phải không có nhưng cạnh tranh khốc liệt về giá, xuất phát từ cơ chế tự do là điểm khác biệt với thị trường xăng dầu.
Từ các ví dụ trên, có thể khẳng định, rào cản chưa thể gỡ bỏ để giá xăng dầu Việt Nam hội nhập thế giới chính là cơ chế giá theo xu hướng thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Giải thích cho điều này, nên hiểu Nhà nước vẫn cần can thiệp, hỗ trợ điều tiết cho đến khi thị trường phát triển đầy đủ cũng như hệ thống quy phạm pháp luật liên quan hoàn thiện. Tuy nhiên, kinh tế đa góc nhìn, cũng có ý kiến trong ngành cho rằng, xăng dầu trong nước bị cuốn theo thế giới và chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi quốc tế, còn thực chất, giá xăng dầu hiện nay rất minh bạch.
Chậm thay đổi, người dùng thiệt thòi
Sau 5 năm người dân và doanh nghiệp vận tải chịu thiệt thòi từ bất cập của Nghị định 84/2009/NĐ-CP, Nghị định 83/2014/NĐ-CP thay thế có hiệu lực ngày 1/11/2014 đã đạt được một số tiến bộ như chu kỳ tính giá cơ sở giảm còn 15 ngày, tần suất, biên độ điều chỉnh phù hợp hơn, tăng cường tính công khai, minh bạch…
Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt phải đa dạng loại hình doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, tạo cơ hội cho số doanh nghiệp này tăng lên, rút ngắn thời gian hình thành thị trường cạnh tranh tự do, bỏ lợi nhuận định mức, giảm bớt thuế phí… rồi mới tính đến việc từ từ thay đổi cơ chế định giá. Tuy nhiên, với việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 35% về 20% ngày 5/5 sau khi điều chỉnh tăng thuế BVMT từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, giá xăng thực tế vẫn không giảm, còn tăng nhẹ. Lý giải là do giá xăng dầu liên tục giảm mạnh kể từ nửa cuối 2014, tuy có tăng từ tháng 3/2015 nhưng duy trì ở mức thấp. Vì vậy, Bộ Tài chính lập luận, tăng thuế BVMT vừa khuyến khích sử dụng xăng sinh học, vừa là nguồn bù đắp cho nguồn thu bị hụt khi giảm thuế suất thuế nhập khẩu.
Dù bị cho là công tác điều hành giá của cơ quan quản lý nhà nước còn chậm, chưa bắt kịp xu thế thế giới, gây áp lực lên người tiêu dùng, song việc giá xăng trong nước giảm mạnh từ cuối tháng 7 năm ngoái đến tháng 3/2015, đã tạo tác động rõ rệt lên nền kinh tế: chi phí sản xuất giảm, giá cả hàng hoá ổn định hơn, tăng sức cầu tiêu dùng.
Năm 2015, giá dầu thế giới được nhận định tiếp tục giảm. Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Wood MacKenzie, giá xăng RON92 trung bình giao theo phương thức FOB tại Singapore (nước xuất khẩu xăng lớn nhất cho Việt Nam) năm 2015 có thể còn xuống khoảng 79,4 USD/thùng (0,499 USD hay 11.000 đồng/lít), tăng lên 92,8 USD/thùng vào 2016, tương đương 0,583 USD hay 12.800 đồng/lít theo tỷ giá USD/VND hiện hành. Tính đến thời điểm gần cuối tháng 5, giá xăng RON92 Platts Singapore là 83,97 USD/thùng (11.500 đồng/lít).
Những thay đổi mới là bước đệm đưa giá xăng dầu trong nước gần hơn với thế giới, đặc biệt trong điều kiện xã hội thông tin hiện đại và cơ chế truyền thông tương tác bình đẳng, hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước mà Việt Nam có được như ngày nay, người tiêu dùng có thể tin tưởng Việt Nam sớm hội nhập đầy đủ với kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa những ưu đãi rất lớn cho cả nền kinh tế và người dân đang chờ ở phía trước.
Vũ Cẩm Thịnh