Đặc công cho nổ tung kho xăng, cháy suốt 12 ngày

07:44, 27/05/2014

Phá hủy cơ sở vật chất, khí tài của địch vốn là mục tiêu của lực lượng đặc công. Và việc cho nổ kho xăng Nhà Bè là một trong những trường hợp điển hình.

Sau vụ làm nổ kho bom Thành Tuy Hạ (Đồng Nai) của lực lượng đặc công, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ráo riết tìm cách phục thù bằng mọi giá. Vì vậy, Trung đoàn đặc công Rừng Sác nhận tiếp chỉ thị của cấp trên là phải cho bốc cháy kho xăng Nhà Bè, để làm dịu “cái đầu nóng” của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Được canh phòng cực kỳ cẩn mật

Vốn từ một thương Cảng, kho xăng Nhà Bè được Mỹ biến thành quân cảng tiếp nhận nguyên liệu xăng dầu phục vụ cho cuộc chiến với hệ thống bố trí hoàn chỉnh của ba hãng xăng dầu lớn là: Caltex, Shell, Esso, trong đó Shell là kho lớn nhất, rộng 14ha với 72 bồn chứa hàng triệu lít xăng dầu. Đây được ví như "cái dạ dày nhiên liệu", cung cấp hơn một nửa lượng xăng, dầu cho các hoạt động dân sự và quân đội của Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Hình ảnh kho xăng Nhà Bè bị lực lượng đặc công Rừng Sác đột nhập phá hủy và cháy.

Giống như kho bom Thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà Bè cũng luôn được canh chừng cẩn mật, với hàng rào song sắt chẻ ba bùng nhùng, cao khoảng 3,5m. Bên trong hàng rào, còn bố trí chó nghiệp vụ, ngỗng, mìn, pháo sáng, hệ thống đèn pha, tháp canh. Cùng đó là vòng phòng thủ hỗn hợp, bảo vệ từ trên không đến dưới mặt đất và hệ thống thủy địa. Trên không là máy bay trinh sát L19 và 4 chiếc trực thăng thay nhau tuần tra, canh gác hàng giờ, còn “vùng Rừng Sác" cũng được canh giữ, theo dõi suốt 24/24h.

Việc tổ chức ra vào của công nhân ở đây gắt gao, mỗi người đều có thẻ nhận dạng do Shell cung cấp sau khi thẩm tra lý lịch kĩ càng. Nếu vào trong 100m phải có giấy phép đặc biệt của Cảnh sát yếu nhu. Tại khu bơm xăng, bảy công nhân làm việc dưới sự giám sát của 13 nhân viên an ninh, mật báo.

Do đó, việc phá hủy kho xăng này là bài toán nan giải cho nhóm các chiến sỹ đặc công đội 5, được Đoàn 10 – Đặc công Rừng Sác giao phó.

Quyết đốt, phá bằng được kho xăng Nhà Bè

Sau 14 tháng điều tra, đội 5 cử ra 8 chiến sỹ tinh nhuệ nhất, tổ chức thành hai tổ để thâm nhập vào "con đường máu". Họ gọi nhiệm vụ này là "con đường máu" bởi vào được nhưng có thể không thể trở ra. Đội đã trù tính đến 11 tình huống có thể xảy ra, để tìm cách ứng phó. Đoàn 10 Rừng Sác còn làm lễ xuất quân cho các chiến sỹ cảm tử quân. Trong lễ xuất quân, phân đội phó đội 5 Hà Quang Vóc (sau này được phong Anh hùng) đã thề "chưa đốt kho Shell, chưa trở về". Tám chiến sỹ cảm tử quân cũng đã giao ước với nhau: "Người nào về được, nhắn lời thăm anh em ở nhà và bà con Rừng Sác".

Thả trôi, một kỹ thuật khó buộc phải huấn luyện đối với người đặc công nước.

Vào một đêm tối trời, khi thủy triều từ cửa biển Vũng Tàu theo sông Lòng Tàu chảy xiết vào Nhà Bè, 8 chiến sĩ đặc công Rừng Sác liên kết với nhau bằng một sợi dây, thả mình bập bềnh trên mặt nước, trôi từ từ hướng về kho Shell. Với kỹ thuật điêu luyện, họ dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật phía ngoài.

Sau khoảng nửa tiếng dò xét trước hàng rào chống đạn B41 của kho, các chiến sĩ đặc công cảm nhận có dấu hiệu bị lộ khi thấy một toán lính hô hoán và tiến đến. Nhưng một lúc sau, tốp lính đi khỏi, các chiến sỹ ta mới biết đó là “hô giả”. Sau đó, họ tiếp tục cắt rào để xâm nhập vào khu kho và toàn tổ đã vượt qua được một bãi đất trống rộng khoảng 200m2. Khi tiếp cận được hàng rào cao 1,5m thì họ bị một luồng ánh sáng quét ngang mặt. Liền đó, có hai tốp lính tiến đến và sự xuất hiện của hai tốp lính làm hai tổ đặc công phải tìm cách tránh rồi chia làm hai. Một người lính (trong tốp) đi đến chỗ anh tổ trưởng nằm, các chiến sỹ khác đã chuẩn bị "ra tay", nhưng rồi tốp lính đã quay trở ra và đi tuần tra tiếp. Cuối cùng, “trận địa” của kho xăng Nhà Bè được liệt vào dạng kiên cố nhất nhưng vẫn bị các chiến sỹ đặc công của ta đột nhập và tiêu diệt.

Khoảng 0h35’, kho Shell bùng nổ. Còi báo động rú lên inh ỏi, liên hồi. Tàu chiến, xuồng máy chạy hỗn loạn trên sông. Còn trên bầu trời, máy bay trực thăng, phản lực quần đảo liên tục, tiếng gầm rú xé toang màn đêm Sài Gòn.

Khi cả 8 chiến sĩ đặc công vừa thoát ra đến giữa sông thì bị phát hiện, mọi người nhanh chóng tháo dây liên kết với nhau để mỗi người tỏa đi một hướng. Tại kho xăng lúc này, những tiếng nổ lục bục liên tục phát ra, kèm theo đó, từng cột khói, cột lửa bốc lên thành những vừng hồng, sáng bừng cả bầu trời. Khói đen của đám cháy kho xăng phủ kín bầu trời Sài Gòn.

Kho xăng Shell đã bốc cháy dữ dội suốt 12 ngày đêm. Vụ cháy đã nhanh chóng lan sang kho của các hãng Calltex, Esso, buộc hai kho này phải mở van xả bỏ, làm dầu, xăng lênh láng dọc trên sông Sài Gòn, sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp đến tận khu vực Vòm Láng (Gò Công). Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cùng lực lượng quân sự Mỹ đã tập trung tất cả các loại phương tiện chữa cháy, kể cả dùng máy bay rải chất hóa học nhưng cũng không dập tắt nổi.

Sự kiện đã gây rúng động trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong lẫn ngoài nước. Ngay sau khi sự kiện xảy ra, tờ báo Độc Lập đăng: "Rạng sáng 3/12/1973, kho xăng Nhà Bè bị pháo kích 49 quả đạn". Còn báo chí phương Tây và báo Sài Gòn đưa tin: Kho Shell hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 35 triệu gallon xăng, dầu, tương đương 250 triệu lít, 12 bồn butaga, 1 tàu dầu Hà Lan 12 nghìn tấn, một cơ sở lọc dầu, một cơ sở trộn nhớt và một kho chứa lương thực, tổng thiệt hại ước khoảng 20 triệu USD.

Trận đánh đã làm cho chính quyền Sài Gòn bị thiếu hụt trầm trọng về xăng dầu, và “điên đầu” bởi không rõ Việt cộng đã đánh bằng cách nào, ở đâu… Họ cho rằng: "Đây là trận đánh do nội tuyến kết hợp với đặc công Việt cộng thực hiện". Sau đó Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ra lệnh ngừng cuộc hành quân lên Kiến Đức, hủy bỏ kế hoặch đánh phá vào vùng Giải phóng.

Hồ sơ về sự kiện cháy kho xăng Nhà Bè sau đó được chất đầy bốn tủ sắt.

Thanh Trà (tổng hợp)