“Đường Hồ Chí Minh” trên biển huyền thoại

07:35, 23/05/2014

14 năm ròng chuyên chở vũ khí đạn dược vào Nam, “Đoàn tàu không số” đã trải qua hơn 20 cơn bão, chiến đấu với 300 lượt tàu địch, 1200 lượt máy bay địch... cùng bao hy sinh thầm lặng, tạo nên “đường Hồ Chí Minh” trên biển.

Hình thành “đường Hồ Chí Minh” trên biển

Đầu những năm 1960, tuyến giao liên Trường Sơn-559 làm nhiệm vụ vận chuyển, chi viện chiến trường Miền Nam đã hoạt động, nhưng chủ yếu mới đưa được người và vũ khí vào các tỉnh khu 5, còn các tỉnh ven biển phía Nam thì chưa tới được.

Thời kỳ này, phong trào cách mạng Miền Nam đang phát triển mạnh, nhu cầu về vũ khí cho chiến trường Miền Nam đang là đòi hỏi cấp bách, có tính sống còn.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng về việc vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển, từ cuối năm 1961 đến đầu 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của 4 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh đã chạy ra miền Bắc an toàn. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thuỷ 759, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường Miền Nam.

Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Đoàn tàu không số tại Cảng Bính Đông Hải Phòng năm 1970.

Những chiến sỹ Hải quân mưu trí, dũng cảm trên biển

Giai đoạn đầu (1962-1963), do chưa có phương tiện, vận chuyển bằng tàu gỗ nên phải đi sát bờ, cực kỳ nguy hiểm. Thế nhưng nhờ mưu trí, xử lý tình huống tốt, các chiến sỹ Hải quân của ta đã thực hiện thành công.

Ngày 11/10/1962, chiếc thuyền gỗ gắn máy mang tên “Phương Đông 1” xuất phát từ bến Đồ Sơn (Hải Phòng) do ông Bông Văn Dĩa và Lê Văn Một chỉ huy, chở 30 tấn vũ khí, là chuyến đi đầu tiên. Sau 5 ngày đêm ròng rã, Phương Đông 1 đã cập bến Rạch Gốc (Cà Mau) an toàn. Thế là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Biển Đông đã chính thức được mở.

Việc sử dụng thuyền gỗ gắn máy, đi sát bờ biển (phương pháp địa văn), đã vận chuyển trót lọt được 178 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam.

Khoảng năm 1963/1964 việc vận chuyển vũ khí đã được “nâng tầm”, thay bằng tàu sắt có trọng tải lớn hơn và máy khỏe hơn, có thể đi xa bờ. Lúc này, Đoàn 759 được chuyển giao về Quân chủng Hải quân với phiên hiệu Đoàn 125. Đây là giai đoạn vận chuyển tích cực nhất, hiệu quả nhất của Đoàn 125.

Với những con tàu sắt có trọng tải lớn, chở được nhiều hơn, đi xa bờ hơn, ta đã vận chuyển được 80 chuyến, với hơn 4.000 tấn vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng lớn của quân dân Miền Nam như chiến thắng Ấp Bắc (1963), Núi Thành, Vạn Tường (1965).

Tháng 12/1964, tàu 56 của Đoàn 125 chở 44 tấn vũ khí vào Bà Rịa (tháng 12/1964). Tại đây, một Trung đoàn bộ đội chủ lực tay không đã chờ sẵn, tiếp nhận vũ khí để tham gia chiến dịch Bình Giã và góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông-Bắc Sài Gòn.

 

Một trong những con tàu không số đang vận chuyển vũ khí trên biển vào miền Nam.

Liên tục thay đổi hướng, cách vận chuyển

Khi công tác vận chuyển vũ khí trên biển đang phát triển thuận lợi, một việc không may đã xảy ra. Ngày 16/2/1965, tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy, chở 63 tấn vũ khí trong lúc vào bến Vũng Rô - Phú Yên thì bị địch phát hiện. Chúng cho nhiều máy bay, tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh đến bắn phá, tấn công. Các thủy thủ tàu 143 được sự hỗ trợ của lực lượng bến đã tổ chức chiến đấu bảo vệ tàu. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch, ta phải tổ chức rút lui và cho nổ bộc phá huỷ tàu. Song phá không hết. Thế là con đường vận chuyển vũ khí bí mật bằng đường biển đã bị lộ... Mặc dù trước đó, tàu 41 đã chở 3 chuyến vào Vũng Rô thành công. Và việc vận chuyển vũ khí trên biển buộc phải gián đoạn một thời gian.

Năm 1968, chúng ta đổi hướng từ vận chuyển trực tiếp sang gián tiếp. Đoàn 125 được giao nhiệm vụ tổ chức chiến dịch vận tải gián tiếp (VT-5), đưa vũ khí, hàng hoá từ Hải Phòng vào sông Gianh, để từ đó hàng theo đường bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Và từ tháng 11/1968 đến tháng 6/1969, Đoàn đã huy động 542 lượt/chuyến tàu, vận chuyển được hơn 30 nghìn tấn hàng chi viện chiến trường.

Những năm 1969-1972, địch phong toả ngày càng nghiêm ngặt. Nhưng địch càng phong toả, ta càng tìm nhiều phương thức vận chuyển vũ khí vào chiến trường Miền Nam. Tháng 8/1969, tàu 42 được cải dạng thành tàu nghiên cứu biển, đã tổ chức chuyến trinh sát mở tuyến vận chuyển mới thành công.

Theo tuyến mới này, các tàu chở vũ khí đi trên đường hàng hải quốc tế, vòng qua quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiến sâu xuống vùng biển Xu-Ma-Tra, sau đó quay lại vịnh Thái Lan, rồi bất ngờ chuyển hướng, đưa vũ khí vào vùng biển Tây Nam - Việt Nam.

Đây là giai đoạn vận chuyển đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của Đoàn 125, và đã vận chuyển được hơn 400 tấn vũ khí chi viện chiến trường Miền Nam. Tiêu biểu là chuyến đi của tàu 645 vào Quân khu 9 ngày 24/4/1972. Khi chuyển hướng vào bến thì tàu 645 gặp tàu địch tấn công. Tàu của ta bị thương nặng, chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã ra lệnh cho anh em rời tàu, còn mình anh ở lại điểm hoả các khối bộc phá cho tàu nổ tung và hy sinh anh dũng cùng với con tàu thân yêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Năm 1971-1972, công tác vận chuyển càng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng giao cho Hải quân phối hợp với Đoàn 371 - Quân khu 9 bí mật chở vũ khí trên những con tàu đánh cá hợp pháp. Trong 2 năm, đã vận chuyển được 520 tấn vũ khí vào chiến trường khu 9. Đặc biệt, ta còn đưa đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp đi công tác, làm nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng Miền Nam.

(Còn nữa)

Thanh Trà (tổng hợp)