Quét sạch thủy lôi Mỹ trên Vịnh Bắc bộ và các hải cảng
Với cái cớ “sự kiện vịnh Bắc bộ”, ngày 5/8/1964, Mỹ tiến hành chiến dịch đánh phá miền Bắc suốt 9 năm, trong đó, dùng thủy lôi phong tỏa là chiến thuật được Mỹ kỳ vọng.
- Hải quân Việt Nam đánh bật khu trục hạm Maddox
- Nguyễn Trung Trực đánh tan tiểu hạm đỉnh nhất của Pháp
- Điểm lại những trận thủy chiến lẫy lừng của dân tộc Việt
- Tàu ngầm Trường Sa 1 và công nghệ độc đáo mang tên AIP
- Tàu ngầm Kilo thứ hai về VN phải thay đổi lộ trình do máy bay Malaysia mất tích
- Tàu ngầm TP.HCM sắp về cảng Cam Ranh
- Tiến độ đóng, giao tàu ngầm Kilo cho Việt Nam
- Những vũ khí tốt nhất của Nga mà Việt Nam đang có
- Những sản phẩm số tiêu biểu năm 2007
Ngày 7/8/1964, Quốc hội Mỹ đã thông qua một nghị quyết dựa trên lý do “sự kiện vịnh Bắc bộ” – tức sự kiện Hải quân Nhân dân Việt Nam đánh đuổi tàu khu trục hạm Maddox (đã đăng trước đó).
Theo đó, Quốc hội Mỹ cho phép tổng thống Mỹ Johnson lúc bấy giờ “được áp dụng mọi biện pháp cần thiết, đẩy lùi bất cứ một cuộc tiến công vũ trang nào chống lại lực lượng Hoa Kỳ và sẵn sàng tiến hành mọi bước cần thiết, kể cả dùng lực lượng vũ trang để giúp đỡ bất kì một nước đồng minh nào cần đến sự giúp đỡ để bảo vệ nền tự do của mình”. Đây là cơ sở để Johnson mở cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam một cách hợp pháp và tiến hành chiến tranh hạn chế ở miền Nam Việt Nam.
Bom thủy lôi Mk 81 lắp đầu nổ cảm ứng loại nhỏ.
Mỹ cho phong tỏa bằng thủy lôi
Ngày 26/2/1967, Không quân Mỹ bắt đầu thả những quả thủy lôi đầu tiên trong chiến dịch phong tỏa các luồng vận tải trên sông, cảng sông, cảng biển ở miền Bắc nước ta.
Mỹ đã sử dụng nhiều loại thủy lôi: Thủy lôi từ trường (cảm ứng từ thay đổi thì phát nổ), thủy lôi âm thanh (tàu phát ra sóng âm thì phát nổ), thủy lôi chạm nổ (tàu chạy va vào thì phát nổ), thủy lôi áp suất (áp suất nước thay đổi khi tàu đi qua thì phát nổ), hòng đánh chìm các loại tàu chiến, tàu vận tải của ta. Ngoài ra, Mỹ còn dùng thủy lôi “định lần” (ví dụ, tàu chạy qua 10 lần mới nổ), để khai thác sự mất cảnh giác, khiến ta lầm tưởng rằng tuyến đường thủy này an toàn và mạnh dạn cho nhiều tàu chạy qua.
Theo kế hoạch đã được tính toán kỹ, lực lượng không quân, hải quân (KQHQ) của ACTF-77 Mỹ (Cụm không quân hải quân công kích chủ lực số 77) đã tiến hành thả thủy lôi phong tỏa các cảng miền Bắc như Cẩm Phả, Hòn Gai, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa. Thông qua các hải cảng này, Việt Nam vẫn tiếp nhận những chuyến hàng từ các nước XHCN và mang hàng chi viện cho miền Nam.
Ngoài ra, KQHQ Mỹ còn tiến hành phong tỏa các tuyến vận tải trên sông. Nhằm gây tổn thất lớn cho Việt Nam, đồng thời che giấu và ngụy trang việc phong tỏa bằng thủy lôi, KQHQ Mỹ đã triển khai các đợt đánh bom vào các hải cảng bằng máy bay, còn các chiến hạm của ACTF-77 thì tiến hành pháo kích các mục tiêu ven bờ.
Việc rải thủy lôi được giao cho các máy bay cường kích hải quân A-6 "Intruder" và A-7 "Corsair", cùng máy bay tiêm kích hộ tống là F-4 "Phantom". Các máy bay cường kích tiếp nhận thủy lôi từ các tàu sân bay "Kitty Hawk", "Coral Sea" và "Constellation" cơ động ở khoảng cách từ 80-100 dặm so với khu vực thả thủy lôi (trong khu vực tác chiến "Yankee"). Các máy bay Mỹ tiến hành rải thủy lôi theo bình diện ngang khu vực cửa cảng, đồng thời cũng dải dọc theo luồng lạch các dòng sông dẫn vào cảng. Thời điểm rải thủy lôi là thời điểm thủy triều xuống thấp nhất. Khi tiến hành rải thủy lôi, các máy bay cường kích hải quân bay với độ cao so với mặt nước biển 150 – 300m, tốc độ 550 - 650 km/h. Mỗi máy bay mang theo từ 2 đến 6 thủy lôi đáy sông trên cánh, còn trên biển là các loại Mk 36, Mk 50, Mk 52 hoặc Mk 53, được phóng, rải theo kế hoạch đã định sẵn. Các quả thủy lôi rơi trên cạn hoặc ở độ sâu nhỏ hơn 3m sẽ tự kích nổ.
Trên các tuyến đường sông, nơi mà mực nước không sâu quá 15m, Mỹ sử dụng các loại thủy lôi-bom chờ nổ mới ("Distractor"), là loại bom Mk 81 hoặc Mk 82 thông thường, nhưng được lắp đặt thêm một đầu nổ cảm ứng từ trường, hoặc âm thanh loại nhỏ.Mật độ rải thủy lôi trung bình của Mỹ trên bình diện mặt nước trước cảng là 70 - 80 thủy lôi/hải lý. Ở những khu vực cảng quan trọng như cảng Hải Phòng, Vinh hoặc Thanh Hóa, mật độ được tăng cường đến 150 thủy lôi/hải lý. Số lượng thủy lôi Mỹ đã sử dụng trong toàn chiến dịch lên đến 11.000 quả.
Các nhà khoa học và Hải quân Việt Nam đã quét sạch
Trước tình hình hết sức cấp bách, bởi hầu hết các loại thủy lôi mà Mỹ đã thả đều là loại áp dụng kỹ thuật mới, các nước lớn trong khối XHCN như Liên Xô, Trung Quốc cũng không có thông tin và phương tiện rà phá hiệu quả. Vì vậy, với phương châm: “Tự cứu mình trước khi người cứu”, chúng ta chủ động tìm cách chống phong tỏa thủy lôi.
Để có thông tin về vũ khí địch, phía ta đã tìm mua những tài liệu nước ngoài (chủ yếu ở các đồng minh của Mỹ như Nhật, Pháp, Đài Loan...) về dịch lại để hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của những thủy lôi này. Cạnh đó, lãnh đạo còn cử nhiều đoàn cán bộ đi học kỹ thuật ở nước ngoài để phát triển nhân lực cho công tác chống phong tỏa thủy lôi. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã triệu tập ngay 32 kỹ sư đã đi học ở các nước về thành một nhóm để nghiên cứu và vạch ra các phương pháp phá thủy lôi.
Cũng cần nói thêm, do đây là nguồn “nhân lực quý” của đất nước lúc báy giờ, nên những người trong nhóm không được phép đi thực nghiệm, vì lo mất an toàn. Việc thực nghiệm là lực lượng bộ đội hải quân chuyên trách đảm nhiệm. Sau khi đã có được những kiến thức nhất định, nhóm cùng đội ngũ chuyên gia giỏi của ta bắt đầu tiến hành công tác rà phá thủy lôi.
Phát huy trí tuệ Việt Nam, đối với thủy lôi từ trường, vấn đề đặt ra là phải tạo được “tín hiệu từ giả” đủ mạnh, có thể “đánh lừa” loại thủy lôi đó, đồng thời tín hiệu phát đi phải đủ xa, đảm bảo khoảng cách an toàn cho tàu và người điều khiển. Theo đó, các kỹ sư hải quân đã cải tiến loại tàu tankist (chuyên vận tải đổ bộ), lắp thêm các cuộn dây từ bọc ngoài và máy phát điện một chiều để thử. Quá trình thử nghiệm, ta đã tìm hiểu xem khi phát tín hiệu từ thì thủy lôi bị kích nổ trước mũi tàu bao nhiêu mét, hay bên phải, bên trái, đằng sau bao nhiêu mét. Sau đó tiếp tục tính toán, nếu dòng điện yếu không đủ kích nổ hoặc kích nổ quá gần tàu thì ta phải tìm cách tăng công suất điện…
Thời bấy giờ, ở miền Bắc gần như không có máy phát điện công suất cao, viện trợ nước ngoài lại khó khăn. Nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, các cán bộ kỹ thuật của ta đã tiến hành đấu nối nhiều máy phát lại để tạo ra nguồn điện mạnh hơn. Nhờ vậy, việc rà phá thủy lôi từ trường được dễ dàng. Sau này, ta còn chế tạo loại tàu phá thủy lôi không người lái, điều khiển từ xa, trên bờ. Nhờ vậy, việc rà phá thủy lôi đã giảm thương vong, nguy hiểm mà vẫn “mở luồng” an toàn, đủ cho đoàn tàu vận tải đi qua.
Kết quả, từ năm 1967 tới 1972 công binh hải quân Việt Nam đã phá được hàng nghìn quả thủy lôi các loại. Lượng hàng hóa, nhân lực tiếp tế cho miền Nam không giảm mà vẫn tăng. Riêng đoàn tàu không số đã vận chuyển được hàng trăm nghìn tấn hàng hóa vũ khí đưa vào miền Nam. Còn đường viện trợ của các nước XHCN cho miền Bắc vẫn thông suốt cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại.
Với chiến dịch phong tỏa thủy lôi của Mỹ, cũng có khoảng 30 chiếc tàu, xuồng loại nhỏ của ta bị va chạm với thủy lôi Mỹ và bị nổ. Nhưng tổn thất ấy không đáng kể, trong khi chính chiếc khu trục hạm Warrington của Mỹ khi cơ động dọc bờ biển Việt Nam đã bị trúng hai quả thủy lôi Mk 36 và bị hỏng hoàn toàn – Thật là “gậy ông đập lưng ông”!
Mỹ cũng bất ngờ
Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam và Mỹ phải thực hiện các điều khoản đã cam kết trong hiệp định. Trong đó, có khoản phải tiến hành rà phá tất cả thủy lôi đã ném xuống phong tỏa các cảng sông, cửa biển ở miền Bắc Việt Nam. Theo đó, quân đội Mỹ đã thực hiện chiến dịch “Nhát quét cuối cùng” từ ngày 28/1–18/7/1973, đưa đơn vị tàu hùng hậu Tank Force 78 gồm: 10 tàu quét mìn, 6 tàu kéo, 9 tàu đổ bộ, 3 tàu trục vớt cứu hộ, 19 khu trục hạm và thêm đơn vị trực thăng rà phá ngư lôi CH – 53 tiến vào miền Bắc. Nhưng kết quả thu được của Mỹ gần như không có gì. Điều này làm cho họ thực sự ngạc nhiên và tự hỏi, tại sao họ đã thả thủy lôi với mật độ dày đặc như vậy nhưng khi vào rà phá lại không nổ (nghĩa là không còn-PV).
Thắng lợi này khiến Mỹ không ngờ tới. Thấy thắng lợi trong chống phong tỏa thủy lôi của Việt Nam, Liên Xô nghĩ là Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam, còn Trung Quốc nghĩ ngược lại. Và sau này, những kinh nghiệm trong công tác chống phong tỏa thủy lôi của Việt Nam đã được chia sẻ cho các nước khác.
Thanh Trà (tổng hợp)