Điểm lại những trận thủy chiến lẫy lừng của dân tộc Việt
Việt Nam là một dân tộc giỏi thủy chiến. Điều này đã được chứng minh qua những trận thủy chiến oai hùng trong suốt chiều dài lịch sử bảo vệ đất nước.
- Tàu ngầm Kilo thứ hai về VN phải thay đổi lộ trình do máy bay Malaysia mất tích
- “Lộ” mẫu tàu chiến SIGMA 9814 do Hà Lan đóng cho Việt Nam
- Tàu ngầm Trường Sa 1 và công nghệ độc đáo mang tên AIP
- Tàu ngầm TP.HCM sắp về cảng Cam Ranh
- Tiến độ đóng, giao tàu ngầm Kilo cho Việt Nam
- Tàu ngầm thứ 2 đã được đưa lên boong tàu vận tải Hà Lan về VN
Thời Hùng Vương: Chiến tích đánh giặc Quỳnh Châu
Các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định, ngay từ thời Vua Hùng, người Việt đã giỏi thủy chiến. Dù không được ghi lại trong sử sách, nhưng dấu tích của những trận thủy chiến đầu tiên của dân tộc Việt vẫn được lưu truyền trong dân gian, tiêu biểu là một truyền thuyết được ghi nhận ở Hải Phòng.
Theo đó, vào thời Hùng Vương thứ 6, hàng năm, người dân sống dọc miền ven biển của nước Văn Lang thường bị nạn giặc từ đảo Quỳnh Châu đưa thuyền vào cướp phá. Trước lời kêu cứu của dân, Vua Hùng đã đưa quân về, đóng ở một cái hang mà ngày nay là hang Vua ở Hải Phòng.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Vua Hùng, quân và dân Văn Lang đã đánh tan nhiều cuộc tấn công của giặc Quỳnh Châu. Sau đó, Vua Hùng đã quyết định cho đóng thuyền chiến, đưa quân vượt biển tới đảo Quỳnh Châu, phá tan sào huyệt địch rồi rút về. Kể từ đó, giặc biển Quỳnh Châu không còn dám vào quấy phá nước ta nữa.
Điều đó đã chứng tỏ rằng, hoạt động thủy chiến của người Việt thời Vua Hùng đã vượt ra khỏi đất liền, trở nên “thiện chiến” cả ở các vùng biển xa.
Ngô Quyền và trận Bạch Đằng giang lẫy lừng
Năm 938, một trận đánh oai hùng giữa Tĩnh Hải quân (quân và dân Việt Nam) do Ngô Quyền lãnh đạo với quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng với những cọc nhọn, đến nay vẫn còn dấu tích.
Mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938.
Nguyên cớ dẫn đến trận đánh nổi tiếng trên sông này là vào năm 937, hào trưởng đất Phong Châu Kiều Công Tiễn đã sát hại Dương Đình Nghệ, là bố vợ của Ngô Quyền để chiếm quyền, nhưng Kiều Công Tiễn không có chỗ dựa vững chắc nên đã cầu viện nhà Nam Hán để bảo vệ quyền lực của mình.
Nghe tin, Ngô Quyền nhanh chóng tập hợp lực lượng, kéo quân ra Bắc, giết chết Kiều Công Tiễn, rồi chuẩn bị quyết chiến với quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy.
Nắm được quy luật thủy triều khá đặc biệt của sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã lợi dụng điều này, sai người đóng cọc dưới lòng sông, đầu bịt sắt nhọn sao cho khi nước triều lên thì bãi cọc bị che lấp, còn khi triều xuống bắt đầu lộ ra. Cuộc chiến diễn ra khi thủy triều lên, Ngô Quyền cho thuyền nhỏ nhử quân Nam Hán với các chiến thuyền to tiến sâu vào khu vực cắm cọc và đợi lúc triều rút xuống, thuyền quân Nam Hán mắc cạn các chiến thuyền mới được tung ra giao chiến. Kết quả, quân Nam Hán thảm bại, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sỹ, còn nhà Nam Hán phải từ bỏ giấc mộng xâm lược.
Sau chiến thắng này, Ngô Quyền lên ngôi vua, đánh dấu cho việc chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc của Việt Nam.
Thời Lê: Lại thêm một trận Bạch Đằng vang dội
Thời vua Lê Hoàn và nước Đại Cồ Việt cũng có một trận Bạch Đằng, và cũng là một trận đánh lớn, có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh với nước Tống, diễn ra từ tháng 1- 4 năm 981.
Năm 979, sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, tranh chấp quyền lực trong cung đã xảy ra giữa phe của Lê Hoàn (941-1005) và một số đại thần thân cận của Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn đã hạ sát các đối thủ và củng cố sự kiểm soát triều đình.
Thấy nước Việt rối ren, nhà Tống âm mưu đưa quân đánh chiếm. Trước tình hình đó, Lê Hoàn đã lên ngôi vua (sử gọi là Lê Đại Hành), lấy niên hiệu là Thiên Phúc để ổn định triều chính.
Đầu năm 981, nhà Tống cho quân sang đánh Đại Cồ Việt. Chiến sự ác liệt đã diễn ra cả trên bộ và trên sông giữa hai bên trong nhiều tháng. Đến giữa tháng 4/981, thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo thống lĩnh bị thất bại trong việc chọc thủng phòng tuyến đối phương đã phải quay về sông Bạch Đằng và rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Lê Đại Hành đã chuẩn bị cho một trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng. Ông chọn một khúc sông hiểm yếu rồi bố trí quân mai phục chờ sẵn. Ngày 28/4/981, Lê Đại Hành đã cho một cánh quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo rồi vờ “thua chạy”. Quân Tống đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục và bị hủy diệt gần như toàn bộ.
Sau thất bại của đạo quân thủy, quân bộ của nước Tống hoảng sợ bỏ chạy về nước, bị truy kích và tiêu diệt quá nửa. Sau cuộc chiến, nhà Tống buộc phải thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt.
Thời Lý: Trận chiến lịch sử giữa Đại Việt và Chiêm Thành trên sông Nhật Lệ
Quan hệ giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành là một mối quan hệ khá phức tạp trong lịch sử khu vực Đông Nam Á thời Trung đại.
Do điều kiện tự nhiên lãnh thổ quốc gia hẹp lại trải dài dọc theo bờ biển, giao thông trục Nam Bắc bằng đường bộ không thuận tiện, chủ yếu bằng đường biển nên người Chiêm rất thạo nghề sông nước và có lực lượng thủy quân mạnh. Với thực lực đó, nước Chiêm Thành đã từng nhiều lần tiến đánh nước Đại Việt và ngược lại Đại Việt cũng cho quân đi đánh Chiêm Thành.
Do tiềm lực quân đội yếu hơn nên Chiêm Thành nhiều lần phải hứng chịu những thất bại trước đế chế Đại Việt, trong đó, có thể kể đến trận thủy chiến trên sông Nhật Lệ.
Theo đó, vào năm 1069, vua Lý Thái Tông và danh tướng Lý Thường Kiệt đã đem 5 vạn quân đi chinh phạt Chiêm Thành nhằm ngăn chặn hành động tiếp tay cho nhà Tống quấy phá biên giới phía Nam của Đại Việt.
Lực lượng Đại Việt đã hành quân bằng đường biển và khi đến cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình) thì gặp thuỷ quân Chiêm Thành chặn đánh. Tại đây, lực lượng của Chiêm Thành đã bị đánh tan tác trước sức mạnh của đạo thủy quân Đại Việt.
Thời Trần: Thêm trận Bạch Đằng năm 1288 – sự lặp lại của lịch sử
Năm 1287, nhà Nguyên mở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người, lại bị mất đoàn thuyền chở lương trong trận Vân Đồn. Trước tình thế bất lợi, quân Nguyên phải tìm cách rút về nước theo nhiều hướng khác nhau.
Vào tháng 3/1288, đạo quân thủy xâm lược do Ô Mã Nhi thống lĩnh rút qua ngả sông Bạch Đằng, nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử bằng trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền trước đó. Trong lần này, danh tướng Trần Hưng Đạo lại áp dụng kế sách của tiền nhân để tiêu diệt quân xâm lược.
Ông nghiên cứu kỹ lưỡng quy luật thủy triều của sông Bạch Đằng để vạch ra thế trận cọc và bố trí mai phục quân Nguyên. Trận đánh mở đầu bằng những đòn nhử của thủy quân Đại Việt. Quân Nguyên tiến hành truy kích và rơi vào bãi cọc lúc nào không hay. Khi nước triều rút, thảm họa đã ập xuống đầu quân xâm lược.
Những con thuyền lớn của phương Bắc bị dồn ứ, tan vỡ khi va vào những chiếc cọc nhọn hoắt, trong khi quân mai phục của Đại Việt tràn ra từ hai bên bờ với khí thế ngút trời. Kết cục tất yếu đã xảy ra: quân Nguyên thảm bại, mất 4 vạn quân, 400 chiến thuyền và nhiều tướng lĩnh bị bắt sống.
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng của nhà Trần dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của Đại Việt trong cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần 3. Kể từ đó về sau, nhà Nguyên không bao giờ còn dám nghĩ đến chuyện xâm chiếm Đại Việt nữa.
Đại thắng trên sông Bạch Đằng lần này được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và là một trong những trận đánh nổi bật nhất trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt.
Thời Nguyễn: Trân Rạch Gầm - Xoài Mút, tử địa của người Xiêm
Tháng 7/1784, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn, khoảng 50.000 quân Xiêm với hơn 300 chiến thuyền cùng khoảng 4.000 quân của Nguyễn Ánh theo 2 đường thuỷ bộ tiến vào vùng đất Kiên Giang của Việt Nam. Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn đã chiếm được một số vùng đất phía Tây Gia Định, đóng quân ở căn cứ Trà Tân (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) để chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định.
Trước tình hình này, tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đã đưa 20.000 quân thuỷ bộ từ Quy Nhơn vào Gia Định. Không chủ trương phòng thủ Gia Định, ông quyết định đưa quân lên Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm.
Trong những ngày đầu, Nguyễn Huệ dùng lực lượng nhỏ thăm dò, nghi binh, cử người mang của cải cầu hoà với tướng giặc nhằm tạo sự chủ quan, gây chia rẽ nội bộ và dụ quân Xiêm - Nguyễn sớm tiến đánh Mỹ Tho. Đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (khoảng 6-7 km) được chọn làm nơi quyết chiến.
Rạng sáng ngày 19/1/1785, toàn bộ lực lượng Xiêm – Nguyễn theo đường thuỷ tiến đánh thành Mỹ Tho. Khi kẻ thù lọt vào trận địa phục kích tại Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn dùng pháo đặt trên thuyền, trên bờ và cù lao Thới Sơn bắn áp đảo, đồng thời thuỷ binh từ các nhánh sông tiến ra và từ Mỹ Tho kéo lên chặn đầu, khoá đuôi, đánh tạt sườn, bộ binh đón lõng diệt tàn quân chốn chạy trên bờ.
Kết quả là toàn bộ chiến thuyền và phần lớn quân Xiêm - Nguyễn bị tiêu diệt. Quân Xiêm chỉ sống sót khoảng vài ngàn, phải mở đường máu chạy về nước. Nguyễn Ánh cũng vội vã tìm đường chạy sang Xiêm.
Với chiến thắng có ý nghĩa chiến lược này, Nguyễn Huệ đã đập tan ý đồ “cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh và âm mưu xâm lược của quân Xiêm.
Thanh Trà (tổng hợp)