Nguyễn Trung Trực đánh tan tiểu hạm đỉnh nhất của Pháp

08:52, 19/05/2014

Những năm cuối của thế kỷ 19 cũng là giai đoạn Pháp mở rộng thuộc địa ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. “Kẻ mở đất” có vũ khí và phương tiện tối tân, trong khi chính thể địa phương chỉ là cung tên, giáo mác…

Năm 1861 là thời điểm Pháp đang mở rộng cuộc xâm chiếm Nam Kỳ. Ngày 23/6/1961, quân Pháp đã đánh chiếm Gò Công (Tiền Giang), rồi cho tiểu hạm Espérance (nghĩa là Hy Vọng), đến đồn trú ở sông Nhật Tảo (nay là đoạn sông Vàm Cỏ Tây, thuộc xã An Nhật Tân, huyện Tân Trụ, tình Long An).

Tiểu hạm Espérance là một tàu gỗ to, được bọc đồng ở nhiều chỗ, chạy bằng hơi nước và được trang bị một đại bác cùng nhiều vũ khí đa năng khác, trông rất oai vệ. Nó cơ động, có thể ra vào được ở những luồng lạch cạn. Đây là một trong những chiến hạm thuộc hàng “đỉnh” và mạnh nhất của hải quân Pháp lúc bấy giờ. Chỉ huy tàu là Parfait, một trung úy hải quân trẻ, cùng 42 lính thủy.

Nhằm đập tan vẻ “dương dương tự đắc” và tác oai tác quái của chiếc tàu và đám quân Pháp, Nguyễn Trung Trực, một quản cơ thời nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã cùng các đồng sự lên kế hoạch tấn công chiếc tiểu hạm này.

 

Hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Trung Trực.

Tầm trưa ngày 10/12/1861, sau khi bố trí lực lượng phục kích ở hai bên bờ, 5 chiếc ghe chở Nguyễn Trung Trực cùng 59 nghĩa quân giả làm đoàn ghe buôn lúa và ghe đám cưới đã áp sát tiểu hạm Espérance đang tuần tra trên sông Nhật Tảo. Viên sĩ quan trực tưởng là đoàn ghe tới xin phép lưu thông, nên nghiêng mình ra cửa sổ tàu để giải quyết thì bất ngờ bị một mũi giáo của nghĩa quân đâm trúng ngực. Liền đó, các nghĩa quân tay cầm gươm, giáo và đuốc, từ các ghe khác cùng nhảy lên boong tàu, vừa la hét, vừa đánh xáp lá cà với tốp lính thủy trên tàu.

Ở hai bên bờ, các nghĩa quân cũng nhanh chóng lao đến tiếp chiến. Họ lấy búa sắt phá tàu nhưng không vỡ, nên đã cho phóng lửa đốt rồi đánh chìm tàu, vốn được coi là biểu tượng cho sự xâm lăng của Pháp ở Việt Nam.

Mô hình trận đánh tàu Pháp trên sông Nhật Tảo của ánh hùng Nguyễn Trung Trực.

Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, nhưng với tình huống bất ngờ, các nghĩa quân đã nhanh chóng tiêu diệt được 37 tên địch, trong đó có 17 người Pháp và hủy diệt chiếc tàu này. Khoảng 150 nghĩa quân đã tham gia trận đánh. Trận chiến này có 4 nghĩa binh hy sinh.

Sau trận Nhật Tảo, Pháp đem quân tàn phá, đốt cháy làng Nhật Tảo để trả thù. Còn bài học của chiến thắng Nhật Tảo được nghĩa quân nhiều nơi áp dụng.

Pháo hạm là một ưu thế quân sự của quân Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, lần đầu tiên bị nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đốt cháy. Chiến thắng này đã làm nức lòng người dân Việt Nam thời điểm đó. Khi tin chiến thắng bay ra đến Huế, vua Tự Đức đã ban lệnh trọng thưởng cho tất cả những người tham gia trận đánh.

Còn viên thanh tra bản xứ tại Nam Kỳ Paulin Vial gọi đây là “một sự kiện đau đớn làm người An Nam phấn chấn và gây xúc động, đau lòng sâu sắc trong lòng người Pháp”.

(Còn nữa)

Thanh Trà (tổng hợp)