10 thuỷ lôi giá 1 tỷ USD không phá được cầu Hàm Rồng

08:50, 22/05/2014

Trong những năm kháng chiến, tuyến đường bộ Bắc-Nam là “huyết mạch” cung cấp cho miền Nam mọi mặt. Và trên tuyến đường này, cầu Hàm Rồng có vị thế như “yết hầu” của một cơ thể.

Về cầu Hàm Rồng

Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) cũ do Pháp xây dựng năm 1904, là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Năm 1946, chiếc cầu này từng bị Việt Minh phá hủy trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công xây dựng lại, khánh thành ngày 19/5/1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ. 

Cầu Hàm Rồng có vị trí giao thông rất quan trọng, là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam, là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. 

Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau.

Cầu Hàm Rồng bị hư hỏng nặng năm 1972 khi trúng bom laser của quân đội Mỹ

Vị thế của cầu đặc biệt, làm cho cầu khó bị bom đánh trúng: Tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai hòn núi (núi Rồng và núi Ngọc) đã chắn hết các bom định ném xuống cầu và là nơi các lực lượng phòng không bảo vệ cầu bắn đón đầu các máy bay oanh tạc phải bay theo một hướng bắt buộc. Do vậy nên trong cuộc chiến tranh không quân lần thứ nhất của Mỹ chống miền Bắc Việt Nam từ năm 1964-1968, tuy bị đánh phá ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Chỉ đến năm 1972 ngay đợt đầu của chiến tranh không quân lần hai (bắt đầu từ ngày 16/4/1972) Hoa Kỳ áp dụng bom thông minh (bom điều khiển bằng laser) mới đánh trúng cây cầu này và đã làm tê liệt hoàn toàn cầu Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng bị hư hỏng nặng năm 1972 do trúng bom laser của Mỹ. 

Năm 1973 cầu được khôi phục lại, trụ giữa vẫn dùng lại làm móng cột ống, tháo dỡ dầm thép cũ, thay bằng 2 nhịp 80m đơn giản. 

Từ tháng 12/2000, sau khi cầu Hoàng Long khánh thành, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho đường sắt. 

Công binh Việt Nam “tóm được” quả thủy lôi “khủng” nhằm phá cầu 

Chiến trường Việt Nam những năm 1960-1970 là nơi “thử vũ khí” của Mỹ và lần đầu tiên Mỹ sử dụng loại bom BLU-82 nặng gần 7 tấn (còn được biết đến với tên "Daisy Cutter"). Trọng lượng và kích thước của quả bom lớn đến nỗi nó chỉ được chở bằng máy bay vận tải C130 và mỗi chuyến bay cũng chỉ chở được tối đa 2 quả. Loại bom này được chế tạo nhằm phát quang cây cối làm bãi đáp trực thăng hoặc dàn trận địa pháo. Với cơ chế hoạt động đặc biệt, quả bom được kích nổ ngay trên mặt đất (không tạo ra hố bom) và có thể san phẳng mọi thứ trên một diện tích lên tới 100.000m2.

Trong chiến dịch đánh phá cầu Hàm Rồng, ngoài các loại bom, vô số loại thủy lôi (có tên và không có tên) cũng được không quân Mỹ thả xuống sông Mã, xung quanh cây cầu. Trong đó có 10 quả thủy lôi đặc biệt “khủng”, với đường kính lên tới 2,5m, chứa 180 kg thuốc nổ C4. Nếu chỉ nổ một quả thôi, cây cầu Hàm Rồng cũng chẳng còn. 

Quả thủy lôi có đường kính 2,5m, là 1 trong 10 quả thủy lôi được binh lính Mỹ dùng để phá cầu Hàm Rồng. Đứng bên nó, người phụ trách bảo tàng trở nên “quá nhỏ bé”. 

Hiện, Bảo tàng Công binh Quân đội còn lưu giữ nhiều loại bom, thủy lôi của Mỹ, trong đó quả thủy lôi lớn nhất từng được biết đến với đường kính trên 2,5m, chứa 180 kg thuốc nổ C4. Theo các tài liệu thu thập được, loại thủy lôi này là "vũ khí tối mật", chỉ có 10 quả và đều được sử dụng nhằm đánh sập cầu Hàm Rồng. Chi phí để nghiên cứu và sản xuất 10 quả thủy lôi này ước tính lên tới 1 tỷ USD (theo thời giá năm 1965). 

Anh Nguyễn Văn Tuấn – Nhân viên Bảo tàng Công binh cho biết, quả thủy lôi này được làm bằng chất liệu kim loại đặc biệt, bên trong được chứa đầy thuốc nổ và ngòi nổ. Rất may, sau khi máy Mỹ thả nó xuống sông, quân đội ta đã phát hiện kịp thời khi quả thủy lôi còn cách cầu Hàm Rồng chỉ chừng 50m, anh Tuấn cho hay. 

(Còn nữa)

Thanh Trà (tổng hợp)