“Xanh hóa” khu công nghiệp, Vĩnh Phúc đón sóng đầu tư chất lượng cao
Sự dịch chuyển của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thứ tư vào lĩnh vực xanh, bền vững và công nghệ cao, công nghệ mới… đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Trước làn sóng này, Vĩnh Phúc sẽ tập trung xây dựng khu công nghiệp phù hợp với địa phương và gắn liền với bối cảnh mới…
Chia sẻ tại diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” chiều ngày 9/12, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết tính đến hết tháng 11/2024, Vĩnh Phúc đã thu hút được 1.326 dự án, trong đó: 481 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 8,4 tỷ USD; 845 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư trên 145 nghìn tỷ đồng.
Toàn cảnh diễn đàn
Vượt mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2020-2025
Đặc biệt, từ năm 2020 trở lại đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã có rất nhiều nhiễu động như suy thoái kinh tế toàn cầu và gián đoạn chuỗi cung ứng… ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào các tỉnh, thành. Dù vậy, kết quả thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc vẫn vượt kế hoạch đề ra, bình quân mỗi năm thu hút từ 25-30 dự án, điều chỉnh tăng vốn 30-35 dự án với tổng số vốn thu hút bình quân đạt 500-600 triệu USD, có năm đạt gần 1 tỷ USD (2021).
“Nhờ đó, chỉ trong vòng 3 năm (2021- 2023), kết quả thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc đã vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra cho cả nhiệm kỳ 2020-2025 (là 2 tỷ USD). Con số này tiếp tục khẳng định, Vĩnh Phúc vẫn luôn là địa phương có nhiều lợi thế được các nhà đầu tư quan tâm, xác định là địa điểm đầu tư tốt, an toàn”, Chủ tịch Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp tiên tiến đã vào đầu tư tại các khu công nghiệp Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), HonHai và Compal (Đài Loan), Daewoo (Hàn Quốc)... đã hình thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc các ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và ngành điện tử (công nghệ cao); công nghiệp cơ khí, chế tạo động cơ...với những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Tuy vậy, trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang bao trùm hiện nay và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn và định hướng đầu tư phát triển khu công nghiệp hiệu quả cao, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tỉnh đang tìm kiếm mô hình khu công nghiệp vừa phù hợp với địa phương vừa gắn liền với bối cảnh.
Đến nay, sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển khu công nghiệp là 19 khu, với diện tích 5.487,31 ha và theo phương án phát triển hệ thống Khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024, đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 Khu công nghiệp với diện tích là 4.815 ha và đến năm 2050 có 29 Khu công nghiệp với diện tích là 5.489,68 ha. Trongđó ưu tiên phát triển các Khu công nghiệp mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Chuẩn bị đón làn sóng FDI mới
Theo TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), trong giai đoạn phát triển mới của kinh tế toàn cầu, phát triển xanh là một đòi hỏi bắt buộc với mọi quốc gia, không riêng Việt Nam, để đảm bảo có được sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được giữ gìn.
Diễn đàn thu hút sự tham dự của 300 đại biểu đến từ cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, Chủ tịch VIPFA cho biết từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ nghành, địa phương rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn đàng đón sóng đầu tư nước ngoài mới. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế phức tạp như đã nêu trên.
“Các địa phương Việt Nam cần chuẩn bị quỹ đất sạch, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, tinh giảm biên chế giảm thiểu các thủ tục hành chính trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống luật pháp của Việt Nam về đầu tư, kinh doanh... nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn”, TS.Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Về triển vọng phát triển các khu công nghiệp xanh và sinh thái tại Vĩnh Phúc trong thời gian tới, VIPFA cho rằng tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý, về cơ sở hạ tầng, lại nằm sát trung tâm kinh tế lớn nhất trong cả nước là Thủ đô Hà Nội.
Nhưng không phải vì có các lợi thế đó mà Vĩnh phúc không tính đến các giải pháp đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài và sử dụng nguồn ngoại lực này hiệu quả nhất trong giai đoạn Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” như Vĩnh Phúc đã rất thành công trong giai đoạn đầu tiên Việt Nam mở cửa gọi vốn đầu tư nước ngoài cách đây trên 30 năm với các dự án quan trọng ban đầu của Honda, Toyota từ Nhật Bản...”, TS. Phan Hữu Thắng cho biết.
Trước đòi hỏi cấp bách của việc cần thực hiện đầu tư phát triển xanh trong giai đoạn tới, nhất là đối với các khu công nghiệp hiện có và cấp mới, Chính phủ cũng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 40-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới để từng bước lập kế hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư.