Xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

10:19, 07/12/2021

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cần tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo (ĐMST), góp phần phát triển kinh tế xã hội thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh CNH - HĐH trong chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại diễn đàn (ảnh: BTC)

Ngày 6/12/2021, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và đồng chủ trì diễn đàn.

Tập trung vào các cơ chế, chính sách phù hợp với tiến trình phát triển khoa học công nghệ

Phát biểu tại diễn đàn, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ cần vào chú trọng vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) giai đoạn 2021 - 2030 trong đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu KHCN - ĐMST đóng góp quan trọng trong phát triển số ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế góp phần quan trọng vào cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại. Tham gia tích cực hiệu quả và tận dụng lợi thế thương mại cơ hội của cuộc CMCN lần thứ 4. Phấn đấu đến năm 2030 tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp CNC trong ngành chế biến chế tạo đạt tối thiểu là 45%.

Thứ hai, hoàn thiện hồ sơ, luật sửa đổi bổ sung một số điều sở hữu trí tuệ trong đó tập trung vào việc trao quyền đăng ký tài sản trí tuệ cho các nhà khoa học, các tổ chức do Bộ KHCN chủ trì. Thực hiện các nhiệm vụ KHCN, sử dụng ngân sách nhà nước nếu đc quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 tới đây. Chính sách này có khả năng sẽ tạo đột phá trong việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước

Thứ ba, đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường KHCN đồng bộ với các thị trường khác như thị trường hàng hóa, thị trường vốn,… theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời Bộ cũng đang xây dựng đề án trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 nhằm hình thành các DN khởi nguồn, startup các trường ĐH, các Viện nghiên cứu để thương mại hóa các kênh đã nghiên cứu trong thời gian vừa qua. Việc hình thành các DN này rất khó khăn do các luật như luật quản lý tài sản chung, luật viên chức, luật chuyển giao công nghệ,… Bộ đang phối hợp với các viện các trường để đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đột phá và thử nghiệm giải pháp để vượt qua khó khăn này.

Thứ tư, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo về các khu công nghệ cao (CNC) để Chính phủ quy định về phương hướng, xây dựng phương án phát triển các khu CNC thành lập, mở rộng khu CNC, hành động tại khu CNC, cơ chế chính sách và quản lý nhà nước đối với các khu CNC theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư trong đó có khu vực của tư nhân ngoài nhà nước Sắp tới đây bộ sẽ tổ chức làm việc với các khu CNC Láng Hòa Lạc, Khu CNC Đà Nẵng, Tp.HCM để có đánh giá và rút kinh nghiệm

Thứ năm, Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhất là đối với các nước phát triển như Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Singapore,…

Thứ sáu, quỹ phát triển KHCN tại các DN, thời gian vừa qua nhiều DN đã thiết lập và sử dụng, khai thác tương đối có hiệu quả về quỹ này. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 1 số vướng mắc do các quy định về nội dung chi làm hạn chế rất nhiều hiệu quả cơ chế rất tiến bộ này. Hiện nay Bộ KHCN đang phối hợp với Bộ Tài chính để khẩn trương sửa đổi bổ sung các thông tư liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc vừa nói trên. Nếu được tháo gỡ thì cơ chế quỹ này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư đổi mới công nghệ tại các DN góp phần tăng mạnh năng suất chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của các DN.

Để phát triển kinh tế cần có một tầm nhìn bao quát, hành động đặc biệt

Trưởng ban Kinh tế ông Trần Tuấn Anh cho rằng, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Yong Hongtaek - Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết: Để chuẩn bị đón đầu cơ hội khi trật tự thế giới mới sau Covid-19 được thiết lập, ba định hướng chính được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng: Tăng cường đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo (gọi là đặc khu cho phát triển).

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Chia sẻ với các đại biểu về một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường,… Thủ tướng nêu rõ, cùng với dịch bệnh COVID-19, đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực. “Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết: một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.

Theo Thủ tướng, dù trong quá trình hồi phục hay phát triển thì nội lực luôn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Nội lực gồm 3 trụ cột chính là con người; thiên nhiên; và truyền thống văn hóa - lịch sử với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất của dân tộc. Còn ngoại lực bao gồm công nghệ, vốn, năng lực quản trị và đào tạo nguồn nhân lực,…

Theo/vnautomate.net