Xây dựng hệ thống CNTT tập trung phục vụ Cơ chế một cửa quốc gia
Đây là nội dung chính tại cuộc Họp bàn về Đề án tổng thể xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng tập trung phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 18/11.
- Sự kiện giao thương về công nghệ thông tin Việt Nam - Hàn Quốc
- Các sản phẩm CNTT mang lại hiệu quả thiết thực cho Chính phủ
- Ủy ban Dân tộc và FPT hợp tác về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT
- Tinh Vân được vinh danh TOP 10 doanh nghiệp CNTT Việt Nam 2021
- Cử tri kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kiểm soát dịch bệnh
Quang cảnh buổi làm việc.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh, việc xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tập trung để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN sẽ kết nối với các bộ, ngành, doanh nghiệp XNK, doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, từ đó cơ quan Hải quan cùng với các cơ quan liên quan đều được hưởng lợi những tiện ích từ hệ thống, chia sẻ thông tin trên hệ thống.
Cụ thể, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu trên Hệ thống, với tinh thần kết nối các bên liên quan, để cùng chia sẻ, hưởng lợi từ hệ thống, tăng cường năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, giảm chi phí cho xã hội.
Tại cuộc họp này, đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) đưa ra những ý tưởng ban đầu của Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo định hướng tập trung phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.
Tính đến tháng 10/2021, đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành với khoảng 4,1 triệu hồ sơ của gần 49,5 nghìn doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.
Việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN cơ bản đáp ứng yêu cầu mở rộng kết nối các bộ, ngành và triển khai nhanh các thủ tục hành chính.
Đồng thời, từng bước hình thành hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nội luật hóa và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Chính phủ, các bộ, ngành đã trình ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Những hạn chế, tồn tại qua triển khai Cơ chế một cửa quốc gia được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
Theo đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, mặc dù đã đạt được những kết quả trên nhưng Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa thực sự mang lại đầy đủ hiệu quả, đặc biệt trong việc thực hiện mục tiêu thương mại xuyên biên giới tự động.
Cơ chế một cửa quốc gia chủ yếu mới chỉ đáp ứng việc giải quyết các thủ tục hành chính đơn lẻ của cơ quan quản lý nhà nước; chưa tạo ra được sự kết nối, liên thông, đồng bộ trong thực hiện các thủ tục hành chính gắn liền với chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh và hoạt động của người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh; đồng thời chưa hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước.
Thông tin dữ liệu phân tán, chỉ phục vụ thực hiện thủ tục hành chính đơn lẻ; dữ liệu hồ sơ, chứng từ đã được doanh nghiệp khai báo chưa được kế thừa và tận dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan tới doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống xử lý chuyên ngành của các bộ, ngành vẫn phân tán theo các cấp độ khác nhau, gây khó khăn trong kết nối, trao đổi và chia sẻ thông tin.
“Về nghiệp vụ, Hệ thống sẽ tạo ra nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến tích hợp, phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới. Đồng thời, số hóa toàn bộ dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung được chuẩn hóa liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; cung cấp nhiều tiện ích đối với người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý...”, đại diện Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan đưa ra những mục tiêu của Đề án.
Tại cuộc họp, đại điện các đơn vị vụ, cục tham gia đóng góp ý kiến về sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống, đồng thời đưa ra những yêu cầu kết nối tiếp theo; đánh giá thực trạng, phương án kết nối; cách thức kết nối Hệ thống với mô hình Hải quan thông minh; lợi ích, vai trò của các bộ, ngành về lộ trình triển khai hệ thống...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành nhấn mạnh, trước hết, về xây dựng đề án cần thiết thành lập nhóm xây dựng đề án liên ngành, liên bộ.
"Về nội dung đề án cần làm rõ mô hình hoạt động, cơ chế vận hành, lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý; xác định rõ mục tiêu của đề án, mục tiêu của hệ thống một cửa quốc gia; đưa ra yêu cầu kết nối... được chuẩn hóa. Đồng thời, khảo sát, đánh giá hệ thống các bộ, ngành đang thực hiện; phân công, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc triển khai đề án", Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh thêm.
Theo/haiquanonline.com.vn