Xiết chặt công tác quản lý tên miền quốc tế

04:08, 18/09/2009

Theo Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT quy định cụ thể về quản lý hoạt động Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế (các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam) phải đăng ký hoạt động với Bộ TT&TT và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo danh sách tên miền quốc tế mà mình đang quản lý theo định kỳ quy định.
Nhằm ngăn chặn việc sử dụng tên miền quốc tế tại Việt Nam để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2008/NĐ-CP trong đó có các điều khoản quy định cụ thể về việc đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế, quản lý hoạt động Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.
 
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã có Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT, quy định cụ thể về quản lý hoạt động Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam tại hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam làm đại lý cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế (các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam) phải đăng ký hoạt động với Bộ TT&TT và thực hiện các nghĩa vụ báo cáo danh sách tên miền quốc tế mà mình đang quản lý theo định kỳ quy định.

Khi triển khai thực hiện các quy định này, thống kê sơ bộ đã có khoảng trên 70 đơn vị đang cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam thuộc diện phải đăng ký hoạt động Nhà đăng ký tên miền quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế vẫn còn chưa được quản lý chặt chẽ.
 
Xuất phát từ lý do đó, Bộ TT&TT, Bộ Công an đã có cuộc họp với các Nhà đăng ký tên miền quốc tế nhằm phổ biến rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà đăng ký tên miền, thông tin của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã đăng ký, sử dụng tên miền quốc tế; các quy định về báo cáo, hướng dẫn chủ thể đăng ký tên miền thông báo sử dụng tên miền quốc tế qua môi trường mạng với Bộ TT&TT; Thống nhất các biện pháp phối hợp tổ chức thực hiện các quy định quản lý, báo cáo giữa các cơ quan quản lý và các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam.

Về nguyên tắc, các Nhà đăng ký phải nắm được đầy đủ cơ sở dữ liệu về khách hàng, thông tin về chủ thể, địa chỉ liên hệ của chủ thể thì mới thực hiện được việc thu phí dịch vụ hàng năm. Đây là điều kiện rất thuận lợi và hầu như không gây bất kỳ khó khăn nào cho Nhà đăng ký khi thực hiện việc báo cáo danh sách tên miền qua môi trường mạng về Bộ TT&TT, hoàn tất nhiệm vụ báo cáo theo quy định.
 
Tuy nhiên đến hết tháng 8/2009, các Nhà đăng ký mới báo cáo được 18.500 tên miền trên tổng số hơn 70.000 tên miền quốc tế đã được đăng ký sử dụng tại Việt Nam, chứng tỏ ý thức thực hiện của các Nhà đăng ký vẫn chưa tốt. Sau khi được phổ biến rõ các quy định tại cuộc họp, đặc biệt là các quy định xử phạt vi phạm, chắc chắn các Nhà đăng ký sẽ thực hiện tốt hơn trong tháng tới.

Được biết, theo quy định rất “mở” của Bộ TT&TT hiện nay, để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình (thông báo, đăng ký, báo cáo danh sách qua mạng với Bộ TT&TT) các chủ thể, Nhà đăng ký chỉ mất vài phút. Các thông tin mà tổ chức, cá nhân khi thiết lập trang thông tin điện tử không sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải thông báo gồm: Tên tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email liên hệ và các tên miền quốc tế đã đăng ký (đối với cá nhân thì bổ sung thêm số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu). Danh sách tên miền quốc tế mà Nhà đăng ký phải thông báo (trước ngày 15 của tháng đầu tiên hàng quý) bao gồm: tên miền, tên chủ thể, địa chỉ liên hệ, email, điện thoại.

Theo ICTnews