Xu hướng tự động hóa thời 4.0
Thực tế cho thấy, thế giới đang bước sang một thời đại hoàn toàn mới - thời đại của tự động hóa. Nơi mà công nghệ robot được ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất. Tại các nhà máy hiện đại công nhân rồi sẽ “vắng bóng” và thay vào đó là những Robot?
Xu hướng tự động hóa thời 4.0
Theo đánh giá, tự động hóa không phải là xu hướng mới, nhưng ở thời điểm hiện tại nó đang có sự bứt tốc mạnh mẽ. Báo cáo của Oxford economics chỉ ra rằng, robot sẽ sớm được thay thế tới 20 triệu việc làm tại các nhà máy trên toàn thế giới vào năm 2030. Điều đó có nghĩa là khoảng 8,5% lực lượng lao động sản xuất toàn cầu có thể bị thay thế bởi robot. Nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Foxconn - nhà lắp ráp sản phẩm cho Apple và Samsung đã thay thế 60.000 công nhân bằng robot.
Robot sẽ thay thế công nhân?
Tại hội nghị "Tầm nhìn nhân sự toàn cầu đến năm 2020" diễn ra mới đây, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam - Thái Lan - Trung Đông đưa ra bằng chứng, 45% tác vụ trong công việc sẽ bị thay thế bởi robot.
Tuy nhiên, 55% lượng công việc còn lại vẫn do con người thực hiện. Do đó, những công việc như hành chính văn phòng, tài chính, kế toán, may mặc... là nhóm ngành sẽ được robot thay thế nhiều trong 2020 và tỷ lệ lao động bình quân giảm khoảng 2-9%. Ở chiều ngược lại, nhân viên tuyến trên, thường xuyên tiếp xúc khách hàng lại tăng 4-13%. Theo ông, robot sẽ chỉ làm được những công việc lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ, đơn giản. Cũng theo ông Takaichi Ishida, Giám đốc nhà máy Omika, Nhật Bản: "Dù có robot nhưng con người vẫn là nhân tố hết sức cần thiết trong thời đại các đơn hàng đã không còn số lượng lớn mà cá nhân hóa theo nhu cầu. Do vậy, chuẩn hóa con người là rất quan trọng". Đơn cử như một nhà máy mới nhất của Daikin trên toàn cầu được đặt tại tại KCN Thăng Long II, tỉnh Hưng Yên. Nhà máy này thừa hưởng các công nghệ và kỹ thuật hiện đại nhất của các nhà máy khác thuộc tập đoàn Daikin trên toàn thế giới như ứng dụng IoT trong kỹ thuật quản lý sản xuất và giám sát chất lượng, dây chuyền sản xuất module và công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, không chỉ có robot mà con người vẫn là một phần không thể thiếu tại các nhà máy của Daikin. Chính sự kết hợp hài hòa giữa con người và máy móc đã góp phần tạo ra được những sản phẩm chất lượng trong điều kiện tốt nhất, tiết kiệm thời gian và công sức lao động hơn... Nhà máy này bắt đầu sản xuất từ 04/2018, ban đầu chỉ có 1 đội 10 người, nhưng đến giờ, đội ngũ đã có 800 người. Theo tiết lộ, dự kiến nhà máy sẽ đạt công suất tới 1 triệu bộ đến năm 2020, với khoảng 1500 lao động.
Nhà máy mới này của Daikin hội tụ và chắt lọc những công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới. Tất cả các module trên dây chuyền cũng như các công đoạn kiểm tra đều được kết nối với mạng internet, từ đó dữ liệu về sản xuất cũng như chất lượng liên tục được cập nhật và chia sẻ đến cấp quản lí, nhanh chóng đưa ra các biện pháp khắc phục cũng như phương hướng cải tiến.
Việc áp dụng công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất không phải là bước đệm để thay thế dần công nhân trong nhà máy, mà chỉ nhằm giảm thiểu lỗi sản xuất liên quan đến con người làm nên chất lượng sản phẩm không những cao mà còn ổn định. Bởi với Daikin con người là yếu tố then chốt, có những khâu robot không thể thay thế được con người. Từng công nhân trên dây chuyền của nhà máy đều được rèn luyện để trở thành một người giám sát chất lượng độc lập, người làm công đoạn sau phải kiểm tra chất lượng của người trước đó. Đây chính là một trong những kỹ năng mà tất cả công nhân Daikin được đào tạo tại phòng DOJO theo tiêu chuẩn tập đoàn. Tại Trung tâm đào tạo DOJO, các công nhân được đào tạo về an toàn sản xuất và kỹ năng chuyên môn trước khi tham gia vào sản xuất. Mỗi năm, Nhà máy Daikin Việt Nam sẽ cử 2 công nhân giỏi nhất đi so tài các kỹ năng đặc biệt như hàn, bắt vít với các nhà máy Daikin khác trên thế giới. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Daikin mong muốn mang lại môi trường làm việc đầy "tình thân", nhằm xây dựng khối gắn kết, đồng lòng và nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
"Những ngày đầu tiên làm việc tại Daikin, mình không suy nghĩ nhiều vì dẫu sao nhà máy cũng chỉ là nơi giúp mình trang trải cho gia đình hằng ngày. Nhưng sau thời gian làm việc tại đây, mình cảm nhận được sự quan tâm của các cấp dành cho anh em công nhân và thấy bản thân được trân trọng khi an toàn luôn được đặt lên hàng đầu ở nhà máy. Mỗi buổi sáng, trước khi vào ca làm việc, mọi người sẽ cùng nhau tập thể dục và hô khẩu hiệu: "YOSHI" để tạo động lực và nhắc nhở về việc đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất". – Bạn Trần Quốc Việt, công nhân tại nhà máy chia sẻ.
Được biết, đây không chỉ là nhà máy sản xuất điều hòa không khí đầu tiên của Daikin tại Việt Nam, mà còn là trọng điểm trong chiến lược toàn tập đoàn tới năm 2020 nhằm đẩy mạnh việc kinh doanh điều hòa không khí đang tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á.
Để đạt được mục tiêu, Daikin không chỉ tập trung vào sản xuất, mà dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng và dịch vụ hậu mãi đáp ứng chính xác nhu cầu của thị trường. Thông qua các hoạt động này, Daikin hy vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Ánh Dương