Xu hướng ứng dụng công nghệ cho Công nghiệp ô tô trong bối cảnh CMCN lần thứ 4
Ngày 3/11, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xu hướng ứng dụng công nghệ cho Công nghiệp ô tô trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi toàn diện; quy định nghiêm ngặt về môi trường đã thúc đẩy thay thế ô tô động cơ đốt trong bằng ô tô điện, ô tô tự hành. Từ sự chuyển đổi nhu cầu xã hội này, các nhà sản xuất ô tô phải nghiên cứu để cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại Việt Nam, công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, các ngành dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh ô tô cũng đang có sự thay đổi và ngày càng phát triển theo xu hướng của thế giới. Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực ô tô và thiết bị động lực để chia sẻ thông tin về lĩnh vực ô tô điện, các công nghệ mới trên ô tô hiện đại, chuyển đổi số trong lĩnh vực ô tô, cơ khí động lực… đang là xu hướng phát triển hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, nhằm đáp ứng xu thế phát triển và nhu cầu xã hội, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã có những chiến lược giáo dục và đào tạo bắt kịp xu hướng thời đại, là một trong những trường đại học đa ngành thuộc khu vực ĐBSCL có đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Cơ khí động lực. Trường đã thành lập Khoa Cơ khí Động lực từ năm 2017 để thực hiện nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học 2 ngành trên và trình độ thạc sĩ ngành Kỹ thuật ô tô và luôn cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo.
Quang cảnh Hội thảo.
Tại hội thảo, các báo cáo viên là những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu thuộc các Viện, Trường đại học; các cơ sở giáo dục, công ty, doanh nghiệp về công nghệ ô tô có đào tạo và kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, đã trình bày các tham luận xoay quanh: Xu hướng ứng dụng những thành tựu công nghệ 4.0 trong công nghiệp ô tô. Đổi mới Chương trình đào tạo ngành công nghệ ô tô để thích ứng với sự phát triển của các công nghệ mới. Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh và trí tuệ nhân tạo trên xe ô tô thế hệ mới. Công nghệ mới về động cơ, về vật liệu mới, nhiên liệu mới và xử lý khí thải cũng như công nghệ điều khiển xe…
Các tham luận cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, ứng dụng rộng rãi AI (Ô tô thông minh), và EV (xe điện), cùng các phần mềm trong ô tô đã trở thành hướng phát triển chủ đạo trong ngành công nghiệp ô tô; đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các SV tốt nghiệp ngành Công nghệ ô tô.
Dưới nền tảng của AI và EV và điện hóa ô tô, các công ty ô tô đưa ra những yêu cầu mới về khả năng và chất lượng đào tạo của SV ngành ô tô. Tuy nhiên, do công nghệ phát triển quá nhanh nên hiện có một khoảng cách lớn giữa chuẩn đầu ra của SV tốt nghiệp và yêu cầu của các doanh nghiệp. Mặt khác, công tác đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật (CNKT) ô tô ở Việt Nam còn nhiều vấn đề bất cập dẫn đến chất lượng đào tạo không cao, đặc biệt, giảng viên và sinh viên không theo kịp sự phát triển của công nghệ thông minh ứng dụng trên ô tô. Do vậy cần phải có một cuộc cải cách triệt để, sâu rộng trong đào tạo ngành CNKT ô tô.
Xuất phát từ thực trạng nhu cầu nhân lực ngành ô tô, phân tích các vấn đề trong quá trình đào tạo ngành ô tô tại các trường Đại học, Cao đẳng ở các nước phát triển, và thực trạng tại Việt Nam, các chuyên gia đề xuất cải cách phương thức đào tạo SV ngành ô tô từ bốn điểm: Thiết kế lại chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường đào tạo theo hướng cá nhân hóa sinh viên.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TP Hồ Chí Minh, trình bày tham luận.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước xu hướng ô tô thông minh, các doanh nghiệp ô tô cần sinh viên có ý thức đổi mới sáng tạo cao hơn và khả năng tiếp cận các công nghệ mới phục vụ Intelligent Drive (ô tô thông minh). Nó đặt ra những yêu cầu mới đối với nhân lực kỹ thuật ngành ô tô về kiến thức, khả năng thực hành, khả năng ứng dụng kiến thức toàn diện, chất lượng chuyên môn và tầm nhìn quốc tế.
Kỹ thuật ô tô là một lĩnh vực đa ngành và phức tạp, đòi hỏi sinh viên không chỉ có kiến thức chuyên môn cơ khí, điện tử, điều khiển truyền thống mà còn phải nắm vững trí tuệ nhân tạo, vi điện tử, tích hợp hệ thống, điện toán đám mây và các kỹ thuật công nghệ cao khác để vượt qua những thử thách mới. Muốn vậy, chương trình đào tạo ngành Công nghiệp Ô tô của các trường phải trang bị cho sinh viên nền tảng vững vàng về các môn khoa học cơ bản (toán, lý, hoá). Các chuyên gia ô tô định hướng AI và EV phải gánh vác trách nhiệm trong quá trình nghiên cứu, thiết kế và sản xuất ô tô, đồng thời áp dụng hợp lý các công nghệ của các ngành khác nhau vào ô tô, để đạt được sự tích hợp và ứng dụng hoàn hảo của các công nghệ khác nhau.
TS. Luật sư Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nam Cần Thơ tặng hoa các đơn vị tài trợ.
Ngoài ra, các trường đại học nên phối hợp với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật về ô tô thông minh, nhằm tạo không khí học thuật mạnh mẽ và mở rộng tầm nhìn quốc tế; khơi dậy ý thức làm chủ và hứng thú nghiên cứu khoa học của sinh viên. Chung quanh công nghệ mới về động cơ, về vật liệu mới, các chuyên gia đến từ Công ty Total Energies Việt Nam, và Công ty TNHH VEVE đã trình bày về công nghệ và sản phẩm dầu nhờn dành cho xe điện; mô hình hoá hệ truyền động và động lực học ô tô điện. Các công nghệ mới như: Công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn, chuyển đổi số trong lĩnh vực ô tô.
Tiết dạy thực hành của Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Nam Cần Thơ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã trình bày các giải pháp kinh tế, kỹ thuật góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô điện và hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam; mở ra nhiều cơ hội và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô điện, đáp ứng nhu cầu của thế giới và Việt Nam.
Hội thảo góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy động lực học tập cho sinh viên Khoa Cơ khí động lực của các trường đại học, đặc biệt là sinh viên năm cuối, có thêm nhiều thông tin quan trọng, thực tế để hội nhập vào hoạt động sản xuất, khoa học công nghệ của ngành công nghiệp ô tô.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị