Bất chấp nghị định xử phạt mới, thị trường iPhone 12 xách tay vẫn nhộn nhịp

10:56, 17/10/2020

Thị trường xách tay iPhone 12 vẫn diễn ra sôi động, bất chấp Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sau khi chính thức ra mắt mẫu iPhone 12 vào ngày 14/10 vừa qua, Apple cho biết sẽ bán loạt iPhone 12 chia thành 2 đợt; trong đó iPhone 12 và 12 Pro sẽ cho phép đặt trước từ ngày 16/10, bán ra vào ngày 23/11, còn bộ đôi iPhone 12 mini và 12 Pro Max sẽ đặt trước từ ngày 13/11 và bán ra sau đó một tuần.

Dù chưa có hàng chính hãng tại Việt Nam, nhưng không ít dân buôn điện thoại xách tay đã ồ ạt nhận xách tay iPhone 12.

Bất chấp nghị định xử phạt mới thị trường iPhone 12 xách tay vẫn nhộn nhịp

Bất chấp nghị định xử phạt mới, thị trường iPhone 12 xách tay vẫn nhộn nhịp

Theo ghi nhận, hiện nay rất nhiều cửa hàng chuyên bán iPhone xách tay lẫn nhập chính hãng (mã sản phẩm VN/A) đã nhận đặt hàng iPhone mới với mức giá chênh lệch đến hàng triệu đồng giữa các nơi.

Cụ thể, iPhone 12 bản 64 GB đang được chào giá từ 23 đến 26,5 triệu đồng. Còn iPhone 12 Pro bản 128GB được chào giá từ 28 đến 30 triệu đồng. Nếu mua phiên bản iPhone 12 Pro có bộ nhớ trong cao nhất - 512 GB, khách hàng có thể bỏ ra số tiền đến 46 triệu đồng.

Trên mạng xã hội Facebook, một người dùng chia sẻ thông tin trong Fanpage "Hội người dùng iPhone" rao bán iPhone 12 bản 64GB có giá 24,3 triệu đồng, bản 128GB giá 25,5 triệu đồng, bản 256GB có giá 27,8 triệu đồng. Trong khi đó, iPhone 12 Pro Max bản 128GB, tài khoản này rao bán 34,8 triệu đồng, bản 256GB có giá 37,2 triệu đồng.

Bất chấp nghị định xử phạt mới thị trường iPhone 12 xách tay vẫn nhộn nhịp

Có thể thấy, thị trường xách tay iPhone 12 vẫn diễn ra sôi động, bất chấp Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mức xử phạt được nâng lên rất nhiều.

Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nếu đập hộp và xách tay số ít về sử dụng thì người dùng không phải đóng thuế, nhưng sản phẩm được xách tay về để kinh doanh thì phải đóng thuế theo quy định, trường hợp mua gom sản phẩm chưa đóng thuế từ nguồn khác thì người mua có thể kê khai với cơ quan thuế để đóng thuế cho sản phẩm trên và có chứng từ mới hợp pháp.

Minh Anh (T/h)